Phổ biến kiến thức chuyên môn về TCĐLCL cho các Sở KH&CN, Chi cục TĐC địa phương
Ngày viết: Thứ Sáu, Tháng Năm 23, 2025 | 22:17 - Lượt xem: 303
Ngày 23/5, Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) Quốc gia đã có buổi làm việc với Sở Khoa học và Công nghệ, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TĐC) các địa phương Quý II năm 2025.
Buổi làm việc có sự tham dự của Phó Chủ tịch Ủy ban TCĐLCL Quốc gia Nguyễn Thiện Nghĩa, đại diện các đơn vị trực thuộc Ủy ban cùng hơn 500 đại biểu đến từ các Sở, Chi cục TĐC 63 địa phương tham dự theo hình thức trực tuyến.
Tại buổi làm việc, chia sẻ về việc triển khai phổ biến áp dụng tiêu chuẩn TCVN ISO 18091:2020 – Hướng dẫn áp dụng TCVN ISO 9001 tại chính quyền địa phương, đại diện Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ TCĐLCL cho biết, mục tiêu lâu dài là góp phần nâng cao chất lượng quản lý của chính quyền địa phương, cải thiện dịch vụ công và thúc đẩy phát triển bền vững. Đồng thời, tập trung nghiên cứu, thí điểm, đánh giá những khó khăn, thuận lợi, bài học kinh nghiệm để hướng tới nhân rộng trong thời gian tới, phù hợp với bối cảnh mới.
Theo vị này, thời gian qua, việc triển khai thí điểm đã đạt được những hiệu quả nhất định. Trong đó, năm 2023, Hải Phòng triển khai thí điểm tại 06 chính quyền quận/huyện và 06 chính quyền xã/phường; Thừa Thiên Huế triển khai thí điểm tại 02 chính quyền huyện, tổ chức các hội nghị phổ biến về tiêu chuẩn trực tuyến và trực tiếp ở một số địa phương.
Năm 2024, Hải Phòng triển khai thí điểm tại 09 chính quyền quận/huyện và 07 chính quyền xã/phường thuộc quận Hải An. Thừa Thiên Huế triển khai thí điểm tại 04 chính quyền huyện. Một số địa phương khác cũng triển khai thí điểm như: Quảng Ninh, Hà Tĩnh… Việc triển khai thí điểm giúp chính quyền địa phương hiểu rõ bản chất, vai trò của quá trình áp dụng HTQLCL theo Tiêu chuẩn TCVN ISO 9001 trong cơ quan hành chính Nhà nước và chính quyền.
Bên cạnh đó, tiêu chuẩn hỗ trợ cho chính quyền hướng đến nâng cao chất lượng dịch vụ công giữa chính quyền và người dân (thể hiện sự bao quát các hoạt động thông qua 39 chỉ số và đánh giá kết quả thực hiện bằng điểm số, màu sắc, kết quả thực tế định lượng được). Ngoài ra, giúp định hướng các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương với mục tiêu đóng góp vào sự phát triển bền vững của tỉnh, quốc gia.
Chia sẻ về thuận lợi và khó khăn, đại diện Trung tâm Đào tạo nghiệp vụ TCĐLCL cho biết, các địa phương đã quan tâm, chỉ đạo sát sao, nguồn lực và công tác phối hợp công việc tốt; Các đơn vị tham gia thí điểm đa dạng về quy mô, đặc trưng: cấp xã-phường; cấp quận-huyện-hải đảo (Cát Hải + Bạch Long Vĩ); Phương pháp đánh giá chấm điểm thông qua bộ chỉ số có sự tương đồng/tương thích nhất định với bộ chỉ số khác hiện đang áp dụng ở cơ quan chính quyền; Lãnh đạo chính quyền đánh giá cao tính toàn diện và sự tương quan của Bộ 39 chỉ số đánh giá đối với các định hướng cải cách hành chính nhà nước; hỗ trợ cho quá trình ra quyết định của lãnh đạo chính quyền.
Tuy nhiên, hiện chưa có quy định cụ thể về việc tổ chức triển khai (xây dựng đề xuất, kế hoạch, dự toán…); Bộ chỉ số đánh giá nhiều tiêu chí, nhiều chỉ số định tính; Dữ liệu đánh giá phân tán ở nhiều cấp, cơ quan liên quan; Trình tự và thời gian thực hiện cần được chuẩn hóa để đảm bảo áp dụng đầy đủ nội dung của Tiêu chuẩn TCVN ISO 18091; Nhân sự ở địa phương tham gia còn hạn chế về thời gian, khối lượng công việc chuyên môn lớn ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện, thu thập số liệu, dữ liệu, hồ sơ minh chứng… và ra kết luận đánh giá.
Trong khuôn khổ buổi làm việc, bà Trần Thị Ngọc Anh – Trung tâm Chứng nhận phù hợp (QUACERT) cũng trình bày về hoạt động kiểm kê khí nhà kính & định lượng vết các-bon.
Theo bà, trao đổi cac-bon theo cam kết với UNFCCC năm 2030 sẽ trung hoà các-bon, đến năm 2050 hướng đến Net zero. Trong nước, theo Quyết định số 232/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thành lập và phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam, từ năm 2025 đến 2028 sẽ thí điểm thị trường các-bon, trong đó, xây dựng quy định quản lý tín chỉ các-bon; quy định cấp hạn ngạch phát thải khí nhà kính; xây dựng quy chế vận hành sàn giao dịch; thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon. Đến năm 2029 sẽ vận hành chính thức sàn giao dịch tín chỉ các-bon, kết nối với thị trường thế giới.
Đối với thị trường tự nguyện: Trao đổi tín chỉ các-bon theo cơ chế tự nguyện: Cơ chế phát triển sạch CDM; Cơ chế tín chỉ chung JCM; Cơ chế GCM; Tiêu chuẩn vàng GS. Về quy trình thực hiện dự án tín chỉ các-bon bao gồm: Thiết kế dự án, thẩm định, đăng ký, giám sát, thẩm tra, chứng nhận/ban hành.
Quy định kiểm kê khí nhà kính (KNK) tại Việt Nam, bắt buộc kiểm kê KNK cấp cơ sở theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP, trong đó 2.166 cơ sở phải kiểm kê KNK năm 2024, trước 31/3/2025. Kiểm kê KNK cấp lĩnh vực theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP. Quy định kiểm kê khí nhà kính tự nguyện: Kiểm kê KNK tại tổ chức, doanh nghiệp (phù hợp ISO 14064-1); Kiểm kê KNK cấp dự án (phù hợp ISO 14064-2); Tiến trình trung hòa carbon (ISO 14068-1).
Cũng theo bà Ngọc Anh, lợi ích của nghiên cứu vết các-bon của sản phẩm (CFP) sẽ làm tăng độ tin cậy, tính nhất quán và minh bạch cho việc định lượng CFP; Xác định cơ hội giảm phát thải GHG/ tăng cường loại bỏ GHG; Thúc đẩy nền kinh tế bền vững, phát thải cac-bon thấp; Lựa chọn được nguồn cung ứng cac-bon thấp; Đáp ứng yêu cầu khách hàng giảm vết cac-bon; Đáp ứng yêu cầu thị trường xuất khẩu có tính đến thuế các-bon; Tạo điều kiện phát triển, thực hiện các chiến lược và kế hoạch quản lý KNK – chống biến đổi khí hậu.
Về tổ chức thẩm tra/thẩm định phải đáp ứng quy định tại tiêu chuẩn ISO 17029: Nguyên tắc chung và yêu cầu đối với tổ chức thẩm tra/thẩm định; ISO 14065: Nguyên tắc chung và yêu cầu đối với tổ chức thẩm tra/thẩm định thông tin môi trường; ISO 14066: Yêu cầu năng lực đối với đoàn thẩm tra/thẩm định thông tin môi trường; ISO 14064-3: Quy định kỹ thuật và hướng dẫn thẩm tra/thẩm định các tuyên bố KNK; được công nhận/thừa nhận bởi QUACERT, BoA, IAF.
.jpg)

Buổi làm việc diễn ra theo hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Chia sẻ kinh nghiệp áp dụng giải pháp về năng suất xanh, phát triển bền vững, ông Nguyễn Tùng Lâm – Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam cho biết, năng suất xanh (GP) là chiến lược quản lý nhằm nâng cao cả hiệu quả kinh tế và tính bền vững môi trường trong tổ chức/ doanh nghiệp. GP liên quan đến tối ưu hóa sử dụng tài nguyên, giảm thiểu chất thải, giảm tác động môi trường, đồng thời cải thiện năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh.
Nguyên tắc của GP đó là hướng các tổ chức đến khái niệm “làm nhiều hơn với ít hơn” bằng cách sử dụng nguyên vật liệu, tài nguyên và năng lượng hiệu quả, bền vững hơn; GP giúp giảm chi phí hoạt động thông qua việc sử dụng tài nguyên tốt hơn, giảm trách nhiệm trong dài hạn, tuân thủ quy định của Chính phủ và cải thiện hình ảnh doanh nghiệp; GP được chứng minh là cách tiếp cận thực tế cho phép các doanh nghiệp và cộng đồng nâng cao lợi nhuận, năng suất, đồng thời cải thiện hiệu suất môi trường.
Cũng theo ông Lâm, năm 2024, GP 2.0 được ra mắt với mục tiêu cập nhật và mở rộng phạm vi ứng dụng, phù hợp với những thách thức toàn cầu hiện nay như biến đổi khí hậu, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững. Mục tiêu cốt lõi của GP 2.0: GP 2.0 không chỉ dừng lại ở việc cải thiện năng suất và hiệu quả tài nguyên mà còn đặt giảm phát thải khí nhà kính (GHG) là một chỉ tiêu định lượng bắt buộc.
Các vai trò chính của GP như tích hợp đo lường GHG vào hệ thống chỉ số GP (GP Metrics) để doanh nghiệp có thể theo dõi lượng phát thải CO2eq trên mỗi đơn vị sản phẩm/dịch vụ; Thúc đẩy chuyển đổi công nghệ sang các giải pháp ít hoặc không cac-bon: Năng lượng tái tạo (RE), hiệu suất năng lượng (EE), kinh tế tuần hoàn (CE); Gắn GHG với tài chính xanh: Giảm phát thải trở thành tiêu chí để doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, tín dụng xanh, trái phiếu cac-bon; Tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu – nơi mà các tiêu chí cac-bon đang ngày càng nghiêm ngặt (như CBAM của EU). GP 2.0 như một “công cụ triển khai Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs)”, đóng vai trò cầu nối giữa năng suất quốc gia/doanh nghiệp với chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc.
GP 2.0 được xây dựng dựa trên ba trụ cột chính: Chính sách và chương trình – xây dựng và triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng GP; Cơ chế tài chính – phát triển các công cụ tài chính để khuyến khích đầu tư vào các giải pháp xanh; Nâng cấp công nghệ và vận hành – ứng dụng các công nghệ tiên tiến để cải thiện hiệu suất và giảm tác động môi trường.
Ông Lâm cho biết thêm, lộ trình GP 2.0 giai đoạn 1: Thiết lập nền tảng (2024–2025). Cụ thể, xây dựng khung chính sách quốc gia tích hợp năng suất và phát triển bền vững (sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, kinh tế tuần hoàn); Thiết lập hệ thống đo lường và đánh giá GP (GP metrics), bao gồm tiêu chí, chỉ số, công cụ giám sát; Thành lập ngân hàng dự án GP (GP Project Bank) với các mô hình mẫu ở lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, logistics, dịch vụ; Tập huấn cán bộ quản lý nhà nước, doanh nghiệp, tư vấn viên về tư duy GP 2.0, công nghệ xanh và quản trị ESG.
Giai đoạn 2: Thí điểm & Đánh giá mô hình (2025–2026). Cụ thể, triển khai dự án thí điểm về GP trong các lĩnh vực ưu tiên như: Sản xuất công nghiệp nhẹ; Nông nghiệp công nghệ cao; Dịch vụ logistic xanh. Áp dụng công cụ Life Cycle Assessment (LCA), material flow cost accounting (MFCA) để phân tích hiệu quả sử dụng tài nguyên; Đo lường kết quả thông qua chỉ số tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải CO2, chi phí vận hành và hiệu suất đầu tư; Tổng hợp phản hồi doanh nghiệp để điều chỉnh phương pháp luận, bộ tiêu chí và hệ thống báo cáo GP.
Giai đoạn 3: Mở rộng & Tích hợp vào chiến lược quốc gia (từ 2026 trở đi). Lồng ghép GP 2.0 vào quy hoạch ngành: công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, năng lượng; Xây dựng các chính sách ưu đãi tài chính, thuế, tín dụng xanh khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ GP; Triển khai chương trình dán nhãn GP cho sản phẩm và doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn sản xuất xanh; Thiết lập hệ sinh thái GP Quốc gia, bao gồm: Trung tâm hỗ trợ chuyển đổi xanh, cơ sở dữ liệu quốc gia về công nghệ GP, nền tảng số quản lý ESG và báo cáo GP định kỳ.
Tại phần thảo luận, trao đổi, đại diện Ủy ban TCĐLCL Quốc gia đã giải đáp những vấn đề đặt ra từ phía Sở KH&CN và Chi cục TĐC các địa phương như: Thực hiện dịch vụ tiếp cận năng suất xanh/net zero như thế nào? Việc thẩm tra khí nhà kính theo chức năng, nhiệm vụ phục vụ quản lý nhà nước ra sao để hiệu quả? Việc triển khai tiêu chuẩn cơ sở tại các địa phương gặp nhiều lúng túng, giải pháp là gì? Hiện nay, các đơn vị nào đánh giá và cấp tín chỉ các-bon? Triển khai thí điểm Tiêu chuẩn TCVN ISO 18091 làm thế nào để đạt hiệu quả?…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban TCĐLCL Quốc gia Nguyễn Thiện Nghĩa mong muốn thông qua cuộc đối thoại sẽ giúp Sở KH&CN, Chi cục TĐC địa phương hiểu rõ hơn các vấn đề liên quan đến TCĐLCL, đồng thời cùng nỗ lực nâng cao hơn nữa vị thế của ngành trong thời gian tới.
Hà My