Quản lý sản phẩm hàng hóa cần dựa trên kiểm soát chất lượng
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Năm, Tháng Tám 4, 2022 | 14:29 - Lượt xem: 1009
“Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa là vấn đề cần quan tâm đúng mực, nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Muốn quản lý chất lượng cần dựa trên kiểm soát chất lượng, trong đó kiểm soát chất lượng phải bắt đầu từ khâu đầu tiên cho đến khâu cuối cùng khi đến tay người tiêu dùng”, ông Hoàng Trọng Thanh, Giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân khẳng định trong cuộc trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam.
Hàng giả tinh vi như hàng thật
Thời gian qua, hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã và đang trở thành vấn nạn gây nhức nhối trong xã hội và cộng đồng người tiêu dùng. Điều này không chỉ tác động tiêu cực đến đời sống, sức khỏe người dân mà còn ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của nhiều nhà sản xuất – doanh nghiệp chân chính, làm xấu môi trường đầu tư và kéo lùi sự phát triển kinh tế đất nước. Đáng lo ngại là tình trạng trên diễn biến với thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây cản trở cho lực lượng chức năng.
Trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn), bà Nguyễn Minh Ngọc – Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, các đối tượng làm giả, nhái sản phẩm nắm bắt thông tin rất nhanh. Các thương hiệu chỉ cần ra mẫu mã, sản phẩm mới là chỉ trong thời gian rất ngắn đã xuất hiện nhiều loại nhái theo.
Có những sản phẩm nếu nhìn bằng mắt thường sẽ rất khó nhận biết đâu là hàng thật, đâu là hàng giả mà phải thông qua các biện pháp nghiệp vụ hoặc cần có thời gian kiểm định.
Ví dụ như đối với sản phẩm rượu Chivas, để xem xét thật giả, có thể nhìn về nhãn mác, thường thì sản phẩm giả sẽ không có nhãn phụ tiếng Việt hoặc nhãn dán trên sản phẩm không được sắc nét như hàng thật, cách đóng hộp cũng không được “thật mắt”. Tuy nhiên, càng ngày các đối tượng càng tinh vi, sản phẩm làm giả nhìn như thật, màu rượu nếu như hàng thật có màu cánh gián thì hàng nhái cũng có màu tương tự, thậm chí màu đẹp hơn. Nếu như khó xác định bằng mắt thường, lực lượng chức năng cần phải đi đến bước kiểm định chất lượng sản phẩm, từ đó mới có kết luận chính xác.
Không riêng sản phẩm rượu mà hầu như các sản phẩm đều có khả năng bị làm giả, nhái hoặc xâm phạm sở hữu trí tuệ. Tính chung năm 2021, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã phát hiện và xử lý 41.375 vụ vi phạm; ước thu nộp ngân sách gần 430 tỷ đồng. Số lượng xử lý vi phạm càng nhiều càng chứng minh hàng giả, hàng nhái thực sự là “món hời” đem lại nhiều lợi nhuận mới có thể khiến các đối tượng làm giả, nhái liều mình đến vậy.
Quản lý chất lượng dựa trên kiểm soát chất lượng
Để dẹp loạn vấn nạn này, giới chuyên gia cho rằng, một trong những yêu cầu đặt ra là cần phải quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, minh bạch từ những bước đầu để hàng giả, hàng nhái không có cơ hội “chen chân”.
Ông Hoàng Trọng Thanh trao đổi với phóng viên Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn). Ảnh: Ngọc Xen.
Theo ông Hoàng Trọng Thanh, Giảng viên Đại học Kinh tế Quốc dân, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội đầu tư xây dựng dịch vụ Nông lâm nghiệp Việt Nam, quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa là vấn đề cần được quan tâm đúng mực, cần nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Muốn quản lý chất lượng cần dựa trên kiểm soát chất lượng, trong đó kiểm soát chất lượng phải bắt đầu từ khâu đầu tiên cho đến khâu cuối cùng khi đến tay người tiêu dùng.
Cũng theo ông Hoàng Trọng Thanh, thực tế hiện nay, Việt Nam là thị trường tiêu dùng nhiều hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không chỉ trong nước sản xuất mà còn từ nước ngoài thâm nhập vào.
“Trên thế giới đồng USD cũng từng bị làm giả chứ không nói đến sản phẩm hàng hóa, bởi vậy chúng ta cần chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng hai chiều. Trước tiên, chống hàng giả trong nước để bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp Việt. Còn đối với hàng hóa nước ngoài vào, chúng ta phải bảo vệ người tiêu dùng trong nước, tránh xa những tổ chức, công ty, doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm giả ở nước ngoài. Nhiều sản phẩm giả, nhái của nước ngoài “tuồn” vào nước ta nhưng chưa được kiểm soát chặt chẽ hoặc xử phạt thích đáng”, ông Thanh nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng nhận định, cần phải có hình thức xử phạt nghiêm minh hơn với các đối tượng vi phạm, gây ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng. Việc xử phạt sẽ chỉ là “muối bỏ bể” khi lợi nhuận cao gấp hàng trăm lần tiền xử phạt, mức phạt chưa đủ răn đe sẽ khiến các đối tượng vi phạm vẫn ngựa chạy theo đường cũ hoặc chuyển sang các thủ đoạn ngày càng xảo trá hơn.
Ngọc Xen