Điểm nhấn nổi bật trong hợp tác quốc tế về năng suất chất lượng

Thứ Ba, Tháng Tám 18, 2020 | 9:43

Cùng với việc tăng cường vai trò và vị thế của mình tại Tổ chức Năng suất Châu Á – APO, trong mắt bạn bè quốc tế, Việt Nam đã trở thành đối tác tin cậy, một điểm đến an toàn.

Điều này đã được minh chứng bằng hàng loạt bản ghi nhớ hợp tác (MOU) và các hoạt động hợp tác chuyên môn giữa Tổng cục TCĐLCL và các đơn vị trực thuộc với các đối tác quốc tế trong những năm vừa qua.

Lễ ký MOU hợp tác giữa Tổng cục TCĐLCL và KPC, tháng 8/2019

Điểm nhấn đầu tiên phải kể đến là MOU giữa Tổng cục và Trung tâm Năng suất quốc gia Hàn Quốc (KPC) tháng 8 năm 2019. Được thành lập từ năm 1957, KPC là tổ chức dẫn đầu tại Hàn Quốc trong lĩnh vực đào tạo công nghệ và kỹ thuật, kỹ năng mềm, năng suất với sứ mệnh phát triển kinh tế Hàn Quốc thông qua nâng cao năng suất ở cả ba cấp độ: quốc gia, doanh nghiệp và cá nhân. MOU với KPC còn là minh chứng cho mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Việt Nam và Hàn Quốc, tăng cường hơn nữa quan hệ thương mại song phương giữa hai quốc gia trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm và hỗ trợ lẫn nhau trong lĩnh vực năng suất chất lượng.

Trên cơ sở MOU này, tháng 11/2019, Văn phòng chương trình hợp tác KPC-QTC đã chính thức được khai trương với trụ sở đặt tại Trung tâm Đào tạo Nghiệp vụ Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (QTC) để là nơi cùng triển khai các chương trình đào tạo, tư vấn cho các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam trong các lĩnh vực thế mạnh của hai bên như quản lý chất lượng, đảm bảo và cải tiến chất lượng, nâng cao năng suất, quản lý sản xuất, sản xuất thông minh, v.v…

Chia sẻ tại buổi lễ khai trương Văn phòng Chương trình hợp tác KPC-QTC, ông Noh Kyoo Sung, Chủ tịch KPC nhấn mạnh: “Với việc ra đời Văn phòng này, chúng tôi kỳ vọng không chỉ giúp cải thiện năng suất của các công ty Hàn Quốc mà còn giúp cải thiện chỉ số này của các doanh nghiệp Việt Nam thông qua tạo ra nguồn nhân lực ưu tú. Đồng thời, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp khởi nghiệp, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa 2 nước và thúc đẩy sức cạnh tranh của doanh nghiệp Hàn Quốc và doanh nghiệp Việt Nam”.

Tọa đàm với TÜV SÜD Asia Pacific Pte Ltd giới thiệu với doanh nghiệp Việt Nam về sản xuất thông minh tháng 9/2019. 

Điểm nhấn thứ hai có thể kể đến là một loạt hoạt động hợp tác chuyên môn với các đối tác quốc tế. Đơn cử như trong lĩnh vực sản xuất thông minh, Tổng cục đã hợp tác với Trung tâm Năng suất Đài Loan (CPC), TÜV SÜD Asia Pacific Pte Ltd và IGI Korea, những tổ chức đi đầu về sản xuất thông minh để giới thiệu sản xuất thông minh thông qua các hội nghị, hội thảo và triển khai đánh giá thí điểm mức độ sẵn sàng đối với sản xuất thông minh cho các doanh nghiệp Việt Nam, tư vấn cho các doanh nghiệp tiếp cận và phát triển sản xuất thông minh.

Các hoạt động này được cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam hết sức quan tâm và bước đầu đã giúp phổ biến kiến thức về sản xuất thông minh đến các doanh nghiệp và cơ quan tại Việt Nam. Trong lĩnh vực công nghiệp 4.0 và chuẩn đối sánh, Việt Nam cũng tăng cường học tập các nền kinh tế đi đầu.

Cụ thể, trong năm 2017, Lãnh đạo Tổng cục đã dần đầu đoàn công tác sang học tập kinh nghiệm tại Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc) để học tập kinh nghiệm xây dựng và triển khai mô hình chuẩn đối sánh, chiến lược năng suất, chương trình phát triển công nghiệp 4.0. Kết quả từ chuyến đi đã giúp Tổng cục TCĐLCL chuẩn bị các điều kiện cần thiết, kịp thời tham mưu cho Bộ KH&CN triển khai các nhiệm vụ tổng thể về năng suất nói chung cũng như xây dựng hệ thống chuẩn đối sánh và thực hành tốt về năng suất phục vụ Doanh nghiệp Việt Nam nói riêng theo chỉ đạo của Chính phủ triển khai Nghị quyết 05-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Ngoài các hoạt động kể trên, với vai trò là tổ chức năng suất quốc gia, Viện Năng suất Việt Nam cũng đang nghiên cứu, trao đổi và sắp tới sẽ triển khai các hoạt động hợp tác với Tổ chức Nghiên cứu Khoa học và Công nghiệp thuộc Khối thịnh vượng chung Úc (CSIRO), một tổ chức nghiên cứu khoa học hàng đầu của Chính phủ liên bang Úc và Viện Malik, tổ chức hàng đầu thế giới về cung cấp phương pháp và giải pháp quản lý tổng thể, lãnh đạo và quản trị cấp cao nhằm tăng cường hơn nữa các hoạt động nghiên cứu, đào tạo và tư vấn năng suất trong thời gian tới.

Vai trò và vị thế của Việt Nam trong APO một lần nữa được khẳng định khi tại Nhiệm kỳ 2020-2021, Việt Nam chính thức đảm nhận vị trí Chủ tịch APO. Đây là lần thứ hai sau 24 năm gia nhập, Việt Nam đảm nhận vai trò quan trọng này. Việc đảm nhận vai trò này diễn ra trong bối cảnh hết sức quan trọng vì trong năm nay APO sẽ thông qua tầm nhìn và chiến lược mới và thực hiện nhiều cải cách quan trọng về cơ cấu tổ chức, nhân sự, chính sách để phù hợp với tình hình mới và đặc biệt là để khắc phục các tác động do đại dịch Covid-19 gây ra.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam mang trên mình sứ mệnh hoàn toàn mới có tính lịch sử khi vừa dẫn dắt, điều phối các hoạt động của các nền kinh tế thành viên cùng đoàn kết vượt qua các khó khăn của đại dịch vừa phát triển theo tầm nhìn và chiến lược mới. Để chuẩn bị cho vai trò này, ngay từ đầu năm, Tổng cục TCĐLCL đã triển khai nhiều hoạt động và sáng kiến liên quan, đặc biệt là sáng kiến kết nối và thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và APO trong lĩnh vực năng suất, giới thiệu APO tham gia là đối tác chính của ASEAN trong việc triển khai Sáng kiến ASEAN 2020 về sản xuất thông minh.

Đồng thời, theo đề xuất của Việt Nam với vai trò Chủ tịch APO tại Hội nghị Ban chấp hành APO lần thứ 62 diễn ra ngày 8/6/2020, APO đã ra Tuyên bố chung cam kết về việc đồng hành, hỗ trợ các nền kinh tế thành viên đối phó với đại dịch Covid-19, hướng tới phát triển bền vững, bao trùm và dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo. Các hoạt động và sáng kiến này được Tổng thư ký APO và các nền kinh tế thành viên hết sức ghi nhận, hưởng ứng và tin tưởng vào sự dẫn dắt của Việt Nam trên cương vị mới.

Thanh Sơn