Phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế mạnh mẽ (Phần 1)

Người viết: Nguyen Nam - Ngày viết: Thứ Sáu, Tháng Tám 25, 2023 | 14:18 - Lượt xem: 720

Hạ tầng chất lượng quốc gia (National Quality Infrastructure – sau đây gọi tắt là NQI) là hệ thống bao gồm các tổ chức (nhà nước, tư nhân); các chính sách; khung pháp lý và chế định tương ứng; các hoạt động cần thiết nhằm hỗ trợ và nâng cao chất lượng, tính an toàn và lành mạnh của sản phẩm, hàng hoá, môi trường, các dịch vụ và quy trình của một quốc gia.

NQI bao gồm một hệ thống kiểm soát các tiêu chí chất lượng, trong đó, cấu phần chính của hạ tầng chất lượng của một quốc gia chủ yếu bao gồm các phần như sau:

– Tiêu chuẩn hoá: là tổng hợp của các quy trình cần thiết để xây dựng, ban hành và thực hiện các tiêu chuẩn nhằm cải thiện tính phù hợp của sản phẩm, quy trình và dịch vụ, từ đó tạo thuận lợi cho các hoạt động hợp tác, đồng thời hạn chế các rào cản kỹ thuật trong thương mại.

– Đo lường: theo khoản 1 Điều 3 Luật Đo lường 2012, Đo lường là việc xác định và duy trì giá trị đo của đại lượng cần đo. Hoạt động đo lường bao gồm việc thiết lập, sử dụng đơn vị đo, chuẩn đo lường; sản xuất, kinh doanh, sử dụng phương tiện đo, chuẩn đo lường; kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; thực hiện phép đo; định lượng đối với hàng đóng gói sẵn; quản lý về đo lường; thông tin, đào tạo, tư vấn, nghiên cứu khoa học, ứng dụng và phát triển công nghệ về đo lường.

– Công nhận là việc một bên thứ ba độc lập (tổ chức công nhận) xác nhận tổ chức đánh giá sự phù hợp có đủ năng lực để thực hiện các dịch vụ về đo lường, chất lượng,… do tổ chức đó cung cấp.

– Đánh giá sự phù hợp (ĐGSPH) là việc xác định đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý quy định trong tiêu chuẩn tương ứng và quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. ĐGSPH bao gồm hoạt động thử nghiệm, hiệu chuẩn, giám định, chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy, công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy, công nhận năng lực của phòng thử nghiệm, phòng hiệu chuẩn, tổ chức chứng nhận sự phù hợp, tổ chức giám định.

– Giám sát thị trường là việc xác định sản phẩm, dịch vụ trên thị trường có tuân thủ các quy định có liên quan hay không. Hoạt động này được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, dựa trên các quy định bắt buộc để nhằm đảm bảo sản phẩm, dịch vụ không ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe, sự an toàn và môi trường xung quanh, từ đó giúp tăng cường sự tin cậy giữa các chủ thể có liên quan.

Trên thế giới đã có những nghiên cứu về NQI và đo lường mức độ phát triển của NQI, một trong số đó là Chỉ số Hạ tầng Chất lượng toàn cầu (Global Quality Infrastructure Index – GQII). Hai tổ chức uy tín trong lĩnh vực hạ tầng chất lượng là Mesopartner (Đức) và Analyticar (Argentina) đã khởi xướng nghiên cứu, thống kê và xếp hạng thứ tự mức độ phát triển NQI của các quốc gia trên thế giới.

Hiện nay đã có 184 quốc gia được xếp hạng, trong đó có Việt Nam. Theo Bảng xếp hạng GQII, năm 2020 Việt Nam đứng thứ 54/184 quốc gia, năm 2021 Việt Nam đứng thứ 51/184 quốc gia. Chỉ số hạ tầng chất lượng toàn cầu được hỗ trợ bởi các cơ quan, tổ chức uy tín như Bộ hợp tác và phát triển Liên bang Đức (BMZ) và Viện Đo lường quốc gia Đức (PTB) trong việc thu thập dữ liệu, phân tích dữ liệu.

Ngoài ra, Chỉ số hạ tầng chất lượng toàn cầu có sự tham gia cộng tác của các tổ chức công nhận quốc tế và khu vực (Tổ chức hợp tác công nhận Châu Phi (AFRAC), Hiệp hội công nhận Châu Á (APAC), Hiệp hội công nhận Liên châu Mỹ (IAAC), Diễn đàn công nhận quốc tế (IAF).

Các Tổ chức quốc tế đã có những nghiên cứu về vai trò của Cơ sở hạ tầng chất lượng tới những lĩnh vực hoạt động của các tổ chức này. Ngân hàng thế giới đã nghiên cứu và hỗ trợ hàng loạt quốc gia xây dựng nâng cấp Chiến lược, Chính sách NQI với mục tiêu phát triển công nghiệp, giảm rào cản trong thương mại, tạo thuận lợi cho các hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật toàn cầu (Sri Lanka[1], Cộng hòa Armenia[2], Ethiopia[3]. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đã có những nghiên cứu về tình hình phát triển NQI ở các quốc gia, khu vực như: Châu Phi[4], Nigeria[5].

NQI có vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế. Theo Ngân hàng Thế giới, các hoạt động liên quan đến NQI trong phạm vi một nền kinh tế đóng góp khoảng 3-16% GDP và ảnh hưởng hơn 75% GDP[6]. Do đó, các quốc gia có nền kinh tế hàng đầu thế giới luôn ưu tiên đầu tư, phát triển Hệ thống NQI như Đức, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc,… bằng cách xây dựng các chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia, ch xây dựng các quy định trong đó nhấn mạnh vai trò của các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; hỗ trợ tài chính, …

Cùng với sự phát triển của hệ thống NQI trên thế giới, từ năm 2022, hạ tầng chất lượng quốc gia được Chính phủ quan tâm, đẩy mạnh. Tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022 giao Bộ KH&CN “Xây dựng và phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI), nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng”. Triển khai Nghị quyết này, Bộ KH&CN đã có Quyết định số 60/QĐ-BKHCN ngày 24/01/2022 ban hành Chương trình hành động của Bộ KH&CN thực hiện Nghị quyết của Chính phủ nhằm triển khai các nhiệm vụ được giao.

Ngày 12/4/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 54/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025, tại Phần II – Những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, về phát triển thị trường khoa học công nghệ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương: “Xây dựng và phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI), nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế về tiêu chuẩn đo lường chất lượng”.

Ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 569/QĐ-TTg ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, tại nội dung mục tiêu cụ thể đã quy định “Phát triển được hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế mạnh mẽ về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng, thuộc nhóm 50 quốc gia hàng đầu thế giới”, đồng thời tại nội dung khoản 6 – Phát triển và khai thác có hiệu quả hạ tầng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Mục IV Điều 1 – Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đã quy định “Xây dựng chỉ số Hạ tầng chất lượng quốc gia (NQI) trong hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành khoa học và công nghệ.”

(còn tiếp)

Lê Bích Ngọc – Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế – Thanh tra


[4] Quality Infrastructure in 21 century Afirca  https://www.oecd.org/dev/Africa-Quality-infrastructure-21st-century.pdf