‘Quản’ mũ bảo hiểm phải tăng cường hậu kiểm
Người viết: admin - Ngày viết: Thứ Ba, Tháng Một 2, 2018 | 1:26 - Lượt xem: 2050
Đề cập giải pháp quản lý chất lượng mũ bảo hiểm (MBH), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩ Đo lường Chất lượng Nguyễn Hoàng Linh cho biết, cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ, trước tiên, cần tăng cường hậu kiểm MBH.
Tính đến nay, Việt Nam đã có hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật đầy đủ từ quy định về chất lượng, quản lý trong hoạt động sản xuất, nhập khẩu, phân phối MBH, quy định trách nhiệm người sử dụng, trách nhiệm cơ quan quản lý…
Tuy nhiên, báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam chỉ rõ, số người tham gia giao thông đội mũ giả mạo MBH (mũ lưỡi trai nhựa) là khá cao, trung bình khoảng 20% trên cả nước, 40% tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Một nghiên cứu gần đây được thực hiện tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, hơn 26% vụ tai nạn giao thông mà chủ phương tiện bị văng MBH ra đường là do mũ không đạt chất lượng hoặc cài dây không đúng cách. Nhiều người dân còn chưa ý thức được vai trò quan trọng của việc đội MBH phù hợp với quy chuẩn.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh tại Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện quy định bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người đi xe mô tô, xe gắn máy
Đánh giá về chất lượng MBH, TS. Kidong Park – Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cho biết, tỉ lệ người đội MBH tại Việt Nam đạt cao nhưng tỉ lệ người đội mũ đúng cách và đạt chuẩn chỉ khoảng 70%. TS. Park cho rằng, Việt Nam cần quy định cụ thể, rõ ràng về việc sản xuất, đội MBH đạt chuẩn để bảo vệ tính mạng cho người tham gia giao thông.
Theo Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng, quy định bắt buộc đội MBH đối với người ngồi trên mô tô, xe gắn máy mang tính nhân văn rất cao. Báo cáo tại Hội nghị, ông Hùng cho hay, tỉ lệ đội MBH của người dân khi tham gia giao thông tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa mới đạt từ 50 – 60%; tỉ lệ trẻ em đội MBH mới đạt khoảng 40 – 50%. Đặc biệt ở các thành phố lớn, tỉ lệ người dân sử dụng MBH không đạt chuẩn, mũ giả vẫn chiếm đến 40%, việc đội MBH đối với nhiều người chỉ mang tính chất đối phó với lực lượng chức năng nhằm tránh bị xử phạt.
“Ngoài ra, chính quyền địa phương, đặc biệt là chính quyền cơ sở phải vào cuộc mạnh mẽ, thường xuyên kiểm tra, xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh MBH kém chất lượng nhằm ngăn ngừa từ gốc việc buôn bán, sử dụng MBH “rởm”. Đối với những trường hợp cố tình vi phạm cần đưa ra xử lý trước pháp luật, bởi đây là một sản phẩm liên quan trực tiếp đến sinh mạng, sức khỏe của con người”, ông Hùng nhấn mạnh.
Quản lý chất lượng MBH phải tăng cường hậu kiểm
Đề xuất giải pháp cho việc quản lý chặt chẽ chất lượng MBH, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩ Đo lường Chấ lượng Nguyễn Hoàng Linh cho biết, cần phải có nhiều giải pháp đồng bộ, trước tiên, cần tăng cường hậu kiểm MBH cho người đi mô tô, xe máy lưu thông trên thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về chất lượng MBH cho người đi xe mô tô, xe gắn máy, mũ giả MBH. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; hoàn thiện khung pháp lý và quy định kỹ thuật về MBH để tăng cường quản lý chất lượng.
Bên cạnh đó, cần thành lập Hiệp hội doanh nghiệp MBH để định hướng, hỗ trợ người sản xuất, nhập khẩu đáp ứng các quy định về chất lượng MBH. Hiệp hội này có thể phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn hành vi sản xuất, kinh doanh mũ không phải MBH, mũ giả mạo MBH để bảo vệ lợi ích và quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
“Các cơ quan hữu quan, trong đó Ủy ban ATGTQG cần tiếp tục đẩy mạnh truyền thông về sự cần thiết phải đội MBH đạt chuẩn; các cơ quan thực thi như công an, quản lý thị trường… kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình sản xuất, kinh doanh MBH giả cũng như các hành vi vi phạm khi sử dụng mũ không phải MBH khi tham gia giao thông” – Phó Tổng cục trưởng nhấn mạnh.
(Nguồn:vietq)