NGƯỜI DÂN QUẢN LÝ ĐƯỢC CHÍNH QUYỀN QUA “THÀNH PHỐ THÔNG MINH”
Thứ Tư, Tháng Mười 25, 2017 | 9:23
Chị Loan chủ quán liên tục than phiền về chuyện đường phố bị chặn để sửa chữa.
Cái sự ấy, nó đuổi bớt khách khỏi quán của chị. “Ngày càng khó sống hơn xưa. Nó đông đúc, đắt đỏ. Tụi trẻ lớn lên thiếu việc làm, không thể nào mua nhà vì giá tăng chóng mặt”, chị nói khi chan nước phở.
Ngồi trước tô phở với ly cà phê sữa đá, tôi tưởng đâu đang nghe câu chuyện của Sài Gòn hay Hà Nội, từ chính giọng Việt Nam. Nhưng đó là Sydney. Chị Loan đã trụ lại ở thành phố này 20 năm, mở quán phở ở khu rốn thành phố. Cũng chuyện ô nhiễm và tắc đường triền miên. Cũng chuyện đa số người dân phải ở xa trung tâm. Họ phải chấp nhận làm việc không đúng chuyên môn chỉ vì một cơ sở gần nhà hơn… Chuyện chặn đường xây tàu điện làm giờ cao điểm rối ren…
Đối với một số người, Sydney là thành phố đáng sống nhất trên trái đất với những khoảng xanh rộng lớn, những vườn bách thảo và bãi biển mà ở đâu trong thành phố cũng chỉ cần đi xe buýt mấy mươi phút là đến nơi. Những người khác lại cho rằng mọi thứ ở thành phố này đều quá đắt đỏ và người ta phải làm việc quá nhiều đến nỗi không thể tận hưởng đầy đủ cuộc sống ở đây.
Sài Gòn hay Hà Nội cũng vậy, có người chê nóng bụi và giao thông hỗn độn. Nhưng những hoạt động kinh tế sôi sục, cơ hội việc làm và các nét văn hóa đặc sắc vẫn thu hút ngày một đông người.
Điều làm tôi ngạc nhiên là bà chủ quán, sau khi rên rỉ chán chê về kinh doanh bị ảnh hưởng do dự án xây đường xe điện trong mấy năm, lại tỏ ra bình tĩnh vì chị hiểu rằng trong tương lai gần, xe điện mới sẽ mang lại cho chị nhiều khách hàng mới. Chị thậm chí còn nhăm nhe mở thêm một của hàng nữa trong khu siêu thị kế bên.
Sydney, cùng các thành phố khác của Australia, đang tham gia một kế hoạch gọi là “Kế hoạch thành phố thông minh” do Chính phủ của Thủ tướng Turnbull đề ra.
Thành phố thông minh dường như là giải pháp để giữ cho thành phố ngày càng trở nên hiệu quả hơn và dễ tiếp cận hơn đồng thời dễ sống hơn với người dân. Chính phủ cũng tuyên bố: “Thành phố trước hết là để cho người dân có thể sống và làm việc, sinh con đẻ cái, nuôi dưỡng người già… một cách dễ chịu nhất”.
Trong kế hoạch xây dựng thành phố thông minh của mình, Sydney đề ra ba trụ cột: Đầu tư thông minh với tài chính được huy động linh hoạt từ nhiều khu vực công – tư khác nhau; hệ thống chính sách thông minh để mọi tầng lớp đều có mặt; sau rốt mới là tận dụng công nghệ.
Khi TP HCM đang gấp rút xây dựng đề án “Thành phố thông minh”, tôi tự hỏi: Thành phố thông minh thực ra là gì?
Hãy nhìn San Francisco của Mỹ, thành phố đứng đầu danh sách những thành phố thông minh nhất trên thế giới. Tại đó, họ nhấn mạnh tầm quan trọng của chất lượng cuộc sống. Họ đưa ra những kế hoạch rất cụ thể và đơn giản như giành lại vỉa hè cho người đi bộ, đảm bảo an toàn cho người đi xe đạp, thu xếp đầy đủ chỗ đỗ ôtô để không gây áp lực cho giao thông trên phố, và giữ cho giá bất động sản không tăng phi mã. Không có chút cao siêu nào.
Điện thoại thông minh được định nghĩa là loại điện thoại có nhiều ứng dụng, làm cho người sử dụng được tiện lợi hơn. Thành phố thông minh là thành phố mà ở đó cư dân có cuộc sống dễ chịu hơn, là khi người dân cảm thấy được an toàn, được tham gia các hoạt động xã hội, trong môi trường xanh sạch đẹp, có vỉa hè để đi bộ và đạp xe, có vườn hoa công viên và khu vui chơi công cộng, có phương tiện giao thông công cộng được bố trí đầy đủ, và có nhà ở cho người dân với giá chấp nhận được.
Thành phố thông minh không phải là câu chuyện về tin học hóa, về “chính quyền điện tử” như cách hiểu của một số vị đang phát biểu trên mặt báo. Đó càng không phải là câu chuyện chính phủ phải bỏ ra bao nhiêu tiền để đầu tư.
Tôi tin, với người dân, thành phố thông minh chính là thành phố mà cách tổ chức hàm chứa sự suy nghĩ và động não thực sự vì một người dân vô danh.
Thông minh là người đi đường không bị rơi xuống cống.
Thông minh là người khuyết tật có đường tiếp cận thông minh với chỗ họ đi, về.
Thông minh là trên đường đi bộ không có một chiếc đinh thò lên, hay miếng gạch vỡ làm du khách bật máu chân.
Thông minh, là khi xây rào chắn vỉa hè để cản xe máy leo lề, người ta tính tới xe lăn, người chống nạng, người mang kính đen và cây gậy trắng.
Thông minh, là có thêm bãi đậu xe nhiều tầng ở gần trung tâm quận nhất, với giá đừng làm đau ví.
Thông minh, là người dân được đi làm, được về nhà đúng giờ, kể cả ngày mưa lớn hay trời chẳng thèm mưa.
Thông minh thật sự hiển nhiên là đặc tính cần hướng đến của mọi thành phố, nhưng nên là một quá trình có kế hoạch lâu dài và hướng về người dân, chứ không phải là một cụm từ khóa thỉnh thoảng lại xuất hiện trong các cuộc họp, cuộc phỏng vấn báo chí.
Chính phủ đã tuyên bố xây dựng thành phố thông minh ở Việt Nam, điều này nên được biến thành ý chí của mọi người. Từ bà chủ tiệm bánh mì thịt đến các chủ tịch tập đoàn kinh doanh, từ em học sinh đến ông bà em và bố mẹ của em… với sự thông minh đơn giản thôi: Vì sự dễ thở hơn của mọi con người.
Thành phố thông minh không gắn với thiết bị thông minh, mà với những con người ra quyết định thông minh.