Những sự kiện đáng ghi nhớ của hoạt động đo lường Việt Nam
Thứ Tư, Tháng Ba 8, 2023 | 15:50
Như chúng ta đều biết, với tư cách là một ngành khoa học – kỹ thuật chính xác, đo lường có vai trò vô cùng quan trọng đối với đời sống, sản xuất, nghiên cứu khoa học, an ninh và quốc phòng. Không có đo lường chính xác, tiêu chuẩn phù hợp, chúng ta sẽ không có chất lượng sản phẩm, không đảm bảo được công bằng trong thương mại, không đảm bảo được sự trong sạch của môi trường và sức khoẻ của người dân, không phát triển được khoa học – công nghệ, không thể đạt được mục tiêu năng suất, chất lượng, hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế quốc dân.
Ngày 20 tháng 01 năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 08/SL quy định thống nhất đo lường theo hệ mét, đặt nền tảng pháp lý vững chắc cho hệ thống đo lường của nước ta. Trong giai đoạn này mặc dù bận trăm công ngàn việc xong Chủ tịch Hồ Chí Minh thường lưu ý độ chuẩn xác trong việc xác định đơn vị đo lường. Trong một lần nói về diện tích và sản lượng, Người lưu ý: “Định diện tích và sản lượng cho thật đúng là cốt để đồng bào, nông dân đóng góp cho công bằng, hợp lý, do đó mà giúp sức vào việc xây dựng nước nhà”
Tiếp theo đó, ngày 26 tháng 12 năm 1964, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ký Nghị định số 186/CP ban hành “Bảng đơn vị đo lường hợp pháp của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Đây là sự kế thừa và nâng lên ở một tầm cao mới Sắc lệnh 08/SL. Bảng đơn vị đo lường hợp pháp của nước ta ban hành theo Nghị định 186/CP được xây dựng hoàn toàn trên cơ sở Hệ đơn vị quốc tế (SI) với gần 100 đơn vị cho 6 đại lượng cơ bản và 66 đại lượng dẫn xuất thuộc các lĩnh vực cơ, điện – từ, nhiệt, quang, âm và phóng xạ. Nghị định 186/CP cũng đồng thời quy định việc thiết lập hệ thống “chuẩn gốc” của đơn vị đo lường hợp pháp, quy định các chuẩn được đặt tại Viện Đo lường và Tiêu chuẩn thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước.
Đo lường có vai trò quan trọng đối với đời sống kinh tế – xã hội. Ảnh ST
Đầu những năm 70, việc đưa các hoạt động đo lường vào nề nếp thông qua việc ban hành những văn bản, luật pháp “gốc” mang tính toàn diện và hoàn chỉnh về quản lý đo lường trở thành một yêu cầu cấp thiết. Ngày 25 tháng 9 năm 1974, Hội đồng Chính phủ đã ký đồng thời hai Nghị định 216/CP và Nghị định 217/CP ban hành “Điều lệ quản lý đo lường” (chung) và “Điều lệ quản lý đo lường trong các xí nghiệp công nghiệp quốc doanh”. Công tác quản lý nhà nước về đo lường ở nước ta từ thời điểm đó đến năm 1990 chủ yếu được thực thi dựa trên cơ sở hai điều lệ này.
Ngày 06 tháng 7 năm 1990, Hội đồng Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Lệnh số 43LCT/HĐNN8 công bố Pháp lệnh đo lường và không lâu sau đó, ngày 13 tháng 4 năm 1991 Hội đồng Bộ trưởng (bây giờ là Chính phủ) đã ban hành Nghị định số 115-HĐBT quy định về việc thi hành Pháp lệnh đo lường. Pháp lệnh đo lường (1990) đề cập đến các vấn đề cốt lõi của quản lý nhà nước về đo lường, như khẳng định nội dung của quản lý đo lường; phân cấp cơ quan quản lý nhà nước về đo lường và nhiệm vụ quyền hạn của cơ quan này; quy định về đơn vị đo lường hợp pháp và hệ thống chuẩn đơn vị đo lường; sản xuất, sử dụng, kiểm định và sửa chữa phương tiện đo; thanh tra nhà nước về đo lường… Đặc biệt Pháp lệnh đã khẳng định quyền tự chủ của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, cơ sở sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học…trong việc quản lý đo lường thuộc phạm vi quyền hạn của mình.
Sau hơn 10 thực hiện Pháp lệnh Đo lường (1990), nền kinh tế thị trường ở nước ta phát triển đa dạng, phong phú và đã mang lại những thành tựu nhất định. Đảng và Nhà nước ta chủ trương tiếp tục thực hiện nền kinh tế thị trường theo định hướng Xã hội Chủ nghĩa có sự điều chỉnh cho phù hợp với tình hình thực tế của xã hội và hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, cơ chế quản lý nhà nước về đo lường cũng cần được cải tiến bổ sung để đáp ứng yêu cầu chung của đất nước. Trên cơ sở đó, ngày 18 tháng 10 năm 1999, Chủ tịch nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã ký Lệnh số 08/L-CTN công bố Pháp lệnh Đo lường (1999). Đồng thời, để cụ thể hóa những quy định trong Pháp lệnh đo lường, ngày 28 tháng 9 năm 2001, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2001/NĐ-CP quy định về hệ thống đo lường hợp pháp của nước ta. Pháp lệnh đo lường (1999) được kế thừa những nội dung cơ bản được quy định trong Pháp lệnh đo lường (1990). Tuy nhiên, Pháp lệnh đo lường (1999 đề cập thêm một số lĩnh vực mới như phân biệt rạch ròi giữa kiểm định và hiệu chuẩn; quy định những đối tượng thuộc diện phải kiểm định và hiệu chuẩn, quy định các cơ quan, tổ chức chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ này. Pháp lệnh đo lường (1999) cũng quy định chặt chẽ những vấn đề về quản lý nhập khẩu phương tiện đo; mở rộng hơn quy định về sản xuất phương tiện đo. Mặt khác, đối với hệ thống cơ quan quản lý nhà nước về đo lường, Pháp lệnh đo lường (1999) không quy định cụ thể, chi tiết như Pháp lệnh đo lường (1990) mà “chỉ định“ Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) là cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về đo lường và giao cho Chính phủ quy định về tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về đo lường các cấp.
Ngày 11 tháng 11 năm 2011, Quốc hội đã thông qua Luật Đo lường thay thế Pháp lệnh đo lường được ban hành năm 1999. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2012. Mục đích cuối cùng của Luật Đo lường là đảm bảo sự công bằng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong mua bán, thanh toán hàng hoá, dịch vụ giữa các tổ chức cá nhân; góp phần thúc đẩy sự phát triển khoa học – kỹ thuật, tiết kiệm tài nguyên, bảo đảm an toàn, bảo vệ sức khoẻ con người, bảo vệ môi trường; thúc đẩy lưu thông hàng hoá và hội nhập kinh tế quốc tế.
Ngoài các văn bản pháp do Chính phủ ban hành nói trên, một hệ thống các văn bản đo lường cấp Bộ cũng được ban hành; các văn bản do cơ quan chuyên trách quản lý nhà nước về đo lường ban hành đã được áp dụng.
Cho đến hiện tại, chúng ta đã xây dựng được một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật bao gồm các Luật, Pháp lệnh, Nghị định và Thông tư hướng dẫn tạo cơ sở pháp lý và kỹ thuật tương đối đầy đủ cho hoạt động quản lý đo lường luôn phù hợp với yêu cầu quản lý kinh tế xã hội trong từng thời kỳ. Quản lý đo lường đồng bộ đối với các khâu sản xuất, nhập khẩu, sử dụng phương tiện đo; phân định các chức năng của hệ thống đo lường (đo lường khoa học và đo lường pháp quyền) để xác định các cơ chế quản lý thích hợp và định hướng phát triển hệ thống kiểm định và hiệu chuẩn phương tiện đo. Tổ chức xây dựng một hệ thống chuẩn đo lường quốc gia đầy đủ, toàn diện hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước.
TS Ngô Thị Ngọc Hà, Viện trưởng Viện Đo lường Việt Nam
KSC Đào Thị Hồng, Trưởng phòng NV&QLKH, Viện Đo lường Việt Nam