Phổ biến tiêu chuẩn quốc gia về trách nhiệm xã hội và quản trị nhân lực cho doanh nghiệp Việt Nam
Thứ Sáu, Tháng Mười Một 6, 2020 | 16:49
Ngày 6/11, Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam tổ chức phổ biến Tiêu chuẩn quốc gia về trách nhiệm xã hội và quản trị nhân lực. Hội nghị nằm trong khuôn khổ Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”.
Nhấn mạnh vai trò quan trọng của tiêu chuẩn trong việc mang lại nhiều lợi ích về công nghệ, kinh tế, xã hội, ông Trường cho biết, đối với doanh nghiệp, tiêu chuẩn là những công cụ chiến lược và hướng dẫn giúp giải quyết thách thức đòi hỏi khắt khe nhất của kinh doanh hiện đại và đảm bảo hoạt động hiệu quả, tăng năng suất, tiếp cận thị trường mới.
Đối với hoạt động thương mại quốc tế, tiêu chuẩn cung cấp một đường liên kết quan trọng với thương mại toàn cầu trong tiếp cận thị trường và khả năng cạnh tranh xuất khẩu. Tiêu chuẩn có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường, an toàn, an ninh quốc gia.
Tại Việt Nam, hoạt động tiêu chuẩn hóa đã có quá trình hình thành và phát triển gần 60 năm. Hàng nghìn tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật đã được ban hành, tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, Việt Nam luôn nỗ lực xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực; góp phần tăng năng suất, cải tiến và đổi mới công nghệ để sản xuất, cung cấp các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có chất lượng, thân thiện môi trường, thúc đẩy thuận lợi hóa giao dịch thương mại của Việt Nam trên trường quốc tế. Tiến tới xóa bỏ các rào cản kỹ thuật trong thương mại, nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.
“Một trong những hoạt động nhằm đưa tiêu chuẩn vào cuộc sống, thúc đẩy việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế – các thực hành tốt được thừa nhận trên toàn cầu – là hoạt động phổ biến, hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn, Hội nghị lần này sẽ tập trung vào phổ biến Tiêu chuẩn quốc gia Hướng dẫn về trách nhiệm xã hội (TCVN ISO 26000) và bộ 06 TCVN về Quản trị nguồn nhân lực”, ông Trường cho biết.
Trách nhiệm xã hội (TNXH) hiện là vấn đề mang tính toàn cầu. Việc đẩy mạnh thực hiện TNXH là yêu cầu cấp thiết đối với các quốc gia là thành viên chính thức của WTO, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, các tiêu chuẩn TNXH đang trở thành một trong những điều kiện trong giao dịch thương mại, trở thành luật chơi mới, mà nếu chấp nhận cuộc chơi, doanh nghiệp sẽ có khả năng đi xa hơn.
Trước đây, TNXH thường được hiểu là các hoạt động cộng đồng mang tính chất từ thiện hoặc sự thực hiện thụ động của các doanh nghiệp xuất khẩu bằng việc tuân thủ yêu cầu của các công ty nhập khẩu đưa ra thông qua các bộ qui tắc ứng xử (CoC).
Hiện nay, doanh nghiệp và các tổ chức liên quan đang thúc đẩy quá trình thực hiện TNXH không chỉ hướng đến nâng cao uy tín, khả năng cạnh tranh mà còn hướng đến sự phát triển bền vững.
TCVN ISO 26000 đưa ra các hướng dẫn hài hòa, mang tính toàn cầu cho tất cả các tổ chức, doanh nghiệp ở tất cả các loại hình và khuyến khích thực hành TNXH một cách cao nhất và rộng khắp. Trong nền kinh tế mở hiện nay, trước sự biến động mạnh mẽ của môi trường kinh doanh, tính chất khốc liệt của sự cạnh tranh và nhu cầu đòi hỏi được đáp ứng ngày càng cao của nhân viên đã và đang là sức ép lớn đối với các tổ chức. Trong đó, vấn đề quản lý nguồn nhân lực một cách hữu hiệu là một trong các yếu tố mang tính chất sống còn.
Mặc dù có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển nhưng những thách thức đối với quản trị nguồn nhân lực trong các tổ chức, doanh nghiệp của Việt còn rất lớn. Khó khăn và thách thức lớn nhất hiện nay không phải thiếu vốn hay trình độ trang bị kỹ thuật chưa hiện đại mà làm thế nào để quản lý nguồn nhân lực có hiệu quả; làm cách nào để thu hút, giữ chân nhân tài; cách thức duy trì và phát triển nguồn tri thức của tổ chức; duy trì và quản lý việc làm bền vững,…
Bộ TCVN về quản trị nguồn nhân lực, được xây dựng trên cơ sở chấp nhận hoàn toàn các tiêu chuẩn quốc tế ISO tương ứng, có thể giúp các tổ chức thuộc mọi quy mô, loại hình cải thiện hiệu quả quản lý nguồn nhân lực, khắc phục những khó khăn, sẵn sàng đối mặt với những thách thức. Bộ TCVN (ISO) này là sản phẩm kết tinh từ tri thức của đội ngũ các chuyên gia đầu ngành quốc tế và trong nước, do đó sẽ là công cụ rất hữu hiệu và thiết thực cho nhiều tổ chức, doanh nghiệp.
Hội nghị phổ biến Tiêu chuẩn quốc gia về trách nhiệm xã hội và quản trị nhân lực sau khi tổ chức tại Hà Nội, dự kiến sẽ tiếp tục được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.
Bảo Anh