Nghiên cứu xây dựng hướng dẫn thí điểm áp dụng cấp giấy chứng nhận điện tử và sử dụng mã QR trong hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường
Thứ Năm, Tháng Hai 6, 2025 | 11:04
Sự xuất hiện của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với xu hướng số hóa đang thực sự xuất hiện mạnh mẽ ở mọi lĩnh vực mà trong đó, trọng tâm của Cuộc cách mạng này chính là chuyển đổi số, tích hợp của số hóa, kết nối hay siêu kết nối và xử lý dữ liệu thông minh. Cùng với đó, thế giới đã và đang bước vào kỷ nguyên số đồng nghĩa với việc chúng ta đã, đang và sẽ chứng kiến nhiều sự thay đổi to lớn. Đó là sự chuyển đổi từ thế giới thực sang thế giới ảo, chuyển toàn bộ các hoạt động kinh tế – xã hội lên môi trường số.
Trong vài năm trở lại đây, chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong đo lường nói riêng đã và đang được nhiều quốc gia trên thế giới và trong khu vực chú trọng đẩy mạnh và phát triển. Đặc biệt, kể từ khi đại dịch Covid 19 bùng phát, xu hướng chuyển đổi số càng được chú trọng đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Mục đích của chuyển đổi số trong đo lường là phát triển và phổ biến các yêu cầu cơ bản của hoạt động đo lường liên quan đến số hóa và chuyển đổi số trong đo lường khoa học, đo lường công nghiệp và đo lường pháp định.
Trong bối cảnh hoạt động dựa trên giấy tờ truyền thống đang dần tỏ ra không bắt kịp với nhịp độ phát triển xã hội, bằng việc tận dụng một cách tối đa ưu thế của công nghệ máy tính và Internet, việc chuyển đổi số về đo lường đóng góp mạnh mẽ vào quá trình chuyển đổi số các hoạt động kinh tế – xã hội. Nắm bắt được lợi ích và xu thế này, nhiều quốc gia như Đức, Trung Quốc, Ấn Độ, Phần Lan, Thái Lan,… đã và đang đưa ra giải pháp và từng bước thực hiện các hoạt động chuyển đổi số về đo lường, một trong số đó là việc cấp chứng chỉ hiệu chuẩn điện tử, chứng chỉ hiệu chuẩn số (DCC) và sử dụng mã QR để gắn kèm hoặc thay thế tem kiểm định, hiệu chuẩn để cấp cho phương tiện đo, chuẩn đo lường sau khi thực hiện hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm.
Tại Đức, Đức là một trong những nền kinh tế đi đầu trong hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển đổi số về đo lường, phục vụ mục tiêu chuyển đổi số. Physikalisch-Technische Bundesanstalt (PTB) với tư cách là Viện Đo lường quốc gia của Đức là cơ quan giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển năng lực chuyển đối số về đo lường. PTB và một số viện đo lường quốc gia hàng đầu khuyến nghị phải xây dựng chiến lược chuyển đổi số trong đo lường, đặc biệt là việc ủng hộ những sáng kiến, mô hình triển khai các hoạt động chuyển đổi số đối với những dự án mang tính liên ngành. Một trong số các sáng kiến mà PTB đưa ra là sáng kiến “chứng chỉ hiệu chuẩn số” (Digital Calibration Certificate, DCC). Chứng chỉ hiệu chuẩn số là một cấu trúc thông tin số được chuẩn hóa để sử dụng trong hoạt động hiệu chuẩn. Chứng chỉ hiệu chuẩn số được chấp nhận trong hoạt động quản lý đo lường và được chấp nhận trong hệ thống phân cấp hiệu chuẩn của hạ tầng chất lượng quốc gia. Phiên bản đầu tiên của chứng chỉ hiệu chuẩn số đã được đưa ra từ cuối năm 2017.
Đến cuối năm 2018, một chứng chỉ hiệu chuẩn số hoàn chỉnh được thiết kế cho các thử nghiệm thực tế trong công nghiệp. Năm 2019, chứng chỉ hiệu chuẩn số được giới thiệu rộng rãi tới công chúng trong khuôn khổ hội thảo quốc gia về Chứng chỉ hiệu chuẩn số.
Đến giữa năm 2020, Chứng chỉ hiệu chuẩn số đã được giới thiệu trên toàn thế giới. Chứng chỉ hiệu chuẩn số cho phép các tổ chức có thể trao đổi các chứng chỉ hiệu chuẩn thông qua những nền tảng số. Theo đó, hoạt động đo lường sẽ hỗ trợ các ngành công nghiệp và tổ chức giám định, kiểm định trong việc thực hiện hoạt động đo lường thông minh và đo lường điện tử…
Tại Trung Quốc, với ứng dụng rộng rãi của Internet trên nhiều lĩnh vực, trong đó có đo lường, Trung Quốc đã nhận thấy rằng chứng chỉ hiệu chuẩn điện tử sẽ trở thành xu hướng trong tương lai. Do vậy, Viện Đo lường Quốc gia Trung Quốc (National Institute of Metrology, NIM) cũng đã và đang cải thiện phương pháp và chất lượng dịch vụ kỹ thuật để tăng cường quản lý chứng chỉ. Kỷ niệm Ngày Đo lường Thế giới 20 tháng 5 năm 2020, NIM đã chính thức ra mắt chứng chỉ hiệu chuẩn điện tử. Việc sử dụng các chứng chỉ điện tử sẽ giúp NIM thúc đẩy hơn nữa việc số hóa/điện tử hóa các dịch vụ đo lường; tăng cường quản lý chứng chỉ; nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc; cung cấp dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm một cách hiệu quả, nhanh và chính xác cho khách hàng, đồng thời mang lại sự hài lòng hơn cho khách hàng.
Giấy chứng nhận điện tử do NIM phát hành với các tính năng hợp lệ; toàn vẹn; bảo mật; chống can thiệp, sửa đổi, thoái thác trách nhiệm và có thể truy xuất nguồn gốc có giá trị tương đương với chứng chỉ giấy thông thường. Chúng có thể được đọc và xác thực bằng nhiều thiết bị điện tử khác nhau, đáp ứng nhu cầu cấp thiết của tổ chức, cá nhân về xác thực chứng chỉ bằng cách sử dụng chức năng quét mã QR. Giấy chứng nhận điện tử dễ dàng được lưu và chuyển tiếp qua email và các phương tiện điện tử khác, thuận tiện hơn cho khách hàng.
Việc sử dụng giấy chứng nhận điện tử đã mang lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp và Chính phủ Trung Quốc, đặc biệt là trong đại dịch COVID-19. Thay vì nhận chứng chỉ tại chỗ tại NIM, khách hàng có thể trực tiếp tải xuống và đọc giấy chứng nhận điện tử trực tuyến, giúp cải thiện đáng kể hiệu quả, giảm tiếp xúc với người và tiết kiệm thời gian, đồng thời, cũng giúp giảm chi phí mua giấy, in và dán tem, v.v.
Tại Ấn Độ, ngày 18/5/2021, Hội đồng Công nhận Quốc gia về Phòng thí nghiệm Thử nghiệm và Hiệu chuẩn (National Accreditation Board for Testing and Calibration Laboratories, NABL) của Ấn Độ đã ra thông báo về việc bắt buộc sử dụng mã QR trên các báo cáo thử nghiệm và chứng nhận hiệu chuẩn để kiểm tra việc quá trình thực hiện kết quả thử nghiệm và dữ liệu hiệu chuẩn. Theo quy định của NABL, mã QR phải quét được bằng bất kỳ ứng dụng quét QR nào có sẵn trên thiết bị di động hoặc bất kỳ thiết bị nào để xác thực và sao chép báo cáo thử nghiệm/chứng nhận hiệu chuẩn trực tuyến. Theo NABL, ngoài việc ngăn chặn việc thao túng kết quả thử nghiệm và dữ liệu hiệu chuẩn, quy định mới có thể cản trở việc lưu hành các báo cáo thử nghiệm và chứng nhận hiệu chuẩn giả mạo trên thị trường. Hơn nữa, nó có thể mang lại lợi ích cho người sử dụng. Bên cạnh đó, danh tiếng của các phòng thí nghiệm có thể không bị ảnh hưởng.
Không nằm ngoài xu hướng đó, Việt Nam, với mong muốn nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế, đã và đang không ngừng đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số ở tất cả các ngành, lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực đo lường. Hoạt động chuyển đổi số về đo lường đang ngày càng được quan tâm, coi trọng. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (nay là Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia) nói chung, Vụ Đo lường (nay là Ban Đo lường) nói riêng đã có nhiều cố gắng và đạt được những kết quả bước đầu của quá trình chuyển đổi số như: đã thay đổi hoàn toàn từ phương thức xử lý thủ tục hành chính theo giấy tờ truyền thống sang phương thức điện tử, 100% thủ tục hành chính về đo lường có thể được gửi, tiếp nhận, xử lý và trả kết quả hoàn toàn trên môi trường điện tử; đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu về đo lường sẵn sàng để kết nối, đồng bộ, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia, hệ thống thông tin trong và ngoài ngành TCĐLCL; bản đồ số về đo lường cũng đã bước đầu được hình thành và đang ngày càng được hoàn thiện.
Tuy nhiên, đối với việc cấp chứng chỉ số, chứng chỉ điện tử hay việc sử dụng mã QR để mã hóa, truyền tải thông tin, kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường chưa được hướng dẫn, quy định ở bất kỳ văn bản nào của cơ quan quản lý, cũng như chưa được chấp nhận, thừa nhận của nhiều cơ quan quản lý và người sử dụng. Mặc dù thực tế đã có một số tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường (VD: Trung tâm Kỹ thuật TCĐLCL 3, Viện Kiểm định Công nghệ và Môi trường, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Kỹ thuật & Đo lường Đồng Tâm, các đơn vị kiểm định thuộc ngành điện,…) đã tiến hành nghiên cứu, xây dựng, ứng dụng phần mềm để cấp và quản lý giấy chứng nhận kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm bằng hình thức điện tử hoặc tiến hành gắn mã QR trên giấy chứng nhận, tem kiểm định, hiệu chuẩn cấp cho khách hàng nhằm thuận lợi cho việc kiểm soát, thống kê và truy xuất nguồn gốc, nhưng các hoạt động nêu trên mới mang tính tự phát, chưa đồng bộ, chưa thống nhất. Những thông tin được mã hoá, truyền tải thông qua mã QR hoặc còn sơ sài, chưa có nhiều ý nghĩa hoặc lại bao gồm toàn bộ kết quả kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm của khách hàng. Điều này có thể dẫn đến việc các thông tin, giấy chứng nhận có thể bị giả mạo một cách dễ dàng hoặc vi phạm liên quan đến bảo mật, an toàn thông tin của khách hàng.

Đứng trước tình hình đó, Ban Đo lường đã chủ trì nhiệm vụ nghiên cứu cơ sở lý luận và và thực tiễn để xây dựng hướng dẫn thí điểm áp dụng cấp giấy chứng nhận điện tử và sử dụng tem điện tử phục vụ hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường tại các đơn vị kỹ thuật trực thuộc Tổng cục (nay là Uỷ ban) với sự tham gia của Viện Đo lường Việt Nam, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1, 2, 3 và đã tổ chức áp dụng thí điểm dự thảo Quy chế này. Sau khoảng 3 tháng áp dụng thí điểm, đến nay, Viện Đo lường Việt Nam đã thực hiện cấp hơn 30 giấy chứng nhận hiệu chuẩn điện tử và tem có gắn mã QR trong lĩnh vực khối lượng đáp ứng yêu cầu của dự thảo Quy chế. Các Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1, 2, 3 đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện hạ tầng công nghệ để thực hiện các nội dung mà dự thảo Quy chế đã đặt ra.


Tem hiệu chuẩn gắn mã QR của VMI.
Thông qua đó, các đơn vị cũng nhận thấy rằng việc ban hành Quy chế hướng dẫn là vô cùng cần thiết đối với hoạt động quản lý về đo lường nói chung và việc thực hiện quy định của văn bản quy phạm pháp luật về đo lường tại các đơn vị trực thuộc Uỷ ban nói riêng. Đồng thời, các đơn vị cũng rà soát, đánh giá và chuẩn bị nguồn lực để sẵn sàng cấp giấy chứng nhận kiểm định, hiệu chuẩn điện tử và gắn mã QR trong hoạt động kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường một cách rộng rãi cho các tổ chức, cá nhân trong thời gian tới. Quy chế hướng dẫn này cũng sẽ là cơ sở, căn cứ thực tế để Ủy ban đưa ra những văn bản hướng dẫn, biện pháp quản lý về đo lường phù hợp với thực tế và yêu cầu quản lý trong tương lai, đáp ứng mục tiêu về chuyển đổi số của Chính phủ.
Điều này không chỉ góp phần nâng cao ý thức của các tổ chức kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường trong việc chấp hành quy định của các văn bản quy phạm pháp luật về đo lường, nâng cao chất lượng của hoạt động đo lường mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc lựa chọn, sử dụng tổ chức thực hiện dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường phù hợp, góp phần nâng cao lòng tin của xã hội vào hoạt động đo lường, đồng thời hỗ trợ cơ quan quản lý về đo lường tại Trung ương và địa phương trong việc truy xuất, đối chiếu, kiểm chứng thông tin và thanh tra, kiểm tra tại các tổ chức.
Bích Hạnh – Ban Đo lường