Nghiện thuốc lá có nguy cơ gây đột quỵ não rất cao
Người viết: Yến Hoa Ngô Kiều - Ngày viết: Thứ Năm, Tháng Hai 24, 2022 | 10:03 - Lượt xem: 1037
Bác sĩ Đỗ Đức Thuần, Khoa Đột quỵ, Bệnh viện Quân y 103 cho biết, kết quả chụp cắt lớp vi tính sọ não cho thấy bệnh nhân bị liệt dây thần kinh sọ não số VII bên phải, rối loạn ngôn ngữ, phát âm khó khăn, không hiểu lời nói. Hình ảnh chụp thấy nhồi máu não vùng thùy thái dương bên trái. Bệnh nhân tiền sử nghiện thuốc lá nhiều năm nay, mỗi ngày đều hút khoảng một bao thuốc. Bác sĩ chẩn đoán ông bị đột quỵ thể nhồi máu não do nghiện thuốc lá.
Một trường hợp khác là người phụ nữ 74 tuổi, cũng nghiện rượu và hút thuốc lá nhiều năm, trung bình mỗi ngày hút hơn một bao thuốc và uống 1/3 lít rượu. Gia đình phát hiện bà bị đột quỵ do đột ngột không nói được, tay chân yếu, đưa tới Bệnh viện Quân y 103 cấp cứu. Kết quả chụp sọ não phát hiện người bệnh đột quỵ thể nhồi máu não.
Theo bác sĩ Thuần, nghiện thuốc lá, hút thuốc số lượng lớn mỗi ngày là yếu tố nguy cơ thúc đẩy đột quỵ ở cả hai bệnh nhân này. Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ vữa xơ động mạch, gây đột quỵ. Với những bệnh nhân tiền sử bị vữa xơ động mạch, thuốc lá thúc đẩy quá trình này nghiêm trọng hơn.
Cả hai bệnh nhân trên nhập viện cùng một ngày với mức độ bệnh tương tự nhau, nhưng nữ bệnh nhân 74 tuổi vào viện sau 4,5 giờ, còn nam bệnh nhân 45 tuổi vào viện sau hai ngày. Do được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân nữ đáp ứng điều trị tốt, hiện bắt đầu nói được các từ đơn. Bệnh nhân nam bỏ lỡ thời gian vàng điều trị nên đáp ứng kém, chỉ cải thiện rất ít. Hiện, anh không hiểu lời và không thể nói.
“Bệnh nhân đột quỵ nếu được cấp cứu trong giờ vàng, tức 4 tiếng rưỡi đầu tiên, và sử dụng thuốc tiêu huyết khối làm tan cục máu đông, cơ hội hồi phục sẽ cao hơn”, bác sĩ cho hay.
Còn theo GS.TS Nguyễn Bá Đức – nguyên Giám đốc Bệnh viện K, Phó Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, nếu người hút thuốc lá nhiều hơn 1 bao/ngày thì nguy cơ đột quỵ tăng lên gấp 4 lần so với mức trung bình, còn hút thuốc ít hơn thì nguy cơ đột quỵ cao gấp đôi so với mức bình thường. Và do đó, việc ngưng hút thuốc từ 2 năm trở lên, nguy cơ đột quỵ bắt đầu giảm xuống và nếu ngưng được 5 năm thì nguy cơ trở về bằng với người không hút thuốc.
Lý giải về việc hút thuốc lá dễ gây đột quỵ, GS Đức cho hay, khi hút thuốc lá, thuốc lào rất nhiều hóa chất khác nhau được hấp thụ vào cơ thể thông qua việc hít phải khói thuốc lá gây ra những thay đổi có hại dài hạn và ngắn hạn cho các mạch máu não. Tốc độ của dòng máu qua mạch máu não thay đổi nhanh chóng ngay sau khi hút thuốc dẫn đến hiệu ứng tiêu cực cho não bộ. Ngoài ra, việc hút thuốc lá thường xuyên sẽ dẫn đến mạch máu não trở nên dễ tắc nghẽn hơn và dễ tạo cục máu đông hơn khi tiếp xúc với nhiều hóa chất trong khói thuốc lá. Khói thuốc lá gây những thay đổi trong nhịp tim và chức năng tim, cuối cùng có thể dẫn đến đột quỵ”- GS Đức cho biết thêm.
“Các nhà khoa học chứng minh rằng hút thuốc gián tiếp cũng có thể làm tăng đột quỵ ở người không hút thuốc nhưng hít phải khói thuốc lá của người hút. Ví như, với người vợ hoặc chồng không hút thuốc, mà thường xuyên tiếp xúc gián tiếp với nồng độ cao của khói thuốc trong nhiều năm, có tần suất độ đột quỵ cao hơn nhiều so với những người không thường xuyên tiếp xúc gián tiếp với khói thuốc lá có tình trạng sức khỏe tương đương”- GS Đức nhấn mạnh.
Để dự phòng đột quy, không nên hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia. Cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, hạn chế ăn quá nhiều đồ ngọt, đồ ăn sẵn, mỡ động vật. Khi phát hiện một trong ba triệu chứng cảnh báo sớm đột quỵ là liệt chi, liệt mặt và liệt vận ngôn, xảy ra đột ngột, gia đình cần đưa bệnh nhân tới bệnh viện càng nhanh càng tốt và ghi nhớ thời gian xảy ra đột quỵ. Nếu không nhớ đột quỵ xảy ra từ thời điểm nào sẽ rất khó khăn cho điều trị.