QCVN về thiết bị đầu cuối IoT băng hẹp E-UTRA – Phần truy nhập vô tuyến

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Tư, Tháng Mười Hai 21, 2022 | 10:37 - Lượt xem: 538

Bộ Thông tin và Truyền thông vừa ban hành Thông tư số 17/2022/TT-BTTTT quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối IoT băng hẹp E-UTRA – Phần truy nhập vô tuyến (QCVN 131:2022/BTTTT).

Quy chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật phần truy nhập vô tuyến của các thiết bị đầu cuối IoT băng hẹp E-UTRA hoạt động trên một hoặc nhiều băng tần quy định trong Bảng 1 và các băng tần được quy hoạch của Việt Nam.

Mã số HS của thiết bị đầu cuối IoT băng hẹp E-UTRA là Thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất sử dụng công nghệ IoT băng hẹp.

Quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có hoạt động sản xuất, kinh doanh các thiết bị thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn này trên lãnh thổ Việt Nam.

Cụ thể, yêu cầu kỹ thuật bao gồm: Công suất ra cực đại của máy phát; Mặt nạ phổ phát xạ của máy phát; Phát xạ giả của máy phát; Công suất ra cực tiểu của máy phát; Độ chọn lọc kênh lân cận của máy thu; Đặc tính chặn của máy thu; Đáp ứng giả của máy thu; Đặc tính xuyên điều chế của máy thu; Phát xạ giả của máy thu; Tỉ số công suất rò kênh lân cận của máy phát; Độ nhạy tham chiếu của máy thu; Độ nhạy bức xạ tổng máy thu; Công suất bức xạ tổng; Phát xạ bức xạ; Chức năng điều khiển và giám sát.

​Các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện các quy định về chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy các thiết bị đầu cuối IoT băng hẹp E-UTRA và chịu sự kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước theo các quy định hiện hành.

Cục Viễn thông và các Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm tổ chức triển khai hướng dẫn và quản lý các thiết bị đầu cuối IoT băng hẹp E-UTRA theo quy chuẩn này.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2023. 

Theo VietQ