Những sự kiện nổi bật hợp tác quốc tế về Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng năm 2019
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Hai, Tháng Một 6, 2020 | 9:03 - Lượt xem: 3610
Năm 2019 là một năm đầy ắp sự kiện về hợp tác quốc tế, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, phát triển cho lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng những năm tiếp theo.
Chủ động và đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực năng suất
Trong năm 2019, Việt Nam là điểm đến của cựu Tổng thư ký Tổ chức Năng suất Châu Á (APO) Tiến sĩ Santhi Kanoktanaporn và là điểm đến đầu tiên trong số 20 thành viên của của tân Tổng Thư ký APO, Tiến sĩ Achmad Kurnia Prawira Mochtan.
Hai nhà lãnh đạo APO đều đánh giá cao vai trò tích cực và chủ động của Việt Nam trong việc đề xuất và triển khai các hoạt động, dự án với APO đặc biệt là các dự án quan trọng như Kế hoạch tổng thể về năng suất hướng đến phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo; đề xuất xây dựng tổ chức chứng nhận chuyên gia năng suất của APO, đề xuất nghiên cứu xây dựng khung hệ sinh thái về sản xuất thông minh cho các nền kinh tế thành viên APO, tham gia tích cực vào các nhóm chuyên gia của APO.
APLMF thực hiện hài hòa các tiêu chuẩn kỹ thuật và giảm các rào cản kỹ thuật đối với thương mại, bên cạnh đó, chúng tôi cũng tập trung vào việc cải thiện độ chính xác của các phép đo và tăng độ tin cậy trong kết quả đo.
Chủ tịch APLMF đánh giá cao những đóng góp tích cực của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tại APLMF ở cấp độ khu vực và tổ chức đo lường pháp lý quốc tế ở cấp độ toàn cầu.
Ký kết các thỏa thuận quốc tế với các đối tác quan trọng
Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc chính thức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Séc, ngày 17/4/2019, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và Chủ tịch Văn phòng Tiêu chuẩn, Đo lường và Thử nghiệm Séc (UNMZ) đã ký Bản ghi nhớ (MOU) về việc hợp tác trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.
MoU là cơ sở hợp tác hai bên trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đặc biệt là tiến tới thừa nhận các kết quả thử nghiệm và chứng nhận sẽ mở ra cơ hội và tạo thuận lợi thương mại giữa hai nước trong thời gian tới. Hiện nay, các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Séc chủ yếu mặt hàng giày dép, phương tiện vận tải và phụ tùng, hàng dệt may, máy móc thiết bị và đồ gỗ nội thất.
Ký kết thỏa thuận với Viện Tiêu chuẩn Anh (BSI)
Đảm bảo bản quyền của các tiêu chuẩn của nước ngoài tại Việt Nam là tăng cường uy tín của Việt Nam trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ đối với tiêu chuẩn. Thỏa thuận về chấp nhận tiêu chuẩn Anh là cơ sở cho việc chấp nhận tiêu chuẩn Anh trong hoạt động xây dựng tiêu chuẩn của Việt Nam.
15 năm quan hệ hợp tác Tổng cục và ASTM
Nhân dịp Phiên họp toàn thể lần thứ 42 Đại hội đồng Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) tại Nam Phi, bà Teresa J.Cendrowska, Phó Chủ tịch của ASTM International đã đại diện ASTM trao kỷ niệm chương 15 năm quan hệ hợp tác Tổng cục và ASTM.
MoU ký từ tháng 01/2004 và phụ lục quy định về bản quyền tiêu chuẩn ASTM cũng như các điều khoản đối với việc phân phối, bán và sử dụng tiêu chuẩn ASTM trên lãnh thổ Việt Nam là cơ sở để các doanh nghiệp tại Việt Nam có cơ hội tiếp cận với tiêu chuẩn có bản quyền của ASTM.
Thực hiện tốt nghĩa vụ của thành viên ASEAN, tăng cường uy tín của Việt Nam trong khu vực
Tổng cục đã tổ chức thành công Hội nghị lần thứ 42 Nhóm công tác về tiêu chuẩn của Ủy ban tư vấn về Tiêu chuẩn và Chất lượng của ASEAN (WG1).
Qua 20 năm hoạt động với sự tham gia tích cực của các thành viên đến từ các cơ quan tiêu chuẩn hóa quốc gia các nước thành viên ASEAN, hơn 300 tiêu chuẩn đã được hài hòa trong khu vực và nhiều tiêu chuẩn trong các lĩnh vực mới như thương mại kỹ thuật số, hiệu suất năng lượng/năng lượng tái tạo, sản xuất thông minh, thành phố thông minh cũng đang được WG1 nghiên cứu đề xuất.
Tổng cục là đảm nhận các vị trí Phó Chủ tịch của Ủy ban Tư vấn về Tiêu chuẩn và Chất lượng (ACCSQ); Đồng Chủ tịch đối thoại ACCSQ-Mỹ về tiêu chuẩn và đánh giá sự phù hợp; Phó Chủ tịch của Nhóm công tác về tiêu chuẩn (WG1); Phó Chủ tịch của Nhóm công tác về Đánh giá sự phù hợp (WG2) thuộc ACCSQ.
Kỷ niệm Ngày tiêu chuẩn thế giới 2019 và Hội thảo Tiêu chuẩn hóa thúc đẩy hội nhập toàn cầu
Lễ Kỷ niệm Ngày Tiêu chuẩn Thế giới và Hội thảo “Tiêu chuẩn hóa thúc đẩy hội nhập toàn cầu cũng như loạt các sự kiện bên lề khác như: Hội thảo Tiêu chuẩn hóa thúc đẩy hội nhập toàn cầu trong lĩnh vực xăng dầu; trong lĩnh vực đô thị thông minh, Tọa đàm Đổi mới hoạt động xây dựng tiêu chuẩn hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập quốc tế… nhằm hưởng ứng thông điệp Ngày Tiêu chuẩn Thế giới năm nay, đồng thời giúp nâng cao nhận thức của các bên liên quan về tầm quan trọng của tiêu chuẩn đối với hoạt động quản lý của nhà nước; hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao khả năng cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, doanh nghiệp; thúc đẩy và tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại toàn cầu, đồng thời bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng,…
Các đơn vị trực thuộc Tổng cục đẩy mạnh hợp tác quốc tế song phương với các đối tác
Hội nhập kinh tế quốc tế mở ra nhiều cơ hội hợp tác song phương. Năm 2019, các đơn vị trực thuộc Tổng cục đã đẩy mạnh hoạt động hợp tác này.
Trung tâm Đào tạo và Trung tâm Năng suất quốc gia Hàn Quốc ký kết hợp tác về đào tạo nhân lực và thành lập Văn phòng chương trình hợp tác KPC-QTC để triển khai hợp tác đào tạo.
Trung tâm Thông tin và Truyền thông TCĐLCL và Hiệp hội các phòng thử nghiệm của Hoa Kỳ (UL) ký kết thỏa thuận về bán tiêu chuẩn UL tại Việt Nam.
Trung Mã số mã vạch Quốc gia và Tập đoàn Chứng nhận và Kiểm định Trung Hoa (CCIC) ký kết thỏa thuận về truy xuất nguồn gốc.
Thúc đẩy các dự án của APO tại Việt Nam
Trung tâm Chứng nhận Phù hợp (QUACERT) chủ trì, phối hợp với Trung tâm Mã số Mã vạch quốc gia (NBC) và Tổ chức Năng suất Châu Á – APO tổ chức hội thảo “Chia sẻ ứng dụng sản xuất nông nghiệp hữu cơ thông minh và hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp”.
Hội thảo được tổ chức nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hữu cơ thông minh và ứng dụng truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng thực phẩm tại các nền kinh tế thành viên.
Tổng cục và APO phối hợp tổ chức Hội thảo về “Xu hướng Phát triển Làng nghề Thủ công truyền thống trong Thời đại Công nghiệp 4.0” nhằm mục đích tìm hiểu những thách thức các làng nghề truyền thống đang phải đối mặt để đảm bảo tính bền vững, lợi nhuận và khả năng cạnh tranh trong thời đại Công nghiệp 4.0, xây dựng kế hoạch hành động khả thi để giải quyết các vấn đề và thách thức đó nhằm tăng cường phát triển bền vững toàn diện, lộ trình phát triển các làng nghề truyền thống cho Việt Nam nói riêng và các thành viên APO nói chung vừa đảm bảo năng suất, vừa giữ được nét mềm mại, giá trị tinh thần và truyền thống dân gian đặc biệt đối với sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Bảo Anh