Ngày Tiêu chuẩn thế giới 14/10: ‘Tôn vinh cá nhân, tổ chức làm công tác tiêu chuẩn hóa’

Thứ Tư, Tháng Mười 14, 2020 | 6:39

Với gần 13.000 TCVN, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực khoảng 60 %, hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hiện hành của Việt Nam đã góp phần hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội trong nhiều lĩnh vực.

Để đóng góp nên những kết quả này, đó là sự tận hiến của hàng trăm Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế, ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng. 

Thưa ông, tiêu chuẩn quốc gia có vai trò như thế nào tạo sự thuận lợi cho việc lưu thông hàng hoá giữa các nước, các khu vực?

Tiêu chuẩn có thể là một trong các loại rào cản kỹ thuật đối với thương mại. Nếu tiêu chuẩn của các quốc gia được hài hoà trên cơ sở tiêu chuẩn chung (Tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực) thì rào cản này sẽ được tháo gỡ. Mặt khác, khi các quốc gia đều áp dụng những tiêu chuẩn quốc gia hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực và tiêu chuẩn nước ngoài tiên tiến thì các hoạt động thừa nhận kết quả thử nghiệm và chứng chỉ chất lượng trở nên dễ dàng hơn. Các tiêu chuẩn hài hoà còn là những căn cứ kỹ thuật tin cậy để các quốc gia, các tổ chức dựa vào đó mà tiến hành ký kết các Hiệp định/Thoả thuận thừa nhận lẫn nhau về kết quả công nhận và đánh giá sự phù hợp nhằm tạo sự thuận lợi cho việc lưu thông hàng hoá giữa các nước, các khu vực.

Vì vậy, các tổ chức tiêu chuẩn hóa (TCH) quốc tế, khu vực và các tổ chức TCH quốc gia của các nước thành viên ASEAN, APEC, ASEM,… đã và đang đẩy mạnh hoạt động TCH theo hướng tăng cường hài hoà tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực (TCQT, TCKV). Chấp nhận tiêu chuẩn của các tổ chức TCH quốc tế lớn, có uy tín và ảnh hưởng sâu rộng trên thế giới như ISO, IEC, CODEX, ITU, ASTM,… thành tiêu chuẩn quốc gia, đã và đang được hầu hết các quốc gia trên thế giới thực hiện.

Tại Việt Nam, kết quả hoạt động xây dựng tiêu chuẩn của Việt Nam thời gian qua được thể hiện như thế nào, thưa ông?

Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hiện hành của Việt Nam tính đến hiện tại có gần 13.000 TCVN, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực khoảng 60 %, đã góp phần hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển kinh tế – xã hội trong nhiều lĩnh vực. Năm 2010 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia Nâng cao năng suất chất lượng, sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020 theo Quyết định số 712/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 với mục tiêu xây dựng hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đến năm 2020 có khoảng hơn 12.000 TCVN, tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 60%, việc xây dựng, công bố các TCVN giúp doanh nghiệp có chiến lược sản xuất và kinh doanh hợp lý; giúp doanh nghiệp kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng; thúc đẩy doanh nghiệp công bố hợp chuẩn cho các SPHH, thông qua đó ngày càng có nhiều SPHH có chất lượng cao và ổn định. Tuy chưa có tổng kết, đánh giá chính thức, nhưng mục tiêu này về cơ bản đã được hoàn thành.

Ngày 31/8/2020, Thủ tướng Chính phủ cũng vừa ký Quyết định số 1322/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030. Trong đó, mục tiêu cụ thể về tỷ lệ hài hòa tiêu chuẩn quốc gia với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đặt ra cho giai đoạn 2021-2025 là 65%, giai đoạn 2026-2030 là 70-75%.

Xin ông cho biết những kết quả tiêu biểu cho hoạt động xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia phục vụ yêu cầu quản lý thời gian vừa qua đã đạt được?

Những kết quả tiêu biểu cho hoạt động xây dựng TCVN phục vụ yêu cầu quản lý có thể kể đến là: TCVN về sản phẩm dầu mỏ phục vụ lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải theo Quyết định 49/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; các TCVN về hiệu suất năng lượng điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt, bóng đèn, động cơ điện, ô tô con dán nhãn năng lượng, áp dụng mức hiệu suất năng lượng tối thiểu; các TCVN về đô thị thông minh, lưới điện thông minh, sản xuất thông minh; các TCVN về cơ khí theo Quyết định số 319/QĐ-TTg về chiến lược phát triển ngành cơ khí; TCVN phục vụ công nghiệp hỗ trợ: Da, giầy, dệt may, cơ khí đáp ứng Nghị định 111/2015/NĐ-CP; TCVN về Vàng phục vụ quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ; các TCVN về sữa phục vụ xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Sữa công thức của Bộ Y tế; các TCVN về quản lý môi trường; các TCVN về an toàn điện phục vụ hài hòa tiêu chuẩn trong ASEAN…

Định hướng phát triển hệ thống tiêu chuẩn quốc gia trong giai đoạn tiếp theo phải phù hợp với chiến lược phát triển phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, do đó trong giai đoạn tới cần xây dựng các TCVN để tạo nền tảng kết nối trong sản xuất thông minh, gồm các tiêu chuẩn cơ bản về hạ tầng cơ sở vật chất, tiêu chuẩn kỹ thuật về thiết bị thông minh, nhà máy thông minh, dịch vụ thông minh, phần mềm công nghiệp, dữ liệu lớn và công nghiệp internet,… làm cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc thúc đẩy sản xuất thông minh ở Việt Nam.

Các Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia có vai trò như thế nào trong hoạt động tiêu chuẩn hóa tại Việt Nam?

Để có được các kết quả trên có sự đóng góp của các Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia đã tham gia vào quá trình xây dựng các TCVN. Hoạt động của Ban kỹ thuật tiêu chuẩn của Việt Nam đã được thực hiện từ năm 1993 theo Quyết định số 46/QĐ-TĐC ngày 19 tháng 3 năm 1993 Quy chế tạm thời về hoạt động của Ban kỹ thuật. Đến năm 2007, thực hiện Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành Quyết định số 22/2007/QĐ-BKHCN ngày 28 tháng 9 năm 2007 về Quy chế tổ chức và hoạt động của Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia.

Hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) đã thành lập được 139 Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia và 54 tiểu ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia gồm hơn 1.100 chuyên gia là các giáo sư, tiến sỹ, các nhà quản lý hàng đầu trong những lĩnh vực chuyên môn sâu thuộc các cơ quan quản lý chuyên ngành, viện nghiên cứu, giảng viên các trường đại học, phòng thử nghiệm, nhà sản xuất, các Hội, Hiệp hội ngành nghề … tham gia xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia và tham gia xây dựng các Tiêu chuẩn quốc tế trong nhiều lĩnh vực.

Đến nay Việt Nam là thành viên chính thức (thành viên P) của 20 Ban kỹ thuật và tiểu Ban kỹ thuật quốc tế ISO và IEC (trong đó có 17 Ban kỹ thuật và tiểu Ban kỹ thuật quốc tế của ISO và 3 Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế IEC); tham gia với tư cách thành viên quan sát (thành viên O) đối với 62 Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế của ISO. Ngoài ra, Việt Nam còn tham gia rất tích cực trong quá trình xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn của Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm CODEX….

Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng vinh danh những Ban kỹ thuật, trưởng Ban kỹ thuật, doanh nghiệp tiêu biểu có nhiều đóng góp cho hoạt động tiêu chuẩn trong thời gian vừa qua. 

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm hoạt động tiêu chuẩn hóa quốc tế, ông có chia sẻ gì về sự đóng góp của những cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này tại Việt Nam?

Ngày 14/10 hàng năm đã được ba tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế hàng đầu là ISO, IEC, ITU thống nhất lựa chọn là Ngày Tiêu chuẩn Thế giới. Đây là ngày hội của những người làm công tác tiêu chuẩn trên toàn thế giới. Nhân ngày Lễ kỷ niệm đặc biệt này, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng mong muốn được bày tỏ sự tri ân đối với những đóng góp to lớn của các Ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia, các chuyên gia, các doanh nghiệp đã luôn nỗ lực không ngừng nghỉ, đóng góp trí tuệ, công sức, tâm huyết cho sự nghiệp tiêu chuẩn hóa quốc gia.

Những thành quả mà chúng ta có được ngày hôm nay là có sự đóng góp to lớn của hàng ngàn cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong mọi mặt của đời sống, kinh tế, xã hội… có những người được nêu tên, đăng ảnh và cũng có những người luôn âm thầm cống hiến, hỗ trợ, hướng đến một mục tiêu chung là xây dựng một nền tảng tiêu chuẩn hóa phục vụ đắc lực nhất, thiết thực nhất cho hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh được thuận lợi, nâng cao năng suất, khả năng cạnh tranh đồng thời vẫn theo kịp được những tiến bộ của thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Tuy không thể kể hết ra đây những đóng góp của tất cả các chuyên gia, các ban kỹ thuật hay doanh nghiệp nhưng nhân sự kiện này, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng muốn được giới thiệu và vinh danh những BKT, trưởng BKT, doanh nghiệp tiêu biểu có nhiều đóng góp cho sự nghiệp tiêu chuẩn trong thời gian vừa qua.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo VietQ