Phân biệt giữa hai thuật ngữ “Phản ánh” và “Tố cáo”

Người viết: Yến Hoa Ngô Kiều - Ngày viết: Thứ Tư, Tháng Sáu 7, 2023 | 10:18 - Lượt xem: 2530

Theo xu hướng phát triển, việc tuyên truyền phổ biến pháp luật đã và đang giúp cho các tổ chức, cá nhân nâng cao nhận thức trong nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, có một số lĩnh vực vẫn còn có sự nhầm lẫn trong cách hiểu, ví dụ như thuật ngữ “tố cáo” và thuật ngữ “phản ánh”, dẫn đến ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng, hiệu quả khi xử lý, giải quyết công tác này.

Vậy thực hiện tố cáo và phản ánh khác nhau như thế nào?

Tố cáo theo quy định tại điểm khoản 1 Điều 2 Luật Tố cáo năm 2018: “Tố cáo là việc cá nhân theo thủ tục quy định của Luật này báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất kỳ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, bao gồm: Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.”

Phản ánh được quy định trong Luật Tiếp công dân 2013 và trong Nghị định 20/2008/NĐ-CP ngày 14/2/2008 về việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính. Cụ thể như sau:

– Tại khoản 2 Điều 2 Luật Tiếp công dân quy định ”Kiến nghị, phản ánh là việc công dân cung cấp thông tin, trình bày ý kiến, nguyện vọng, đề xuất giải pháp với cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến việc thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật, công tác quản lý trong các lĩnh vực đời sống xã hội thuộc trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân đó.”.

– Tại khoản 4 Điều 3 Nghị định 20/2008/NĐ-CP quy định “Phản ánh là việc cá nhân, tổ chức có ý kiến với cơ quan hành chính nhà nước về những vấn đề liên quan đến quy định hành chính, bao gồm: những vướng mắc cụ thể trong thực hiện; sự không hợp pháp, không hợp lý, không đồng bộ, không thống nhất với hệ thống pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập và những vấn đề khác.”

Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì hành vi hành chính là“hành vi của cơ quan hành chính Nhà nước hoặc của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước hoặc cơ quan, tổ chức được giao thực hiện quản lý hành chính Nhà nước thực hiện hoặc không thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật”. Và hành vi hành chính bị kiện khi hành vi đó làm ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Như vậy có thể thấy, tố cáo và phản ánh khác nhau ở một số điểm như sau:

Về chủ thể

– Tố cáo là việc cá nhân khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, tổ chức khác báo với cá nhân, tổ chức có thẩm quyền.

– Phản ánh là việc công dân, cơ quan, tổ chức khi thấy những hành vi làm ảnh hưởng xấu đến hoạt động hành chính hoặc gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, cá nhân, tổ chức khác thì thông tin, đề xuất với các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền áp dụng biện pháp, kịp thời xử lý những vấn đề nêu trên, hạn chế hậu quả ảnh hưởng xảy ra với cá nhân, tổ chức, nhà nước và xã hội.

Về mục đích

– Tố cáo hướng tới mục đích là để xử lý những người có hành vi vi phạm pháp luật; ngăn ngừa những hậu quả có thể xảy ra gây thiệt hại cho cá nhân, cho xã hội nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chung hợp pháp.

– Phản ánh là việc công dân thông tin, đưa ra, bày tỏ quan điểm và đề xuất với các cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét lại, điều chỉnh lại hoặc xử lý kịp thời những sự việc phát sinh làm ảnh hưởng đến các hoạt động hành chính hoặc gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp trong đời sống xã hội của công dân, tập thể, tổ chức, doanh nghiệp.

Về đối tượng

– Tố cáo luôn xác định rõ đối tượng có hành vi vi phạm; pháp luật quy định khi tố cáo phải có chứng cứ, tài liệu chứng minh nội dung tố cáo hành vi sai phạm đó.

– Phản ánh có thể không xác định rõ người có hành vi sai phạm, địa điểm cụ thể, thời gian xảy ra của hành vi bị phản ánh; không có chứng cứ, tài liệu chứng minh và cũng không có nghĩa vụ phải chứng minh.

Về trách nhiệm

– Đối với tố cáo: người tiếp nhận nội dung tố cáo có trách nhiệm xử lý, giải quyết nội dung tố cáo nếu thuộc thẩm quyền hoặc chuyển đến cá nhân, cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định.

– Đối với phản ánh: trong một số trường hợp, thông tin phản ánh chỉ mang tính tham khảo; việc tiếp nhận, giải quyết phản ánh do người đứng đầu cơ quan, tổ chức xem xét, quyết định.

Hiện tại, pháp luật Việt Nam đã có quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh tại Thông tư số 05/2021/TT-TTCP ngày 01/10/2021 của Thanh tra Chính phủ. Trong đó, Thông tư quy định điều kiện xử lý, gồm: đơn đủ điều kiện xử lý và đơn không đủ điều kiện xử lý.

Điều kiện chung để xem xét đơn đủ điều kiện xử lý là: Đơn dùng chữ viết là tiếng Việt. Trường hợp đơn được viết bằng tiếng nước ngoài thì phải kèm bản dịch được công chứng; Đơn được ghi rõ ngày, tháng, năm viết đơn; họ, tên, địa chỉ của người viết đơn; có chữ ký hoặc điểm chỉ của người viết đơn.

Đối với đơn khiếu nại thì cần ghi rõ tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại và yêu cầu của người khiếu nại; Đơn tố cáo ghi rõ họ tên, địa chỉ của người bị tố cáo; hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo; cách thức liên hệ với người tố cáo và các thông tin khác có liên quan; Đơn kiến nghị, phản ánh ghi rõ nội dung kiến nghị, phản ánh. Trường hợp, đơn không rõ họ tên, địa chỉ của người gửi đơn nhưng có nội dung tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật và nêu rõ người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật và có cơ sở để thẩm tra, xác minh theo quy định tại khoản 2 Điều 25 Luật Tố cáo.

Vụ Pháp chế – Thanh tra