Quản trị nhà nước trong bối cảnh chuyển đổi số – xu thế tất yếu của các quốc gia trên thế giới

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Hai, Tháng Mười Một 29, 2021 | 11:39 - Lượt xem: 1381

Ngày 29/11, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEDEC2) – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chủ trì phối hợp với Khoa Chính trị – Hành chính (SPAS) – Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh và Tạp chí Quản lý nhà nước – Học viện Hành chính Quốc gia đồng tổ chức Hội thảo trực tuyến “Quản trị nhà nước trong bối cảnh chuyển đổi số”.

“Chuyển đổi số” đã và đang trở thành xu thế tất yếu trong quản trị và phát triển của xã hội hiện nay. Nó được xem là quá trình chuyển đổi từ mô hình quản trị truyền thống sang quản trị dựa trên công nghệ hiện đại như: Dữ liệu lớn (Big Data), Internet cho vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud)… Quá trình này tạo ra những thay đổi căn cốt trong phương thức lãnh đạo, điều hành, quy trình tổ chức thực hiên công việc, văn hoá tổ chức… nhằm mang lại hiệu quả cao và tạo ra giá trị vượt trội trong quản trị, phát triển. Quá trình này đã và đang đặt ra những yêu cầu mới đối với công tác quản lý khu vực công nói chung, đặc biệt là công tác quản trị nhà nước.

Phát biểu tại Hội thảo, TS. Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, chuyển đổi số trong quản trị quốc gia hay nói cách khác là quản trị trong cơ quan nhà nước đã và đang trở thành xu thế tất yếu của các quốc gia trên thế giới, và đối với Việt Nam cũng vậy, chuyển đổi số là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu mà Chính phủ, các bộ ngành hết sức quan tâm, với  các hoạt động hết sức cụ thể trong công tác điêu hành của Chính phủ, cũng như của chính quyền địa phương, các Bộ ngành, các cơ quan… Tổng cục TCĐLCL rất hoan nghênh sự hợp tác giữa SMEDEC2 cùng với Khoa Chính trị – Hành chính – Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh và Tạp chí Quản lý nhà nước – Học viện Hành chính Quốc gia để tổ chức hội thảo.

 Hội thảo “Quản trị nhà nước trong bối cảnh chuyển đổi số” được diễn ra theo hình thức trực tuyến.

“Tổng cục TCĐLCL rất mong muốn hội thảo là cơ hội để chúng ta có thể nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm trong nước và quốc tế trong quản trị số, cũng như xây dựng Chính phủ số, qua đó, cung cấp và hệ thống hóa các luận cứ khoa học về quản trị nhà nước, các đề xuất về cơ chế chính sách cũng như các kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước dưới tác động của chuyển đổi số trong các cơ quan thuộc khu vực công, từ đó đưa ra các định hướng giải pháp nhằm nâng cao năng suất hiệu quả quản trị nhà nước trong giai đoạn hiện nay”. TS Hà Minh Hiệp  khẳng định.Thế giới đã trải qua rất nhiều mô hình quản trị, từ những năm 1950 đã biết đến quản trị dự án, năm 1980 biết đến quản trị chất lượng và từ năm 2010 đến hiện nay là quản trị chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Đây là những xu hướng mà các cơ quan chuyên môn đã tiếp cận và tạo ra các diễn đàn để mở ra cơ hội tiếp cận các xu hướng mới.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Nguyễn Đăng Quế – Phó Giám đốc Phụ trách điều hành Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng, quản trị nhà nước tốt đã khó, quản trị trong bối cảnh chuyển đổi số lại càng nhiều thách thức, hội thảo lần này vừa thể hiện niềm tin vừa là tinh thần trách của các bên liên quan đối với việc đóng góp tiếng nói giải pháp, kinh nghiệm của các lĩnh vực khác nhau của quản trị nhà nước.

Cũng theo ông Quế, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành Chiến lược chuyển đổi số quốc gia, đưa Việt Nam trở thành quốc gia có nhận thức chuyển đổi số song hành cùng các quốc gia tiên tiến trên thế giới và hiện nay việc chuyển dịch này diễn ra với tốc độ nhanh chóng theo 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, giống như công cuộc khai phá kinh tế diễn ra trong thập niên 60, 70 của thế kỷ trước, không gian mạng được mở rộng sẽ tạo môi trường và không gian phát triển mới cho đất nước.

Ở cấp độ quốc gia, chuyển đổi số là chuyển đổi chính phủ, kinh tế số và xã hội số. Ở cấp độ địa phương, chuyển đổi số là chuyển đổi sang chính quyền số, kinh tế số và công dân số trên địa bàn của địa phương đó. Ở cấp độ cá nhân, chuyển đổi số là chuyển đổi cách tư duy về vai trò của công dân, chuyển đổi về cách hợp tác với cơ quan nhà nước để bảo đảm quyền và lợi ích của cả hai phía.

Quản trị nhà nước không phải là quá trình tác động một chiều từ phía nhà nước, cơ quan quản lý đến đối tượng quản lý. Đó là quá trình tương hỗ nhiều chiều giữa nhà nước, thị trường và xã hội, quá trình đó dưới sự hỗ trợ của chuyển đổi số được kỳ vọng sẽ đề ra đột phá cả về lượng và chất.

“Vậy giải pháp nào để khai thác những tiềm năng thế mạnh của chuyển đổi số của hoạt động quản trị nhà nước trong bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội có nhiều biến động như hiện nay, đây là câu hỏi cấp thiết đặt ra không chỉ cho Chính phủ Việt Nam, các cơ quan nhà nước, các nhà khoa học, và các cá nhân yêu nước. Chúng ta cần làm chủ hạ tầng số, làm chủ các nền tảng số, từ đó làm chủ không gian mạng quốc gia, dựa trên các sản phẩm ‘made in Việt Nam”, Phó Giám đốc Phụ trách điều hành Học viện Hành chính Quốc gia nhấn mạnh.

Cũng tại Hội thảo, các diễn giả, chuyên gia cũng đã có những tham luận liên quan đến vấn đề chuyển đổi số trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng đã lắng nghe nhiều ý kiến trao đổi thảo luận chuyên sâu từ các nhà quản lý thực tiễn và các nhà khoa học liên như: Vấn đề chuyển đổi năng lực lãnh đạo như thế nào để nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước trong bối cảnh chuyển đổi số; Xây dựng chính sách dân số ở Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số; Chính phủ điện tử trong bối cảnh đại dịch Covid-19: nghiên cứu điển hình ở một số quốc gia và bài học cho Việt Nam; Những vấn đề cấp bách đặt ra đối với lãnh đạo, quản lý ở Việt Nam…

Hội thảo cũng đã nhận được hơn 50 câu hỏi thảo luận sâu từ nhiều chuyên gia, nhà khoa học đến từ rất nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp xoay quanh vấn đề chiến lược, quy mô chuyển đổi số nên thực hiện như thế nào, những rủi ro khi thực hiện chuyển đổi số, những nhân tố nào tác động đến chuyển đổi số ở doanh nghiệp, chuyển đổi số ở khu vực công dễ hay khó, lãnh đạo, quản lý cần một tư duy như thế nào để chuyển đổi số, thanh niên cần làm gì, quản trị dễ hay khó trong bối cảnh chuyển đổi số, chuyển đổi số có cần phải đào tạo, bồi dưỡng hay không?…

Hội thảo là diễn đàn học thuật của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong và ngoài nước về lĩnh vực quản lý công tham gia trao đổi, chia sẻ với mong muốn có những đóng góp thiết thực trong công tác quản trị nhà nước trước những thay đổi của công cuộc chuyển đổi số.

Hà My