Phổ biến quy chuẩn, chia sẻ kinh nghiệm về an toàn pin lithium-ion

Thứ Ba, Tháng Một 9, 2018 | 8:35

Ngày 9/1, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phối hợp với tổ chức UL tổ chức Hội thảo về An toàn pin lithium-ion.

Thực hiện chương trình hợp tác trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác giữa Tổng cụcTiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Tổ chức Underwritter Laboratory (UL) của Hoa Kỳ, ngày 09/1/2018, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phối hợp với tổ chức UL tổ chức Hội thảo về  An toàn pin lithium.

Tham dự Hội thảo có bà Vũ Thị Tú Quyên – Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế; ông Phạm Lê Cường, Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp; ông Đinh Hải Đăng, Vụ KHCN, Bộ Thông tin Truyền thông (MIC), các chuyên gia về lĩnh vực An toàn pin của Tổ chức Underwritter Laboratory (UL) Dan Ryan, J.Jeevarajan…

Ông Phạm Lê Cường, Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp – Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phát biểu khai mạc Hội thảo 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Phạm Lê Cường, Giám đốc Trung tâm Chứng nhận Phù hợp cho biết, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 101:2016/BTTTT) về pin lithium cho thiết bị cầm tay đã chính thức được áp dụng kể từ ngày 01/10/2017.

Theo đó, các sản phẩm pin lithium cho điện thoại di động, máy tính bảng và máy tính xách tay, bao gồm cả pin rời và pin tích hợp bên trong các thiết bị này được sản xuất hay nhập khẩu bởi các tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam phải công bố hợp quy theo quy định tại Thông tư số 30/2011/TT-BTTTT đối với yêu cầu về an toàn.

Tuy nhiên, lĩnh vực về thử nghiệm an toàn Pin còn khá mới ở Việt Nam nên khi Quy chuẩn được ban hành và chính thức có hiệu lực, các cơ quan chức năng cũng như các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thuộc phạm vi quản lý của Quy chuẩn này gặp khá nhiều vướng mắc trong quá trình thực thi. Ngoài ra, trong năm 2018, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng có kế hoạch xây dựng dự thảo và trình Bộ KH &CN ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn Pin lithium đối với các thiết bị khác chưa thuộc phạm vi quản lý của Quy chuẩn này.

“Hội thảo lần này là dịp để các chuyên gia của tổ chức UL chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng và phổ biến quy chuẩn, phương pháp quản lý và kiểm tra đánh giá về an toàn pin và là cơ hội tốt cho Việt Nam học hỏi kinh nghiệm quản lý an toàn pin từ một nước phát triển như Hoa Kỳ. Ngoài ra, thông qua chương trình Hội thảo, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm có liên quan đến pin cũng có thể tìm hiểu rõ ràng hơn về việc quản lý an toàn pin tại Việt Nam hiện tại và năng lực của các đơn vị thử nghiệm”, ông Phạm Lê Cường cho hay.

Phổ biến quy chuẩn, chia sẻ kinh nghiệm về an toàn pin lithium-ion - ảnh 2

Quang cảnh Hội thảo về An toàn pin 

Theo bà J.Jeevarajan, pin lithium-ion hiện đã được sử dụng rộng rãi trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Bên cạnh sự tiện dụng, các thiết bị, ứng dụng sử dụng loại pin này vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn.

“Trong quá trình sử dụng và vận chuyển pin lithium – ion có thể gây ra các nguy cơ mất an toàn như đoản mạch ngoài, xả quá mức, các nguy cơ gây mất an toàn khi ở nhiệt độ cao (thải khí, gây ra lửa), nhiệt độ thấp (tăng độ nhớt của chất điện phân, tăng điện trở với dòng ion).. Chính vì vậy, việc trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về vấn đề an toàn pin, trong đó có các thử nghiệm về an toàn pin, biện pháp an toàn trong vận chuyển, bảo quản pin…là hết sức cần thiết”, chuyên gia J.Jeevarajan nhấn mạnh.

Bà Vũ Thị Tú Quyên, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế điều hành Hội thảo.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu cũng được nghe chuyên gia khác của UL, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 nói về năng lực thử nghiệm pin của Việt Nam (trong đó giới thiệu về năng lực, hạ tầng thử nghiệm pin của Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3; Nguy cơ, thách thức và phương pháp giảm thiểu pin lithium-ion cho các ứng dụng khác nhau; Tình hình xây dựng tiêu chuẩn quốc gia pin lithium-nion của Việt Nam và các tiêu chuẩn liên quan (UL và IEC) đến an toàn pin lithium-ion.

Vào chiều nay, Hội thảo sẽ tiếp tục với phần thuyết giải của các chuyên gia về Hiện trạng các quy định cụ thể đối với các khu vực bị ảnh hưởng bởi các sự kiện và thách thức thảm khốc-vận tải, ứng phó khẩn cấp (lưu trữ năng lượng cố định và ô tô); Kết quả sơ bộ về hoạt động thử nghiệm pin lithium – ion của Việt Nam; Đề xuất quản lý an toàn pin tại Việt Nam với việc chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng và áp dụng các quy định về an toàn pin; Quản lý quy định tại các quốc gia có quy định bắt buộc về chứng nhận pin.

(Nguồn:vietq)