Nghiêm cấm công việc sửa chữa có điện khi không có các dụng cụ, thiết bị bảo đảm an toàn
Thứ Tư, Tháng Một 6, 2021 | 11:12
Mới đây, Thông tư số 39/2020/TT-BCT của Bộ Công thương ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn điện, có hiệu lực thi hành từ 1/6/2021.
Theo Bộ Công Thương, Quy chuẩn này quy định về các biện pháp đảm bảo an toàn khi thực hiện các công việc xây dựng, vận hành, kinh doanh, thí nghiệm, kiểm định, sửa chữa đường dây dẫn điện, thiết bị điện và các công việc khác theo quy định của pháp luật. Quy chuẩn này áp dụng cho tất cả các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện lực, sử dụng điện để sản xuất trên lãnh thổ Việt Nam.
Những người làm việc với công việc có điện phải được đào tạo, huấn luyện phù hợp với thiết bị, quy trình, công nghệ được trang bị. Phương án thi công và biện pháp an toàn phải được phê duyệt trước khi thực hiện.
Về an toàn khi làm việc có điện: Khi làm việc với phần có điện, phải sử dụng trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện bảo vệ thích hợp. Khi làm việc trên hoặc gần phần có điện, nhân viên đơn vị công tác không được mang theo đồ trang sức hoặc vật dụng cá nhân bằng kim loại.
Các biện pháp làm việc với điện cao áp
Khi làm việc với điện cao áp như kiểm tra, sửa chữa và vệ sinh phần có điện hoặc sứ cách điện (vật liệu cách điện khác), nhân viên đơn vị công tác sử dụng các trang bị, dụng cụ cho làm việc có điện, trong trường hợp này khoảng cách cho phép nhỏ nhất đối với các phần có điện xung quanh khác (nếu chưa được bọc cách điện) phải bảo đảm tương ứng theo cấp điện áp công tác của mạch điện quy định ở bảng sau:
Cấp điện áp đường dây (kV) | Khoảng cách cho phép nhỏ nhất (m) |
Từ 01 đến 35 | 0,6 |
Trên 35 đến 110 | 1,0 |
220 | 2,0 |
500 | 4,0 |
Nếu xảy ra tai nạn hoặc sự cố, người chỉ huy trực tiếp và nhân viên đơn vị công tác phải ngừng ngay công việc và tuân thủ các nguyên tắc sau đây: Phải áp dụng các biện pháp thích hợp để ngăn ngừa các tai họa khác và không được đến gần thiết bị hư hỏng nếu có nguy hiểm. Phải sơ cấp cứu người bị nạn và liên hệ ngay với các cơ sở y tế gần nhất.
Đối với trang thiết bị an toàn, bảo hộ lao động: Tất cả nhân viên của đơn vị công tác phải sử dụng đúng và đầy đủ các trang bị an toàn và bảo hộ lao động phù hợp với công việc được giao.
Nghiêm cấm tiến hành các công việc sửa chữa có điện khi không có các dụng cụ, thiết bị bảo đảm an toàn. Cấm sử dụng dụng cụ, thiết bị an toàn và bảo hộ lao động cho công việc sửa chữa có điện quá thời hạn kiểm tra, đã hết hạn sử dụng hoặc có dấu hiệu bất thường.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 1/6/2021.
Theo VietQ