PGS. TS Vũ Minh Khương: Đổi mới sáng tạo phải là tinh thần sống còn trong phát triển!

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Hai, Tháng Tám 15, 2022 | 11:44 - Lượt xem: 801

Hiện nay, một trong những mục tiêu quan trọng Việt Nam hướng tới là thúc đẩy các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu xây dựng mô hình điểm, dẫn dắt hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo giúp giảm lãng phí, sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực đầu tư, tạo thêm việc làm mới, thị trường mới góp phần nâng cao năng suất quốc gia, ngành, địa phương. PV Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Vũ Minh Khương, Trường Chính sách công Lý Quang Diệu – Đại học quốc gia Singapore để cùng làm rõ hơn vấn đề này.

Nhiều năm liền đứng đầu khu vực châu Á – Thái Bình Dương và duy trì vị trí thứ 8 toàn cầu về chỉ số Đổi mới sáng tạo cho thấy sự quan tâm và đầu tư rất lớn cho hoạt động đổi mới sáng tạo của Singapore. Thưa ông, là chuyên gia có nhiều năm giảng dạy tại quốc gia này, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của Singapore trong việc nâng cao năng suất nhờ đổi mới sáng tạo?

Trong nỗ lực nâng cao năng suất Singapore, đổi mới sáng tạo là một mũi nhọn nhưng không phải toàn bộ, mà trước hết phải xác định đây là vấn đề sống còn bằng mọi cách phải tăng năng suất. Tăng năng suất hiệu quả là cách để tạo nên phồn vinh, bền vững, cho nên thay vì chỉ đổi mới sáng tạo, toàn bộ hệ thống phải có năng suất cao hơn, từ logistics đến hạ tầng cơ sở, hệ  thống công vụ… tất cả đều hỗ trợ cho hệ thống sinh thái rất hiệu quả để mọi người có thể tạo ra nhiều giá trị hơn, năng lực kiến tạo cao hơn.

Nếu chỉ tập trung vào đổi mới sáng tạo thì chưa hẳn, bởi các hệ thống hỗ trợ, yểm trợ, động lực cộng hưởng phải nắm bắt xu thế hiện đại. Chính vì vậy, đổi mới sáng tạo phải nằm trong khung cảnh là một tinh thần sống còn trong phát triển và luôn tìm hướng đi nắm bắt cơ hội tương lai.

Đây chính là cách tư duy của Singapore. Đổi mới sáng tạo nằm trong bối cảnh tổng thể như vậy rất hiện đại, phấn chấn, thôi thúc mọi người sáng tạo, bởi vì sáng tạo sẽ tạo ra giá trị, nếu không sẽ tạo ra sự ức chế bởi rất nhiều cơ chế yểm trợ bị thiếu.

Đối với Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của hoạt động đổi mới sáng tạo?

Tiềm năng đổi mới sáng tạo của Việt Nam là rất lớn, bởi chúng ta có 100 triệu dân, khi đầu tư thứ gì ra được hiệu quả lập tức thu hồi vốn rất nhanh, cho nên khả năng tạo ra giá trị ở Việt Nam là rất cao. Hơn nữa, Việt Nam có độ mở với nền kinh tế thế giới lớn, tổng thương mại trên GDP là trên 200%, liên tục tăng trưởng cho những ngành khá quan trọng từ công nghệ thông tin đến lương thực thực phẩm.

Có thể thấy, cơ hội để đổi mới sáng tạo của Việt Nam là rất lớn, từ sản lượng đến giá trị hay những vấn đề đáp ứng yêu cầu chung của thời đại trong bối cảnh thế giới biến đổi rất nhanh.

Tuy nhiên, trở lại với bài học kinh nghiệm từ Singapore, đổi mới sáng tạo là bài học then chốt nhưng phải đặt trong cách nhìn tổng thể mới có thể tiến nhanh, tránh trường hợp chỉ dồn sức để đổi mới sáng tạo mà bỏ qua tất cả vấn đề về hợp lực, động lực, định vị chiến lược.

Theo ông, Việt Nam cần có cơ chế, chính sách như thế nào để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, đồng thời đưa đổi mới sáng tạo thành động lực tăng trưởng góp phần nâng cao năng suất quốc gia?

Việt Nam rất cần coi trọng vấn đề chính sách, trong đó năng suất là một trong những vấn đề sống còn để đất nước có thể vươn lên tầm nhìn 2045, trở thành nước phát triển và đây cũng là nền tảng mang lại phồn vinh cho xã hội, làm cho đất nước trở thành điểm hấp dẫn để thế giới nhìn vào, là đại biểu ưu tú của kỷ nguyên sau đại dịch. Việt Nam cần định hướng để đổi mới sáng tạo làm sao tạo ra giá trị lớn hơn, bên cạnh đó, phải đồng bộ vấn đề về công vụ, biên chế… cần tăng cường cho những nhân lực đứng đầu về đổi mới sáng tạo.

Theo khảo sát của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc, có ba điểm để thành công trong tất cả mũi nhọn, đặc biệt là trong đổi mới sáng tạo: Thứ nhất là ưu tiên chiến lược, thứ hai là chọn người giỏi nhất, thứ ba là huy động nguồn lực để hỗ trợ ngay từ ban đầu.

Trong bối cảnh hiện nay, để phát triển nguồn nhân lực đó, cần chú trọng các viện nghiên cứu, doanh nghiệp và trường đại học, làm sao để tạo ra những chương trình cộng hưởng với nhau, nghiên cứu và đào sâu để hiểu hơn về đổi mới sáng tạo, về năng suất để tạo ra giá trị mới. Song song với việc chú trọng các viện, trường để phát triển nguồn nhân lực, nhà nước đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc yểm trợ, gắn kết.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Hà My (thực hiện)