Nông sản Việt dứt khoát phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc

Thứ Tư, Tháng Mười 23, 2019 | 14:13

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn khẳng định, hiện nay, việc truy xuất nguồn gốc, tem nhãn hàng hóa… là chuyện dứt khoát phải bảo đảm đối với nông sản Việt nếu muốn vươn ra thị trường quốc tế.

Thực tế hiện nay, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hầu hết nông sản Việt chỉ xuất khẩu thô, bởi vậy Việt Nam mới chỉ tham gia được ở khâu tạo ra giá trị ít nhất trong chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu. Nguyên nhân được nhận định chính là do liên kết của các thành phần tham gia trong chuỗi này tại Việt Nam yếu.

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn để làm rõ vấn đề trên.

Ông Hà Công Tuấn – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Thưa Thứ trưởng, để nâng cao giá trị của nông sản thì chuỗi liên kết tất cả những người tham gia quá trình sản xuất tiêu thụ là yếu tố vô cùng quan trọng. Vậy ông đánh giá như thế nào về liên kết của các thành phần có thể tham gia trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu hiện nay ở Việt Nam?

Tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu trước kia được xác định chỉ có 4 nhà: nhà nông, nhà doanh nghiệp (DN), Nhà nước, nhà phân phối. Nhưng bây giờ được xác định gồm 6 nhà: Nhà nông, Nhà nước, nhà khoa học, nhà DN, nhà băng và nhà phân phối, nghĩa là tất cả các thành phần kinh tế, tất cả những người tham gia quá trình sản xuất tiêu thụ nông sản gọi là chuỗi để nâng cao giá trị.

Tuy vậy, tham gia vào chuỗi liên kết này trong nông nghiệp, chúng ta có 50.000 DN nhưng chỉ có hơn 1000 DN thực chất có tham gia. Chúng ta có hơn 13.000 hợp tác xã nhưng thực chất chỉ có hơn 1000 hợp tác xã có liên kết. Chúng ta khẳng định trong nền kinh tế thị trường, liên kết trong chuỗi này giữa DN với hợp tác xã, với người nông dân, các nhà khoa học là con đường tất yếu. Vừa là giải pháp vừa là động lực để chúng ta phát triển nền nông nghiệp hàng hóa mở như thế này.

Chỉ có đẩy mạnh liên kết trong chuỗi nông nghiệp chúng ta mới bảo đảm chuỗi vừa sản xuất tốt vừa đảm bảo xây dựng thương hiệu nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, từng DN và quốc gia để chúng ta đạt được giá trị nông sản cao nhất, tức là chuỗi này thúc đẩy nâng cao giá trị. 

Ông có chia sẻ gì về vai trò của DN và người nông dân trong việc ngày càng làm cho chuỗi liên kết của hai thành phần này chặt chẽ hơn để đưa các sản phẩm tốt hơn ra thị trường thế giới?

Trong suốt thời kỳ đổi mới vừa qua, hơn 10 triệu hộ nông dân chính là hạt nhân kinh tế phát triển, hạt nhân sáng tạo. Đó là những người lao động chân chính làm nên nền nông nghiệp của chúng ta hôm nay. Nhưng có thể nói trong nền kinh tế mở, nếu từng hộ gia đình làm chúng ta sẽ không thể nào tiếp cận những yêu cầu, tiêu chuẩn nhất định thay đổi rất nhanh chóng của thương trường thế giới.

Muốn thâm nhập, phát triển mạnh hơn phải có liên kết. Và liên kết đó ai làm? Rõ ràng đầu tàu dẫn dắt phải là DN. Bởi DN không chỉ tham gia vào quá trình sản xuất, nhất là giai đoạn thu hoạch, chế biến, chế biến sâu giá trị nông sản, mà họ còn là lực lượng tiên phong, là những người có vốn, có kinh nghiệm quản trị trong nước và quốc tế nên họ có điều kiện ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, lan tỏa những mô hình nông nghiệp từ những DN này tới người dân, nhất là những khu vực có liên kết DN với người dân.

Nông sản Việt dứt khoát phải đảm bảo truy xuất nguồn gốc nếu muốn vươn ra thị trường quốc tế. 

Bên cạnh đó, DN chính là những người thâm nhập vào thị trường quốc tế, hiểu những quy định của thị trường quốc tế từ đó trở lại hướng dẫn, đào tạo, dẫn dắt người dân sản xuất hàng hóa nông nghiệp theo những tiêu chuẩn quốc tế ấy. Và bây giờ rõ ràng việc truy xuất nguồn gốc, tem nhãn hàng hóa là chuyện dứt khoát phải bảo đảm. Chúng ta mong muốn sản xuất nhiều hơn nhưng chúng ta cũng không thể đứng ngoài cuộc này nếu muốn phát triển ra thị trường quốc tế. Và đó chính là vai trò của DN.

Mặt khác DN vừa có vốn của bản thân và cũng có điều kiện hơn để tiếp cận với nguồn tín dụng trong nước và quốc tế. Trên cơ sở tín dụng này, DN có thể bằng nhiều phương thức như hợp đồng cung ứng, dịch vụ đầu vào để ký kết với người dân, bao tiêu sản phẩm, tiêu thụ sản phẩm trong nước và xuất khẩu. Do đó, trong thời gian tới cần đẩy nhanh hợp tác này giữa DN với người dân, và giữa doanh nghiệp với các hợp tác xã.

Theo nhiều chuyên gia đánh giá, thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra rất nhiều chính sách và cơ chế để DN nông nghiệp phát triển. Vậy Thứ trưởng nhìn nhận thế nào về sự đồng hành này?

Hiện nay Việt Nam đã có 10 mặt hàng xuất khẩu có giá trị kim ngạch trên 1 tỷ USD. Trong thời gian qua, Chính phủ cũng đã cải thiện những cơ chế, chính sách cho các DN như Nghị định 57 về khuyến khích đầu tư của các DN vào nông nghiệp, Nghị định 116, Nghị định 55 về cơ chế tín dụng trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, Chính phủ có Nghị quyết 30 dành gói tín dụng 100 nghìn tỷ cho ứng dụng công nghệ cao…

Từ thực tiễn đó có thể thấy, cơ chế tạo ra sân chơi để thu hút đầu tư của các DN rất quan trọng. Còn hỗ trợ của Nhà nước cho DN có lẽ chủ yếu chỉ có thể dành cho DN khởi nghiệp và doanh nghiệp nhỏ. Còn không thể có một quốc gia nào mà Nhà nước mãi mãi hỗ trợ bằng tiền cho các DN. Do đó, chúng ta cần thu hút những DN lớn, những DN có nhiều vốn, có kinh nghiệm quản trị vào đây cũng nhằm vào việc họ đầu tư cao hơn các nguồn lực ở trong DN.

Thời gian qua chúng ta đã có rất nhiều mô hình DN lớn đầu tư vào nông nghiệp. Chúng ta thấy các tập đoàn lớn trong quốc gia hoặc nhiều tập đoàn lớn của các nước phát triển ngoài như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản cũng đầu tư vào nông nghiệp nước ta. Cho nên chúng tôi nói rằng Nhà nước sẽ đồng hành với các DN, Nhà nước sẽ tạo sân chơi cho DN, sẽ có những cơ chế về đất đai để cho các DN đầu tư vào nông nghiệp. 

Xin cảm ơn Thứ trưởng với những chia sẻ trên!

Thanh Minh