Ninh Thuận: Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Tư, Tháng Mười Một 24, 2021 | 10:08 - Lượt xem: 1604
UBND tỉnh Ninh Thuận vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình quốc gia về hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nội dung tại Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 31/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn của tỉnh, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành Kế hoạch số 3483/KH-UBND thực hiện “Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận (gọi tắt là Kế hoạch).
Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch là hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa (sau đây gọi tắt là năng suất chất lượng) trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
Về mục tiêu cụ thể của Kế hoạch, giai đoạn từ năm 2021-2025 sẽ nâng cao nhận thức, tăng cường kiến thức về năng suất chất lượng trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cho tổ chức, doanh nghiệp; Đào tạo nguồn nhân lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng gắn với những đòi hỏi mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (ít nhất 10 chuyên gia năng suất chất lượng được đánh giá chứng nhận đạt tiêu chuẩn; trên 250 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý năng suất chất lượng của doanh nghiệp được đào tạo, tập huấn chuyên sâu các kiến thức về năng suất chất lượng);
Hằng năm, có ít nhất 10 doanh nghiệp được hỗ trợ áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh; góp phần nâng cao tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong điều kiện hội nhập kinh tế;
Quan tâm đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã để phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP tại địa phương; áp dụng các giải pháp mới, hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất chất lượng. Đến năm 2025, có ít nhất 5 doanh nghiệp xây dựng mô hình điểm về phong trào năng suất chất lượng để chia sẻ, nhân rộng trong cộng đồng doanh nghiệp; Vận động, hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, trong đó phấn đấu có ít nhất 05 doanh nghiệp tham gia và đạt giải thưởng chất lượng quốc gia (có ít nhất 01 doanh nghiệp đạt giải vàng chất lượng quốc gia);
Phấn đấu đến năm 2030 tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường kiến thức về năng suất chất lượng trong giai đoạn mới cho cả giai đoạn, bao gồm việc đào tạo ít nhất 20 chuyên gia năng suất chất lượng được đánh giá chứng nhận đạt tiêu chuẩn; Trên 500 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý năng suất chất lượng của doanh nghiệp được đào tạo, tập huấn chuyên sâu các kiến thức về năng suất chất lượng;
Hàng năm, có ít nhất 20 doanh nghiệp được hỗ trợ áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, truy xuất nguồn gốc, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tăng khả năng cạnh tranh; góp phần nâng cao tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong điều kiện hội nhập kinh tế;
Quan tâm đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã để phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù, sản phẩm OCOP tại địa phương; áp dụng các giải pháp mới, hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất chất lượng. Đến năm 2030, có ít nhất 10 doanh nghiệp xây dựng mô hình điểm về phong trào năng suất chất lượng để chia sẻ, nhân rộng trong cộng đồng doanh nghiệp;
Tăng cường năng lực cho các tổ chức đánh giá sự phù hợp đạt chuẩn mức quốc gia từng bước đạt chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật của các sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu chủ lực, sản phẩm OCOP của địa phương. Vận động, hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp tham gia Giải thưởng Chất lượng Quốc gia, trong đó phấn đấu có ít nhất 10 doanh nghiệp tham gia và đạt giải thưởng chất lượng quốc gia (có ít nhất 02 doanh nghiệp đạt giải vàng chất lượng quốc gia).
Kế hoạch của UBND tỉnh cũng nêu ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể và yêu cầu các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện như: Hoàn thiện cơ chế chính sách thúc đẩy hoạt động nâng cao năng suất chất lượng; Thông tin tuyên truyền phổ biến về năng suất chất lượng; Hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ tiên tiến về năng suất chất lượng, công cụ hỗ trợ cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh;
Đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực cho hoạt động nâng cao năng suất chất lượng; Tăng cường năng lực cho hoạt động tiêu chuẩn hóa và đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về năng suất chất lượng.
Ngoài ra, UBND tỉnh cũng giao Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan đầu mối, tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý và triển khai thực hiện Kế hoạch; tham mưu UBND tỉnh tổ chức sơ kết giai đoạn 2021-2025, tổng kết vào năm 2030, đột xuất (khi có yêu cầu); tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ về kết quả triển khai thực hiện Kế hoạch trên địa bàn tỉnh theo quy định.
Bảo An