Phương pháp xây dựng chiến lược Tiêu chuẩn hóa quốc gia của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO)
Người viết: Yến Hoa Ngô Kiều - Ngày viết: Thứ Hai, Tháng Năm 22, 2023 | 10:59 - Lượt xem: 652
Trong cuộc Hội thảo khu vực từ 8 – 12/5/2023 diễn ra tại Đà Nẵng, các chuyên gia tư vấn của ISO đã chia sẻ thông tin chi tiết về những điểm quan trọng trong quá trình xây dựng Chiến lược Tiêu chuẩn hóa quốc gia của Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO).
Tính cần thiết của Chiến lược Tiêu chuẩn hóa quốc gia
Về tính cần thiết của Chiến lược Tiêu chuẩn hóa quốc gia (NSS) tại mỗi quốc gia, theo ISO, NSS là lộ trình chính sách để một quốc gia đảm bảo rằng các ưu tiên chiến lược quốc gia của quốc gia đó được hỗ trợ bởi các Tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế có liên quan. NSS được điều phối bởi cơ quan tiêu chuẩn quốc gia (NSB), đảm bảo các tiêu chuẩn phù hợp nhất đang được phát triển với bối cảnh quốc gia có thể được xác định để cung cấp phân bổ nguồn lực hiệu quả.
Mục đích chính của việc xây dựng NSS nhằm đảm bảo rằng: Việc xây dựng các tiêu chuẩn mới hay chấp nhận các tiêu chuẩn hiện có được dựa trên cơ sở sở hiểu rõ về các ưu tiên quốc gia trong lĩnh vực kinh tế và thương mại, xã hội, môi trường hoặc các lĩnh vực khác. Quá trình xây dựng hoặc hài hòa tiêu chuẩn cũng xem xét đến các lĩnh vực mới nổi quan trọng trong tương lai;
Quan điểm của các đối tượng khác nhau trong nước dù là Chính phủ hay không phải là cơ quan Chính phủ đều phải được xem xét để đảm bảo rằng NSS phù hợp với ưu tiên của các đối tượng này. Điều đó cũng có nghĩa các tiêu chuẩn này là công cụ để đạt được mục tiêu của các đối tượng được xem xét nêu trên;
NSS phản ánh đầy đủ lợi ích của các bên liên quan, hỗ trợ sự tham gia của các bên liên quan trong việc thực hiện NSS; Sử dụng tối ưu và hiệu quả nguồn lực quốc gia hữu hạn để xây dựng và hài hòa tiêu chuẩn; Việc hoạch định các nguồn lực thực hiện NSS là thực tế và công khai, minh bạch (không theo chủ nghĩa lạc quan cũng không bị các nhóm lợi ích dẫn dắt);
Tận dụng các dự án tiêu chuẩn hóa hiện có của quốc tế, khu vực và các dự án khác để hài hòa tiêu chuẩn hoặc tham gia tích cực các dự án để tiết kiệm nguồn lực và tránh đầu tư lãng phí vào xây dựng các giải pháp trong khi đã có tiêu chuẩn quốc tế.
Thông qua sử dụng tiêu chuẩn quốc tế là cơ sở để xây dựng quy chuẩn, các nước tránh được việc xây dựng rào cản kỹ thuật và đảm bảo thực hiện cam kết trong các thỏa thuận quốc tế. Qua đó hỗ trợ thực hiện các mục tiêu của chính sách công và tuân thủ các thực hành tốt, được quốc tế thừa nhận đối với hoạt động xây dựng tiêu chuẩn như quy tắc thực hành tốt về xây dựng, hài hòa và áp dụng tiêu chuẩn của WTO.
Xác định các ưu tiên quốc gia cho tiêu chuẩn hóa
Một trong những khía cạnh quan trọng nhất của NSS là cơ sở của chiến lược dựa trên các ưu tiên về kinh tế, xã hội và môi trường của quốc gia – ưu tiên rõ ràng phù hợp với chiến lược chung của quốc gia – nhấn mạnh việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển tiêu chuẩn. NSS trực tiếp đề cập đến cả tầm nhìn trung và dài hạn của NSB và có thể được sử dụng như một công cụ để củng cố cơ sở hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI).
Hội thảo đã thảo luận chi tiết cách thức để xác định những ưu tiên quốc gia cho tiêu chuẩn hóa thông qua việc tiếp cận các bên liên quan: Mục đích trao đổi với các bên liên quan, xác định những bên liên quan chính trong tiêu chuẩn hóa tại mỗi nước, cách tiếp cận và khảo sát nhu cầu của các bên liên quan… Các giảng viên cũng chia sẻ việc xác định tiêu chuẩn liên quan cho những ưu tiên quốc gia: Các tiêu chuẩn quốc tế như ISO, IEC, ITU; Các cơ quan tiêu chuẩn hóa khu vực; Các cơ quan tiêu chuẩn khu vực; Các cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia…
Phương pháp luận phát triển Chiến lược Tiêu chuẩn hóa quốc gia
Để đạt được mục tiêu này, ISO đã xây dựng phương pháp luận để phát triển NSS. Phương pháp luận cung cấp các đề xuất và công cụ để phát triển NSS, mô tả cách giải quyết vấn đề này một cách tốt nhất từ góc độ quốc gia và từ bối cảnh cụ thể của quốc gia liên quan. Cần xác định một cách có phương pháp các ưu tiên quốc gia, xem xét ưu tiên và nhu cầu về kinh tế, thương mại, xã hội và môi trường của đất nước.
Trong phương pháp luận để phát triển NSS, ISO cũng hướng dẫn các cơ quan phát triển NSS về việc cân nhắc và tính toán đến các khía cạnh như nguồn lực nhân sự, nguồn tài chính, cấu trúc của dự thảo kế hoạch tiêu chuẩn hóa và kế hoạch áp dụng tiêu chuẩn hóa quốc gia.
Do đây là chủ đề được quan tâm gần đây bởi nhiều nước thành viên trên thế giới, hội thảo đã được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng quan tâm và tổ chức thành công với sự chia sẻ kinh nghiệm của các nước trong khu vực ASEAN cùng với các chuyên gia ISO.
Kết thúc Hội thảo, ông Erich Kiech – Giám đốc phụ trách các chương trình xây dựng năng lực của ISO đã gửi thư cám ơn Tổng cục TCĐLCL đã phối hợp với ISO tổ chức thành công Hội thảo khu vực và hi vọng sẽ tiếp tục hợp tác với Tổng cục trong bối cảnh thực thi Kế hoạch hành động của ISO dành cho các nước phát triển giai đoạn 2021 – 2025.
Vụ Hợp tác Quốc tế