Những loại thuốc nếu tự ý dùng dễ gây tai biến

Người viết: Yến Hoa Ngô Kiều - Ngày viết: Thứ Sáu, Tháng Mười Hai 24, 2021 | 10:39 - Lượt xem: 1116

Nhiều người cứ cảm thấy không khỏe là tự ý đi mua thuốc về dùng tuy nhiên có những loại thuốc trở nên nguy hiểm, thậm chí tai biến nếu không theo chỉ dẫn.

Thuốc là con dao hai lưỡi do đó nếu như người bệnh tự ý dùng mà không thông qua thăm khám hay hướng dẫn của thầy thuốc sẽ càng trở nên nguy hiểm hơn, thậm chí còn đe dọa tính mạng. Một trong những loại thuốc người bệnh cần thận trọng khi sử dụng đó là thuốc kháng sinh, thuốc trị tăng huyết áp, thuốc ngủ.

Thuốc kháng sinh

Đây là loại thuốc bị lạm dụng nhiều nhất, trị các chứng bệnh thông thường ngay cả những bệnh mà kháng sinh không có tác dụng. Thuốc kháng sinh có rất nhiều loại. Tùy vào tình trạng nhiễm khuẩn, mức độ bệnh mà bác sĩ sẽ lựa chọn thuốc kháng sinh phù hợp, thậm chí phải kết hợp kháng sinh với nhau.

Việc tự ý dùng thuốc kháng sinh mà không có chỉ định của bác sĩ dễ xảy ra các tình trạng: Dùng thuốc không đúng bệnh (dùng kháng sinh trị các bệnh do nhiễm virus như cảm lạnh, cảm cúm…, trong khi kháng sinh không diệt được virus), dùng kháng sinh mạnh khi chưa cần thiết; dùng kháng sinh không đúng vi khuẩn nhạy cảm… làm cho bệnh không khỏi mà còn gây lãng phí thuốc, tốn kém tiền bạc và nguy hiểm hơn là gây kháng thuốc. Nhiễm trùng kháng thuốc có thể nặng và đe dọa tính mạng. Người bệnh thậm chí sẽ tử vong bởi những nhiễm khuẩn thông thường nhất.

 Sử dụng thuốc cần thận trọng kẻo dễ tai biến. Ảnh minh họa

Người dùng có thể gặp bất lợi do thuốc gây nên. Nhẹ thì buồn nôn, nôn, tiêu chảy… nặng hơn như sốt, nhiễm nấm, nhạy cảm với ánh sáng, đổi màu răng nghiêm trọng như thay đổi trong máu (giảm bạch cầu làm tăng nhiễm trùng; giảm tiểu cầu ảnh hưởng tới quá trình đông máu); sốc phản vệ nguy hiểm tính mạng.

Trong những trường hợp hiếm, một số loại kháng sinh có thể gây ra các vấn đề về tim như nhịp tim không đều hoặc huyết áp thấp (một số kháng sinh liên quan đến tình trạng này như terbinafine, erythromycin và một số fluoroquinolon như ciprofloxacin) hay viêm gân, đứt gân (ciprofloxacin).

Thuốc trị tăng huyết áp

Thuốc điều trị tăng huyết áp cũng là thuốc phải kê đơn. Bác sĩ sẽ chỉ định dùng sau khi có kết quả khám bệnh cụ thể trên từng người bệnh. Tùy từng trường hợp cụ thể bác sĩ sẽ cân nhắc, lựa chọn dùng thuốc phù hợp để đạt hiệu quả chữa trị tối ưu nhất, hạn chế thấp nhất rủi ro do thuốc cũng như các tương tác bất lợi với các thuốc dùng cùng (nếu có) hoặc tương tác bất lợi giữa thuốc trị tăng huyết áp với bệnh sẵn có (nếu có ở người bệnh).

Nếu người bệnh tự ý mua thuốc về dùng (qua quảng cáo, mách bảo, thậm chí là dùng đơn thuốc cũ), thiếu sự tư vấn của nhân viên y tế dễ dẫn đến tình trạng phạm vào chống chỉ định của thuốc (điều này rất nguy hiểm), không đúng liều lượng (nếu liều lượng thấp sẽ không kiểm soát được huyết áp, nếu liều lượng cao sẽ gây hạ huyết áp quá mức. Cả hai tình trạng này đều góp phần làm tăng tai biến do huyết áp gây nên).

Có nhiều nguyên nhân gây tăng huyết áp như: bệnh thận, bệnh tuyến giáp, u tuyến thượng thận, do thuốc (thuốc tránh thai, thuốc cảm…), do mang thai… Việc tự uống thuốc sẽ làm mất triệu chứng mà nguyên nhân vẫn không bị phát hiện. Điều này có thể làm tăng nguy cơ biến chứng, thậm chí đe dọa tính mạng.

Thuốc trị mất ngủ

Mất ngủ ngày càng phổ biến. Nhiều người bị mất ngủ đã không đi khám mà tự ý dùng thuốc. Điều này rất không chỉ gặp bất lợi do thuốc và còn dẫn đến tình trạng lệ thuộc thuốc.

Một số loại thuốc ngủ thường dùng như: benzodiazepine (Lunesta, Sonata, Ambien), melatonin, thuốc chống trầm cảm… nhưng các thuốc này không thể dùng tùy tiện, đặc biệt là các thuốc nhóm benzodiazepine.

Các tác dụng phụ thường gặp của thuốc ngủ như: thay đổi cảm giác thèm ăn, tăng cân, táo bón, khó giữ thăng bằng, buồn ngủ vào ban ngày, khô miệng hoặc cổ họng, suy nhược vào ngày hôm sau, tinh thần chậm chạp hoặc các vấn đề về chú ý hoặc trí nhớ… Điều quan trọng người dùng phải nhận thức được các tác dụng phụ có thể xảy ra của thuốc ngủ để có thể ngừng thuốc và gọi cho bác sĩ ngay lập tức để tránh các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn.

Một số tình trạng sẽ nguy hiểm khi tự ý dùng thuốc ngủ như: Hen suyễn, khí phế thũng, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD)… Thuốc ngủ có thể cản trở quá trình hô hấp bình thường và có thể gây nguy hiểm ở những người mắc bệnh này.

Để tránh được những điều bất lợi trên, người bệnh cần đi khám để có được tư vấn về dùng thuốc đúng cách, nhận biết tác dụng phụ và phòng ngừa nếu chúng xảy ra… giúp cho việc dùng thuốc an toàn và hiệu quả.