Nghị định về nhãn hàng hoá sửa đổi, bổ sung: Lấy ý kiến 6 nội dung dự thảo quan trọng
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Năm, Tháng Bảy 23, 2020 | 9:47 - Lượt xem: 2511
Hội thảo “Đánh giá 3 năm thực hiện Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa và lấy ý kiến đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung Nghị định 43/2017/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn” vừa được tổ chức ngày 22/7 tại Hà Nội.
Sửa đổi, bổ sung Nghị định 43/2017/NĐ-CP là cần thiết
Theo ông Đỗ Hồng Giang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ KH&CN, tiếp tục triển khai Nghị định số 43/2017/NĐ-CP (Nghị định 43), Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chủ trì xây dựng Thông tư số 05/2019/TT-BKHCN quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 43 nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong việc ghi nhãn hàng hóa, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đồng thời nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về nhãn hàng hóa và đặc biệt bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Thực hiện Nghị quyết số 119/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã chủ trì phối hợp các Bộ, ngành nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 43/2017/NĐ-CP.
Theo ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, thời gian qua, việc quy định liên quan đến ghi nhãn hàng hóa đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp được rõ ràng, minh bạch hàng hóa của mình trước khi đưa hàng hóa lưu thông trên thị trường; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về nhãn hàng hoá; đồng thời góp phần giúp người tiêu dùng lựa chọn thông minh các sản phẩm, hàng hoá trong đời sống, phục vụ nhu cầu thiết yếu và sinh hoạt hàng ngày.
Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý chuyên ngành địa phương trong quản lý về nhãn hàng hoá, đặc biệt là cơ chế trao đổi thông tin, báo cáo, tổng hợp tình hình thực hiện tại địa phương chưa chặt chẽ. Chưa có cơ chế trao đổi thông tin thực hiện quy định về nhãn hàng hóa nhập khẩu giữa cơ quan hải quan và cơ quan quản lý nhà nước về nhãn hàng hóa nên việc phối hợp trong quản lý còn hạn chế, dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp lợi dụng quy định cho phép ghi nhãn phụ để gian lận trong ghi nhãn hàng hóa”, ông Tuấn nhận định.
Chia sẻ tại hội thảo, bà Hoàng Thị Thủy, Cục Giám sát quản lý, Tổng cục Hải quan cũng cho biết, thời gian vừa qua, tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu có diễn biến phức tạp và phổ biến.
“Tình trạng doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất sơ sài, thực hiện các công đoạn lắp ráp, chế biến giản đơn hay có doanh nghiệp nhập khẩu dưới dạng bán thành phẩm về chỉ thực hiện lắp ráp giản đơn hoặc nhập khẩu dưới dạng sản phẩm hoàn chỉnh về chỉ thay đổi bao bì, nhãn mác… đơn cử như Công ty TNHH Xe đạp Excel (Bình Dương). Đây là công ty có 100% vốn đầu tư Trung Quốc đã nhập khẩu 100% linh kiện xe đạp, xe đạp điện, xe lướt điện từ Trung Quốc về Việt Nam để lắp ráp đơn giản ở giai đoạn cuối cùng thành sản phẩm xe đạp, xe đạp điện, xe lướt điện, các linh kiện nhập khẩu về Việt Nam không trải qua bất kỳ công đoạn gia công sản xuất nào khác. Thế nhưng, các sản phẩm trên được xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ, lấy nguồn gốc xuất xứ Việt Nam để được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh hàng hóa Việt Nam”, bà Thủy dẫn chứng.
Theo đó, bà Thủy cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 43 là cần thiết để thắt chặt những kẽ hở về nhãn hàng hóa nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng đồng thời ngăn chặn hành vi mới về gian lận, giả mạo xuất xứ, ghi nhãn không đúng quy định.
Lấy ý kiến 6 nội dung đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định 43
Đề cập đến các nội dung sửa đổi Nghị định 43, ông Trần Quốc Tuấn cho biết, sau khi tổng hợp ý kiến Bộ , ngành địa phương, Ban soạn thảo, tổ biên tập dự kiến 6 nội dung sửa đổi bổ sung Nghị định 43/2017/NĐ-CP.
Thứ nhất, bổ sung thêm phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 43 gồm cả hàng hóa xuất khẩu.
Ngày 20/3/2020 Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính có công văn gửi Bộ Khoa học và Công nghệ trong đó có phản ánh một số vướng mắc liên quan đến ghi nhãn hàng hóa và đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ trình Chính phủ sửa Nghị định số 43, trong đó có nêu: “Nghiên cứu, bổ sung nội dung ghi nhãn hàng hóa đối với hàng xuất khẩu hoặc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thích hợp khác để quy định nội dung này”. Vì hiện nay Điều 1 Nghị định số 43 không điều chỉnh nội dung ghi nhãn đối với hàng hóa xuất khẩu, và không có văn bản quy phạm pháp luật khác điều chỉnh về nội dung này dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý để thực hiện, kiểm tra, xử lý, nhằm ngăn chặn việc sản xuất hàng giả tại Việt Nam để xuất khẩu ra nước ngoài.
Thứ hai, bổ sung nội dung cho phép thể hiện một số ghi nhãn bắt buộc theo phương thức điện tử, để đáp ứng yêu cầu chỉ đạo tại Nghị quyết 01 của Chính phủ, tạo môi trường thuận lợi cho kinh doanh, hội nhập quốc tế, đẩy mạnh áp dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến vào trong sản xuất kinh doanh và quản lý, tạo thuận lợi thương mại, bảo vệ lợi ích quốc gia và quyền người tiêu dùng.
Hiện nay, Nghị định số 43 chưa có quy định cho phép các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh được sử dụng việc ghi nhãn hàng hóa bằng phương thức điện tử. Do đó, cần phải bổ sung thêm nội dung này để tạo hành lang pháp lý cho việc áp dụng công nghệ tiên tiến, ghi nhãn theo phương thức điện tử và truy xuất nguồn gốc hàng hóa.
Đại diện Tổng cục Hải quan nêu ý kiến về những bất cập trong ghi nhãn hàng nhập khẩu.
Thứ ba, bổ sung thêm quy định về nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu.
Cũng trong nội dung kiến nghị của Tổng cục Hải quan có nêu: khoản 1 Điều 10 Nghị định số 43 không quy định rõ nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn gốc hay nhãn phụ nên tại thời điểm làm thủ tục hải quan, cơ quan hải quan gặp khó khăn khi xác định nhãn gốc hay nhãn phụ phải thể hiện nội dung bắt buộc theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 43. Do đó, đề nghị Bộ Khoa học và Công nghệ có quy định cụ thể về việc trên nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu phải thể hiện những nội dung bắt buộc nào khi nhập khẩu và được phép bổ sung những thông tin bắt buộc nào trên nhãn phụ.
Tổng cục Hải quan cũng cho rằng quy định như vậy sẽ tránh được gian lận về xuất xứ hàng hóa vì theo quy định hiện nay, trường hợp nhãn gốc thiếu nội dung bắt buộc thì vẫn được thông quan về kho lưu giữ để bổ sung nhãn phụ trước khi đưa ra lưu thông mà chưa bị coi là vi phạm về nhãn hàng hóa. Do đó, nhiều doanh nghiệp lợi dụng quy định, nhãn gốc thiếu nội dung xuất xứ và bổ sung nhãn phụ với xuất xứ sai lệch nguồn gốc, bản chất của hàng hóa.
Thứ tư, bổ sung nội dung ghi nhãn bắt buộc một số thông tin về thành phần dinh dưỡng đối với một số loại hàng hóa.
Ngày 25/3/2020 Bộ Y tế có Tờ trình số 502/TTr-BYT trình Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị cho sửa đổi, bổ sung quy định ghi thông tin dinh dưỡng trên nhãn hàng hóa của sản phẩm thực phẩm tại Nghị định số 43, trong đó có nêu kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định ghi thông tin dinh dưỡng trên nhãn hàng hóa của sản phẩm thực phẩm được quy định như sau: “Nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa của các thực phẩm đóng gói cần có thêm thông tin về dinh dưỡng (nhãn dinh dưỡng) gồm: Tổng năng lượng; tổng lượng chất béo trong đó có chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa; tổng lượng carbonhydrat; đường; đạm; muối và có so sánh với nhu cầu khuyến nghị hằng ngày”. Nội dung quy định này nhằm bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng trong tình hình hiện nay.
Thứ năm, bổ sung thêm nhóm hàng hóa thực phẩm đóng gói đơn giản phải thể hiện thông tin cần thiết để người tiêu dùng nhận biết.
Qua thực tiễn kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa, nhãn hàng hóa lưu thông trên thị trường, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa nhận thấy đối với các loại hàng hóa đóng gói đơn giản ví dụ như (hoa quả nhập khẩu, thịt đóng gói đơn giản bày bán trong các cửa hàng, siêu thị…) chưa có quy định điều chỉnh việc ghi nhãn hàng hóa hoặc thể hiện thông tin cần thiết. Điều 19 Nghị định số 43 mới chỉ quy định việc thể hiện thông tin đối với hàng hóa dạng rời, hàng đóng gói đơn giản với các loại phụ gia thực phẩm, hóa chất, chứ chưa có quy định đối với thực phẩm đóng gói đơn giản. Đây là một khó khăn trong quá trình thực hiện việc quản lý, do đó cần phải bổ sung thêm nhóm hàng hóa này nhằm minh bạch thông tin với người tiêu dùng, có căn cứ trong việc quản lý và xử lý những hành vi vi phạm về nguồn gốc xuất xứ và chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Thứ sáu, bổ sung thêm nhóm hàng hóa dầu nhờn động cơ, một số nhóm hàng hóa khác cần phải có truy xuất nguồn gốc vào Nghị định để tạo sự thống nhất.
Ông Tuấn cho biết, thực tế trong quá trình quản lý chất lượng dầu nhờn động cơ đốt trong nhận thấy cần phải quy định bổ sung thêm nội dung “số lô sản xuất”, “ngày sản xuất” đối với mặt hàng này để đảm bảo yêu cầu quản lý: lấy mẫu thử nghiệm chất lượng, đánh giá chứng nhận chất lượng và kiểm tra chất lượng hàng hóa đúng với lô hàng kiểm tra, tránh gian lận. Do đó, dự thảo Nghị định bổ sung thêm 02 nội dung ghi nhãn bắt buộc này đối với dầu nhờn động cơ để đảm bảo chất lượng, an toàn sức khỏe cho NTD, chống hàng giả, gian lận và đáp ứng yêu cầu một số thị trường, đối với một số loại hàng hóa bắt buộc phải có dấu hiệu truy xuất nguồn gốc.
Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến của đại diện các bộ ngành, hiệp hội, doanh nghiệp đối với Dự thảo Thông tư nhằm đảm bảo các văn bản được ban hành sẽ áp dụng khả thi và có hiệu quả trên thực tế. Những ý kiến góp ý tại hội thảo sẽ được tổng hợp, tiếp thu để hoàn thiện Dự thảo các văn bản trước khi trình Bộ Khoa học và Công nghệ và Chính phủ.
Bảo Anh