Phát hiện 4.644 sản phẩm hàng hóa, thực phẩm nghi nhập lậu phục vụ Tết Trung thu
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Tư, Tháng Tám 17, 2022 | 14:54 - Lượt xem: 502
Trong quá trình kiểm tra hàng hóa phục cụ Tết Trung thu, lực lượng chức năng tỉnh Hà Giang đã phát hiện 4.644 sản phẩm thực phẩm nghi nhập lậu.
Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hà Giang cho biết, Đội QLTT số 9 vừa phối hợp với Đội QLTT số 1 tiến hành kiểm tra cửa hàng Chuyên sỉ lẻ Giấy ăn – Giấy Vệ sinh, nước giải khát tại địa chỉ 78A đường 19/5 tổ 1, phường Nguyễn trãi, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang do bà Trần Thùy Dương, sinh năm 1996 làm chủ.
Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 4.644 sản phẩm hàng hóa thực phẩm phục vụ Tết Trung thu do nước ngoài sản xuất gồm: Bánh trứng, xúc xích, gói chân vịt, gà nướng ngũ vị, vịt nướng subaxi, mỳ bò dưa chua, mỳ bò hầm, xì dầu đông cổ, cá biển, hạt hướng dương, và đồ nước đóng chai (nước đào ép, trà nhài, nước lê đường phèn, bia yến kinh). Toàn bộ số hàng hóa trên không có bất cứ giấy tờ, hóa đơn chứng từ gì liên quan kèm theo hàng hóa chứng minh tính hợp pháp.
Liên quan tới hành vi vi phạm về kinh doanh hàng hóa, Cục QLTT tỉnh Hà Giang cho biết, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Cục QLTT tỉnh Hà Giang, Đội QLTT số 1 đã tăng cường công tác quản lý địa bàn, cài cắm thông tin nhân mối, phối hợp nhịp nhàng với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn được quản lý.
Cụ thể trong tháng 8 đội QLTT số 1 đã thực hiện kiểm tra, xử lý 20 vụ việc, số tiền thu nộp NSNN 100.500.000 đồng; Trị giá tang vật vi phạm hành chính 342.729.000 đồng. Các hành vi vi phạm được phát hiện và xử lý kịp thời gồm:
Lĩnh vực giá: Xử phạt 13 hành vi với số tiền nộp NSNN: 11.750.000 đồng; Hành vi vi phạm: Không niêm yết giá hàng hóa.
Lĩnh vực thuốc lá: Xử phạt 02 hành vi với số tiền nộp NSNN: 4.000.000 đồng; Hành vi vi phạm: Không có biển thông báo không bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi tại điểm bán của đại lý bán buôn, đại lý bán lẻ thuốc lá.
Lĩnh vực hàng giả: Xử phạt 03 hành vi với số tiền nộp NSNN: 49.500.000 đồng; Hành vi vi phạm: Kinh doanh hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
Lĩnh vực hàng lậu: Xử phạt 01 hành vi với số tiền nộp NSNN: 8.000.000 đồng; Hành vi vi phạm: Kinh doanh hàng hóa nhập lậu; Nhãn hàng hóa: Xử phạt 01 hành vi với số tiền nộp NSNN: 13.750.000 đồng; Hành vi vi phạm: Buôn bán hàng hóa nhập khẩu có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam; Hàng không rõ nguồn gốc: Xử phạt 01 hành vi với số tiền nộp NSNN: 6.000.000 đồng; Hành vi vi phạm: Kinh doanh hàng hóa nhập lậu.
Lĩnh vực khác: Xử phạt 01 hành vi với số tiền nộp NSNN: 7.500.000 đồng; Hành vi vi phạm: Không thực hiện việc niêm yết công khai chứng chỉ hành nghề dược đối với trường hợp phải có chứng chỉ hành nghề dược.
Ngoài việc kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính Đội QLTT số 1 đã phối kết hợp công các tuyên truyền, phổ biến pháp luật, ký cam kết, niêm yết đường giây nóng tại các cơ sở kinh doanh cụ thể: Trong tháng đơn vị đã rà soát bổ sung thông tin 71 cơ sở; tăng mới 08 cơ sở kinh doanh; giảm 0 cơ sở kinh doanh; Đề xuất 12 vụ kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính, nộp ngân sách nhà nước 93 triệu đồng.
Khuyến cáo cách chọn bánh Trung thu an toàn PGS.TS Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, Tết Trung thu đang đến gần, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh kẹo, đặc biệt là bánh Trung thu tăng đột biến. Đáng chú ý, vẫn còn một số tổ chức, cá nhân có hành vi lén lút đưa ra thị trường một số loại bánh kẹo nhập lậu, không có nguồn gốc, xuất xứ. Để chọn bánh Trung thu an toàn, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, người dân cần chú ý theo các tiêu chí quy định trong Bộ Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) năm 2020 do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành đối với sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo (bánh Trung thu). Theo TCVN 2020, bánh Trung thu cần đạt các tiêu chí về thành phần nguyên liệu theo quy định, yêu cầu cảm quan, các chỉ tiêu lý hóa, giới hạn phụ gia thực phẩm, đóng gói bao bì… Với hàng loạt các tiêu chí khắt khe, TCVN 2020 chính là mốc đánh dấu chất lượng bánh trung thu ngon lại an toàn với sức khỏe người sử dụng. Người tiêu dùng cần quan sát các thành phần của nhãn bánh: Sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, có tên của nhà sản xuất, địa chỉ nơi sản xuất, có hướng dẫn sử dụng, bảo quản… Sản phẩm phải ghi ngày sản xuất, thời hạn sử dụng và còn hạn sử dụng. Thông thường bánh Trung thu được trưng bày trước các cửa hiệu để người mua tiện quan sát và lựa chọn, tuy nhiên sẽ vô tình làm sản phẩm tiếp xúc với ánh nắng, làm gia tăng nhiệt độ của bánh, có thể gây chuyển hóa các chất béo trong nhân bánh, thúc đẩy sự phát triển của các vi sinh vật… Người tiêu dùng cần sử dụng cảm quan để đánh giá bảo đảm sản phẩm không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ. Người tiêu dùng cũng nên mua bánh ở những địa điểm kinh doanh xác định, đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh thực phẩm như: Có đủ trang thiết bị che đậy tránh bụi bẩn, mưa nắng, côn trùng xâm nhập; bảo quản đúng quy định trên nhãn sản phẩm của nhà sản xuất. |
Theo VietQ