Ninh Bình: Đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Bảy, Tháng Tám 21, 2021 | 13:04 - Lượt xem: 797

Thời gian tới, các đơn vị chức năng thuộc Sở KH&CN Ninh Bình sẽ tiến hành nhiều giải pháp nhằm đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo thông tin từ Trung tâm Ứng dụng, Thông tin Khoa học công nghệ và Đo lường thử nghiệm (Sở Khoa học và Công nghệ Ninh Bình), ngày 10/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 996/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, với mục tiêu đến năm 2025 phát triển hạ tầng đo lường quốc gia đáp ứng công nhận đủ 41 chuẩn đo lường quốc gia theo quy hoạch đã được phê duyệt; công nhận ít nhất 200 phép đo hiệu chuẩn được quốc tế thừa nhận trong khuôn khổ Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau toàn cầu về đo lường (CIPM-MRA); phát triển được ít nhất 100 chất chuẩn, chuẩn đo lường, phương tiện đo các loại đáp ứng nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho doanh nghiệp…

Theo ghi nhận, Việt Nam đã là thành viên của 04 tổ chức quốc tế và khu vực về đo lường, là thành viên chính thức của 20 Ban kỹ thuật và Tiểu ban kỹ thuật quốc tế ISO và IEC (trong đó có 17 Ban kỹ thuật và Tiểu ban kỹ thuật quốc tế ISO và 03 Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế IEC); tham gia với tư cách thành viên quan sát đối với 62 Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế của ISO. Hiện nay, chúng ta đã kiện toàn hệ thống các cơ quan nhà nước về đo lường từ Trung ương đến địa phương, hạ tầng đo lường quốc gia bao gồm các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đo lường và hạ tầng kỹ thuật quốc gia từ cấp quốc gia, đến địa phương và doanh nghiệp… Đây là cơ sở pháp lý và kỹ thuật để thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, cũng như nhu cầu của doanh nghiệp tham gia thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, hiện nay Viện Đo lường Việt Nam mới công nhận được 30 trên 41 chuẩn đo lường quốc gia được quy hoạch. Đồng thời, chỉ mới có 31 phép hiệu chuẩn được quốc tế thừa nhận trong khuôn khổ thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau toàn cầu về đo lường. Đây là con số rất ít so với các Viện Đo lường quốc gia trong khu vực và trên thế giới, gây khó khăn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam công bố chất lượng sản phẩm hàng hóa được quốc tế thừa nhận.

Đối với Ninh Bình, hiện có 03 tổ chức là Trung tâm Ứng dụng, Thông tin Khoa học công nghệ và Đo lường thử nghiệm (Sở Khoa học và Công nghệ), Trung tâm thí nghiệm điện Ninh Bình – Chi nhánh Công ty TNHH MTV thí nghiệm điện miền Bắc và Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình được Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) chỉ định thực hiện hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo nhóm 2 theo quy định.

Trung tâm Ứng dụng, Thông tin Khoa học công nghệ và Đo lường thử nghiệm (Trung tâm) ngoài nhiệm vụ thực hiện các dịch vụ công nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong giao nhận thương mại, hiện đang thực hiện hoạt động kiểm định đối chứng công tơ điện; thực hiện dịch vụ hỗ trợ năng lượng nguyên tử; hằng năm thực hiện kiểm định, hiệu chuẩn khoảng 6000 phương tiện đo nhóm 2 thuộc 24 lĩnh vực được phép hoạt động.

Tuy nhiên, năng lực và trang thiết bị hiện có của Trung tâm còn nhiều hạn chế khó đáp ứng được nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho người dân và doanh nghiệp. Thời gian tới, Trung tâm xác định tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, chuẩn đo lường, đào tạo nguồn nhân lực nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 xác định một trong những chỉ tiêu chủ yếu là cơ cấu kinh tế đến năm 2025: Công nghiệp – xây dựng 49,0%; nông, lâm nghiệp, thủy sản 8,5%; dịch vụ 42,5%, trong đó tập trung phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại trên cơ sở cơ cấu lại ngành công nghiệp với yêu cầu công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, tăng giá trị sản phẩm…

Do vậy, việc phát triển hạ tầng kỹ thuật về đo lường trong những lĩnh vực thế mạnh, có trọng tâm, trọng điểm phù hợp điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh là hết sức cần thiết.

Đoàn kiểm tra Sở KH&CN kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về đo lường, chất lượng trong hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Sở KH&CN Ninh Bình

Thực hiện Quyết định số 996/QĐ-TTg ngày 10/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, ngày 25/11/2020 Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đã ban hành Kế hoạch số 119/KH-UBND thực hiện Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh.

Với mục tiêu phát triển hạ tầng đo lường trên địa bàn tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng hội nhập quốc tế và nhu cầu đảm bảo đo lường chính xác cho hoạt động doanh nghiệp, phù hợp điều kiện kinh tế – xã hội của tỉnh; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên; triển khai hiệu quả Chương trình bảo đảm đo lường tại doanh nghiệp; tăng cường hoạt động đo lường gắn chặt với hoạt động doanh nghiệp;

Đẩy mạnh xã hội hoá, huy động đa dạng các nguồn lực trong xã hội để góp phần phát triển hoạt động đo lường; áp dụng hiệu quả Bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường sau khi Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành để tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về đo lường; thực hiện chuẩn hoá năng lực hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phổ biến sâu rộng về vai trò, tầm quan trọng hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp.

Theo đó, Kế hoạch đến năm 2025: Phát triển hạ tầng đo lường của tỉnh đáp ứng yêu cầu kiểm định, hiệu chuẩn các phương tiện đo nhóm 2 phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân; bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho ít nhất 100 lượt cán bộ tham gia hoạt động đo lường thuộc các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp có vốn nhà nước, doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân; triển khai Chương trình đảm bảo đo lường theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo cho ít nhất 10 lượt doanh nghiệp, tổ chức bao gồm doanh nghiệp có vốn nhà nước và doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân;

Triển khai áp dụng Bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường cho ít nhất 02 phòng thí nghiệm được công nhận trên địa bàn tỉnh để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đo lường; thực hiện chuẩn hoá năng lực, hoạt động của các tổ chức dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường trên địa bàn.

Mục tiêu đến năm 2030 là phát triển hạ tầng đo lường của tỉnh nhằm mở rộng lĩnh vực kiểm định, hiệu chuẩn, sửa chữa các loại phương tiện đo liên quan đến an toàn, sức khoẻ, bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho ít nhất 200 lượt người tham gia hoạt động đo lường; triển khai Chương trình đảm bảo đo lường theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ thông qua hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo cho ít nhất 20 lượt doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp có vốn nhà nước và doanh nghiệp khu vực kinh tế tư nhân; triển khai áp dụng Bộ tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường cho ít nhất 04 phòng thí nghiệm được công nhận trên địa bàn tỉnh để tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đo lường; thực hiện chuẩn hoá năng lực, hoạt động của các tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường.

Kế hoạch xác định các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể thực hiện Đề án như: Xây dựng cơ chế chính sách nhằm tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế; thúc đẩy xã hội hoá hoạt động đo lường; khuyến khích hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ đo lường; áp dụng các cơ chế, chính sách thúc đẩy thương mại hoá các sản phẩm từ kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực đo lường; xây dựng, phát triển hạ tầng đo lường của tỉnh theo hướng đồng bộ, hiện đại và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế;

Tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan và doanh nghiệp về công tác quản lý hoạt động đo lường; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và xã hội về hoạt động đo lường góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập kinh tế quốc tế trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra sâu rộng trên phạm vi toàn cầu.

Để Kế hoạch được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế cho các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền chính sách, pháp luật, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp và xã hội về hoạt động đo lường; chú trọng bố trí nguồn lực phù hợp để triển khai thực hiện Kế hoạch đảm bảo các mục tiêu đề ra; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị có liên quan và doanh nghiệp trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động đo lường, trong đó Sở Khoa học và Công nghệ giữ vai trò đầu mối tổ chức triển khai thực hiện.

Phong Lâm