Nỗ lực hoàn thiện hệ thống quy chuẩn để kiểm soát xe điện
Thứ Năm, Tháng Mười Hai 23, 2021 | 14:44
Đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ GTVT) cho biết, cơ quan này đang nỗ lực hoàn thiện sớm các quy chuẩn để kiểm soát xe điện.
Xu hướng điện hoá phổ biến, xe điện có cơ hội “bùng nổ”
Theo TS. Nguyễn Đức Tuyên, Giảng viên Bộ môn Hệ thống điện (Đại học Bách khoa Hà Nội), hiện nay, xu hướng điện hóa trong lĩnh vực giao thông đang ngày càng phát triển do sự quan tâm ngày càng lớn tới biến đổi khí hậu trên toàn thế giới.
Tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP26 có 147 quốc gia cam kết phát thải ròng bằng “0”, đã có 6 hãng xe hơi cam kết ngừng sản xuất xe xăng dầu từ nay đến năm 2040. Trong đó có các hãng như Volvo, Ford, General Motors, Mercedes Benz, BYD va Jaguar Land Rover. Các nước trong khu vực cũng có những cam kết liên quan đến vấn đề này. Chẳng hạn như Thái Lan cam kết 50% ô tô sản xuất và phân phối từ năm 2030 là xe điện. Năm 2035, tổng số xe chạy bằng điện tại quốc gia này sẽ đạt 18,41 triệu chiếc.
Indonesia đặt mục tiêu 20% sản lượng xe ô tô bán ra là xe điện, xe hybrid vào năm 2025 và tăng dần lên hơn 25% vào năm 2030. 2,2 triệu xe ô tô điện, 13 triệu xe máy điện cùng với gần 32.000 trạm sạc vào năm 2030. Philippines cũng cam kết xe điện chiếm 21% tổng số phương tiện năm 2030 và 50% năm 2040.
Tại Việt Nam, vấn đề môi trường đang nhận được sự quan tâm của nhà nước và người dân. Các doanh nghiệp sản xuất xe điện trong nước xuất hiện, đi kèm những chính sách hỗ trợ xe điện đang được xây dựng. Chính phủ cam kết đạt phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Hiện, Bộ Công Thương đang xây dựng Quy hoạch điện 8 cho thời kỳ 2021-2045.
Việc điện hóa trong giao thông và phát triển hạ tầng điện lực, vận hành hệ thống điện và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực giao thông có tương tác mạnh mẽ với nhau. Những động lực cho xe điện phát triển trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng như: Giá dầu cao biến động trong khi giá điện ổn định; Độc lập và an ninh năng lượng, lợi ích về môi trường.
Liên quan đến lưới điện tích hợp sẽ có những ưu và nhược điểm nhất định. Trong đó, các ưu điểm như thay đổi đường cong phụ tải; dịch vụ phụ trợ cho lưới; quản lý tắc nghẽn lưới; tránh quá tải lưới phân phối; điều khiển điện áp trong lưới; tránh phát thừa các nguồn NLTT (năng lượng tái tạo); dịch vụ “Behind the metter”; dùng khả năng sạc của nguồn xe tải lớn.
Tuy nhiên cũng có những nhược điểm như hiện tượng mất điện, sụt áp và quá áp ngắn hạn, sụt áp và quá áp dài hạn, sóng hài, xung điện áp, biến động tần số… Nếu thiếu điều khiển và phối hợp không hợp lý thời điểm sạc với đồ thị phụ tải sẽ làm tổn thất công suất, tăng độ lệch điện áp và các vấn đề về chất lượng điện năng. Tỷ trọng NLTT ở Việt Nam còn thấp nhưng nếu EV sử dụng bằng nguồn năng lượng không tái tạo thì hiệu quả giảm phát thải sẽ giảm theo.
Về công nghệ xe điện, trên thế giới hiện nay đã có những tiến bộ giúp làm tăng phạm vi EV và giảm chi phí mua xe nói chung. Các chuyên gia trong ngành dự đoán rằng các mẫu xe EV hạng nhẹ sẽ có giá tương đương với các loại xe thông thường vào năm 2025 với thị trường hạng trung và hạng nặng chậm hơn khoảng 5 năm.
Về công nghệ sạc xe, hiện đã có công nghệ hai chiều, hay xe nối lưới, hiện đang trong giai đoạn phát triển thử nghiệm. Ngoài ra, khi thị trường xe điện tiếp tục phát triển, sẽ có cơ hội tái sử dụng pin xe điện để lưu trữ năng lượng trong các hệ thống lưới điện nhỏ. Công nghệ sạc không dây hiện cũng đang được phát triển.
Tuy nhiên, cũng có những rào cản trong việc gia tăng việc sử dụng xe điện như pạm vi phương tiện, thiếu cơ sở hạ tầng sạc xe và chi phí trả trước cao cho nhiều loại xe điện; Sự thiếu cơ sở hạ tầng sạc xe; Các mẫu xe EV đắt hơn 38-50% so với các loại xe thông thường.
Về xu hướng phát triển xe điện, hiện tại, thị trường xe điện các nước được hỗ trợ bởi các chính sách và chương trình của chính phủ nhằm giảm phát thải KNK (khí nhà kính) và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng; Na Uy, Trung Quốc và Mỹ dẫn đầu. Dự báo tăng trưởng thị trường trong tương lai cho thấy hơn một nửa doanh số bán xe mới sẽ là EV vào năm 2040.
Giải pháp phát triển hạ tầng xe điện
Để gia tăng cơ sở hạ tầng sạc xe và thị trường xe điện, sẽ cần các bộ sạc nhanh trên một số lượng vài chục EV để đáp ứng nhu cầu dự kiến từ năm 2020-2030. Dự kiến, sau khi xe điện ngang giá với các loại xe thông thường vào khoảng năm 2025, sẽ có nhu cầu lớn hơn đối với xe điện thay vì các mẫu xe PHEV (xe hybrid sạc ngoài) hiện nay.
Về thị trường xe điện hạng nhẹ trên thế giới, năm 2020, có hơn 10 triệu xe EV đang chạy trên đường. Tại Trung Quốc, do chịu ảnh hưởng ít nặng nề hơn từ đại dịch so với các khu vực khác, tổng lượng đăng ký chỉ giảm 9% trong năm 2020. Tại Mỹ, thị trường sụt giảm 23% vào 2020, mặc dù vậy, số lượt đăng ký của xe điện lại giảm ít hơn so với mặt bằng chung.
Năm 2020, có 295.000 ô tô điện mới được đăng ký, trong đó 78% là BEV. Thị phần bán ô tô điện tăng lên 2%. Tại EU, lượt đăng ký ô tô điện tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 1.4 triệu lượt đăng ký vào 2020. Trong đó, Đức, Pháp và Anh có số lượt đăng ký lần lượt là 395.000, 185.000 và 176.000.
Về thị trường phát triển xe điện hạng nặng trên thế giới: Xe buýt và xe tải điện phát triển thần tốc vào năm 2020. Trong đó, xu hướng phát triển thị trường xe buýt điện rất mạnh mẽ. Trung Quốc thống trị thị trường với 78.000 lượt đăng ký (2020), chiếm 27% thị phần bán xe buýt. Lượt đăng ký xe buýt điện Châu Âu tăng 7% đạt 2.100 lượt, chiếm 4% tổng số lượt đăng ký xe buýt Bắc Mỹ chỉ có 580 lượt đăng ký xe buýt điện năm 2020.
Xu hướng phát triển thị trường xe tải điện thể hiện ở số lượt đăng ký xe tải điện hạng nặng là 7.400 xe (2020), tăng 10% so với 2019. Tổng số lượng đạt 31.000 xe. Trung Quốc tiếp tục thống trị thị trường với 6.700 lượt đăng ký xe tải điện hạng nặng. Số lượt đăng ký ở Châu Âu tăng 23% lên 450 lượt, Mỹ là 240.
Về trạm sạc, việc triển khai các trạm sạc công cộng sẽ là tối quan trọng khi các quốc gia dẫn đầu trong việc phát triển xe điện đi vào giai đoạn người dùng yêu cầu sự tiện nghi trong việc sạc xe. Theo Global EV Outlook 2021 (IEA), số lượng trạm sạc xe công cộng đã đạt 1,3 triệu trạm vào năm 2020, trong đó 30% là các trạm sạc nhanh. Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu số lượng trạm sạc xe điện ở cả hai loại sạc nhanh và sạc chậm.
Chính sách thị trường xe điện tại châu Âu: European Green Deal là lộ trình quan trọng để giúp môi trường của châu Âu trở thành môi trường không phát khí thải CO2. Ngoài tiêu chuẩn khí thải CO2 đối với xe du lịch ở cấp độ EU, các biện pháp quốc gia và địa phương cũng kích thích doanh số bán xe điện và triển khai cơ sở hạ tầng sạc xe điện. Vào cuối năm 2020, thống kê có khoảng 2,24 triệu xe điện chạy bằng pin (BEVs) và xe lai sạc điện (PHEVs) tại 27 nước thành viên.
Việc lắp đặt nhiều trạm sạc nhanh công cộng tạo điều kiện cho xe đi được quãng đường dài hơn, tốn ít thời gian sạc xe hơn, khuyến khích những người có ý định sử dụng EV nhưng chưa có hệ thống sạc tại nhà. Hoạt động hỗ trợ chính sách ở cấp quốc gia và địa phương để đạt được điện khí hóa và triển khai cơ sở hạ tầng cho sạc xe điện như sau: Pháp cung cấp chiết khấu €7000 cho người mua xe điện; Anh đầu tư £100m vào xe điện, theo đó chủ xe không phải trả £2000 vào phí tắc nghẽn; Nauy miễn 100% thuế với xe điện; Tây Ban Nha, Ý, Ireland, Đức cũng tài trợ một loạt biện pháp để thúc đẩy xe điện. Thụy Điển cũng đặt ra các mục tiêu tham vọng về việc tăng số lượng xe điện và cơ sở hạ tầng sạc xe điện công cộng. Như vậy, phần lớn xe điện ở châu Âu tập trung tại Đức, Na Uy, Anh, Pháp và Hà Lan với 70% tổng số xe du lịch điện tại châu Âu.
Về hạ tầng trạm sạc, các cơ sở hạ tầng sạc công cộng được tập trung tại một số thị trường châu Âu. Tại các nước châu Âu trong năm 2020, phần lớn các trạm sạc xe điện tại Hà Lan với 64.000 điểm sạc bình thường và hơn 2.400 trạm sạc công suất cao. Hầu hết các nước triển khai các điểm sạc bình thường hơn là điểm sạc năng lượng cao. Sự phân chia của cơ sở hạ tầng sạc xe điện công cộng thay đổi rất nhiều giữa các nước trong khu vực châu Âu. Mật độ mạng lưới cơ sở hạ tầng sạc xe điện công cộng là phép đo quan trọng cho việc lên kế hoạch trong tương lai.
Có 4 biện pháp thúc đẩy thị trường xe điện, gồm giáo dục, hỗ trợ, hợp tác khu vực; các phương pháp tốt nhất trong chính sách EV để thúc đẩy điện khí hoá xe; khuyến khích cho thị trường xe điện về vốn và phát triển thông qua các ưu đãi cho xe điện.
Về chính sách khuyến khích thị trường xe điện chia làm nhiều nhóm khác nhau. Một là ưu đãi cho EV, các ưu đãi về phương tiện ở quốc gia/thành phố hỗ trợ việc mua xe EV và là động lực cần thiết cho sự tăng trưởng thị trường xe điện cho đến khi các mẫu xe điện có giá ngang bằng với động cơ đốt trong. Hai là các ưu đãi về cơ sở hạ tầng sạc sẽ tăng việc lắp đặt các trạm sạc EV cho mục đích sử dụng công cộng.
Về các chính sách hỗ trợ phát triển xe điện hạng nhẹ ở các quốc gia trên thế giới, tại Trung Quốc đã thắt chặt tiêu chuẩn tiết kiệm nhiên liệu: 4 L/100km (NEDC) vào 2025 cho xe hạng nhẹ chở khách; NEV đặt khuyến khích đến năm 2023. Mục tiêu đạt 20% thị phần bán xe NEV vào 2025. Tham vọng của Trung Quốc là 70% xe chở khách được điện khí hóa. Doanh số bán 100.000 FCEV vào năm 2025 và 1.000.000 xe giai đoạn 2030 – 2035.
Tại EU đã có đề xuất yêu cầu 33-65% thị phần mua xe buýt công cộng vào 2030. Ủy ban Châu Âu cũng đề xuất hỗ trợ loại bỏ việc buôn bán xe hạng nhẹ sử dụng xăng, diesel. Tại Nhật Bản cũng đưa ra mục tiêu xe điện chiếm 100% thị phần xe hạng nhẹ năm 2035. Tại Mỹ, Điều luật SAFE thắt chặt thêm 1,5% tiêu chuẩn khí thải CO2 (2021-2026). Mục tiêu sẽ có 3,3 triệu xe ZEV trong tổng số xe hạng nhẹ ở 8 bang vào 2025. Tại Trung Quốc cũng đặt ra mục tiêu giảm lượng tiêu thụ nhiên liệu xuống 14 – 16% so với giai đoạn 2.
Hiện các nước trên thế giới đã công bố lộ trình cụ thể phát triển xe điện. Riêng tại Việt Nam, theo kịch bản của VAMA, 100% xe điện vào năm 2050, lộ trình chia làm 4 giai đoạn: Khởi đầu (2021 – 2030); Tăng trưởng nhanh (2030 – 2040); Tăng trưởng ổn định (2040 – 2045); Hợp nhất ngành công nghiệp (2045 – 2050). Các điều kiện phát triển xe điện tại Việt Nam như: Cam kết của Chính phú về cắt giảm phát thải; Cơ sở hạ tầng trạm sạc; Tỷ trọng nguồn NLTT trong hệ thống điện ngày càng cao; Chi phí xe điện giảm.
Sẽ sớm hoàn thiện tiêu chuẩn, quy chuẩn về xe điện
Theo ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ KH&CN (Bộ GTVT) phương tiện điện bao gồm xe hai bánh và xe bốn bánh, những năm gần đây, xe hai bánh phát triển rất rầm rộ. Các quy chuẩn liên quan đến xe hai bánh đến nay cơ bản đã có những quản lý rõ ràng. Với hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của phương tiện bốn bánh, hiện tương đối nhiều, các cơ quan ban ngành như Bộ GTVT, Bộ Khoa học và Công nghệ hàng năm đều có những cập nhật, bổ sung.
Hiện những tiêu chuẩn phục vụ cho nhà sản xuất, nhập khẩu nghiên cứu áp dụng cho việc ra sản phẩm có khoảng 40 tiêu chuẩn, trong đó, xe máy điện khá đầy đủ còn về ô tô cũng tương đối nhưng vẫn tiếp tục được cập nhật.
Về tiêu chuẩn trạm sạc, những năm gần đây, Vụ KH&CN phối hợp các đơn vị xây dựng được 4 tiêu chuẩn, để giúp các nhà sản xuất có cơ sở để đầu tư, xây dựng trạm sạc. Việt Nam là quốc gia đi sau không thể nghĩ ra được tiêu chuẩn mà cần có sự học hỏi, chuyển đổi từ các tiêu chuẩn quốc tế. Đối với nhóm ô tô, trong 40 tiêu chuẩn phương tiện nói chung có rất nhiều tiêu chuẩn liên quan đến ô tô.
Về hệ thống quy chuẩn, hàng năm, đặc biệt trong năm nay, Bộ GTVT cũng đưa ra nhiệm vụ cập nhật thêm vào QC 09/2015, được coi là nhiệm vụ cấp thiết, hiện Vụ KH&CN đã xây dựng dự thảo và sẽ ban hành vào năm 2022. Trong quá trình xây dựng, mong rằng các nhà sản xuất ô tô, trong đó có VinFast là đơn vị tiên phong, sẽ có những đóng góp, tham gia cùng hoàn thiện QC 09/2015.
Đối với xe bốn bánh, việc an toàn về điện và pin là những điều kiện bắt buộc đưa vào quản lý với hàng hoá nhóm 2, phải ban hành quy chuẩn, chúng tôi đã đưa vào kế hoạch năm 2022 phải ban hành quy chuẩn về pin. Tuy nhiên, để đầu tư việc thử theo quy chuẩn quốc tế của pin đang gặp nhiều khó khăn, nan giải vì các thiết bị thử rất phức tạp, để khắc phục có thể áp dụng phòng thử ở nước ngoài với quy trình kiểm tra nghiêm khắc.
“Bộ GTVT đang nỗ lực hoàn thiện các quy chuẩn sớm để kiểm soát được khi xe điện phát triển. Bộ sẽ quản lý từ cổng sạc trở vào xe, các hạ tầng, quy chuẩn trạm sạc thì cần có sự tham gia của Bộ Công thương và Bộ Tài chính. Về chiến lược phát triển xe điện tại Việt Nam, Bộ GTVT có giao cho các Sở GTVT xây dựng tiến độ nhưng hiện mới chỉ dừng lại ở đề cương. Tôi rất đồng tình với đại diện VAMA mong muốn có lộ trình chuyển đổi dần dần, từ phương tiện hybrid sang xe điện hoàn toàn để từ đó có chính sách về thuế, phí sao cho phù hợp”, ông Trần Quang Hà nói.
Cũng theo đại diện Vụ KH&CN, Chính phủ hiện đang hoàn thiện ban hành nghị định về thuế trước bạ cho xe thuần điện, do đó cơ hội góp ý cho việc phát triển xe điện của Việt Nam còn rất dài. Về lộ trình phát triển xe điện trước đây, trong dự thảo đã bỏ quy định cứng năm bao nhiêu có bao nhiêu xe điện để phù hợp hơn với tình hình phát triển trong nước.
Phong Lâm