Phát hành Cẩm nang hoạt động tiêu chuẩn hóa dành cho thành viên Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Ba, Tháng Mười Hai 31, 2019 | 11:10 - Lượt xem: 1341

Trong khuôn khổ Chương trình quốc gia nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020, một cuốn cẩm nang chứa đựng đầy đủ thông tin liên quan đến hoạt động tiêu chuẩn hóa đã được biên soạn.

Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2007 đánh dấu một giai đoạn mới trong hoạt động tiêu chuẩn hóa tại Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế với bề dày lịch sử từ năm 1962 đến nay, hoạt động tiêu chuẩn hóa tại Việt Nam đã hình thành và từng bước phát triển lớn mạnh, góp phần đáp ứng những yêu cầu cơ bản trong sản xuất, kinh doanh và thương mại, đồng thời cũng có những đóng góp quan trọng trong việc giải quyết các vấn đề nảy sinh do những đòi hỏi của kinh tế-xã hội qua nhiều giai đoạn phát triển của đất nước.

Sản phẩm chính của hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc gia ở Việt Nam là các tiêu chuẩn quốc gia – tài liệu kỹ thuật được tham chiếu và sử dụng rộng rãi trong các mối quan hệ của đời sống kinh tế-xã hội liên quan đến khoa học và công nghệ, sản xuất, kinh doanh, giao dịch thương mại,… Tiêu chuẩn thể hiện các yêu cầu, quy định đối với đối tượng tiêu chuẩn hoá liên quan và những yêu cầu, quy định đó thường được sử dụng làm các điều khoản được chấp nhận chung khi xác lập quan hệ giao dịch giữa các bên đối tác. Đặc biệt, khi có tranh chấp, tiêu chuẩn chính là cơ sở kỹ thuật cho việc thảo luận, giải quyết và tài phán. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động tiêu chuẩn hóa, xây dựng được những tiêu chuẩn có chất lượng cao, tuân thủ các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi, đảm bảo tính công khai và minh bạch, đồng thời đảm bảo mức độ trật tự tối ưu, sự nhất quán và hiệu quả của các quá trình tiêu chuẩn hóa, chúng ta cần có đội ngũ chuyên gia, cán bộ am hiểu về bản chất, ý nghĩa, lợi ích, cơ sở pháp lý-kỹ thuật, nghiệp vụ tiêu chuẩn hóa.

Trong khuôn khổ Chương trình quốc gia nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020, một cuốn cẩm nang chứa đựng đầy đủ thông tin liên quan đến hoạt động tiêu chuẩn hóa đã được biên soạn. Đây là cuốn tài liệu đặc biệt hữu ích cho không chỉ các thành viên Ban kỹ thuật (BKT) tiêu chuẩn quốc gia mà mọi cá nhân, tổ chức làm công tác tiêu chuẩn, mong muốn tìm hiểu những thông tin cơ bản, thiết yếu, các qui trình, qui định về trình bày và thể hiện nội dung tiêu chuẩn và nhiều thông tin hữu ích khác đều có thể khai thác và sử dụng.

Cẩm nang hoạt động tiêu chuẩn hóa dành cho thành viên Ban kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc gia do Viện Tiêu chuẩn Chất lượng Việt Nam chịu trách nhiệm xuất bản, phát hành.

Tài liệu này là một ấn bản dày 70 trang A5, tập trung giới thiệu và cung cấp thông tin theo các phần nội dung chính sau:

– Phần 1: Những vấn đề chung về tiêu chuẩn hóa. Phần này đưa ra một số khái niệm và nguyên tắc cơ bản; hoạt động tiêu chuẩn hóa tại Việt Nam; đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn; tiêu chuẩn – cơ sở để quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.

– Phần 2: Xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, bao gồm các nội dung liên quan đến quyền của tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng TCVN; đề xuất dự án, xây dựng kế hoạch; các bước xây dựng TCVN; hồ sơ dự thảo TCVN; …

– Phần 3: Trình bày và thể hiện nội dung tiêu chuẩn quốc gia, đề cập đến các nguyên tắc chung; nguyên tắc biên soạn TCVN; thể thức văn bản; cấu trúc tiêu chuẩn.

– Phần 4: Tham gia hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế, khu vực. Phần này cung cấp thông tin về một số tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế, khu vực mà Việt Nam tham gia là thành viên; nội dung tham gia; trình tự xây dựng, góp ý dự thảo tiêu chuẩn quốc tế.

– Phần 5: Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia, cung cấp thông tin về tổ chức, thành phần, nhiệm vụ, nguyên tắc hoạt động của BKT; yêu cầu, nhiệm vụ tương ứng đối với các vai trò: thành viên, trưởng ban, thư ký BKT.

Ngoài ra, tài liệu còn bao gồm 3 phụ lục cung cấp thêm một số thuật ngữ liên quan được trích dẫn trong Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật 2006; danh sách các BKT tiêu chuẩn quốc gia; và một số địa chỉ liên hệ cần thiết.

Hiện tại, Tổng cục TCĐLCL đang vận hành và quản lý hoạt động của 136 Ban kỹ thuật và 54 tiểu Ban kỹ thuật, với đội ngũ thành viên hơn 1000 người là các cán bộ quản lý, chuyên gia kỹ thuật, các giáo sư, tiến sỹ, giảng viên, nghiên cứu viên,… hàng đầu trong hầu khắp các lĩnh vực như: cơ khí, luyện kim, điện, điện tử, hóa chất, khoáng sản, xây dựng, nông nghiệp, thực phẩm, môi trường, sản phẩm tiêu dùng, công nghệ thông tin, đo lường, thử nghiệm, tài chính, ngân hàng,…

Cuốn Cẩm nang hoạt động tiêu chuẩn hóa này được phát hành miễn phí cho tất cả các thành viên BKT, tiểu BKT tiêu chuẩn quốc gia. Hy vọng đây sẽ là cuốn tài liệu nghiệp vụ “gối đầu giường“ giúp ích cho các thành viên trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động BKT, góp phần phát triển hoạt động tiêu chuẩn hóa ở nước ta từ đó mang lại lợi ích chung cho cộng đồng xã hội.

Thanh Hà