Ngày hội truyền thống của những người làm công tác tiêu chuẩn trên toàn cầu

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Ba, Tháng Mười 6, 2020 | 8:59 - Lượt xem: 1035

Ngày Tiêu chuẩn Thế giới lần đầu tiên được tổ chức Tiêu chuẩn hóa Quốc tế (ISO) tổ chức vào 14/10/1970 và được mở rộng ra cho cả các thành viên của Ủy ban Kỹ thuật Điện Quốc tế (IEC) và Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU).

Từ đó tới nay, cứ đến dịp này, gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ là thành viên của ISO, IEC, ITU cùng tổ chức kỷ niệm với các hình thức phong phú đa dạng khác nhau để vinh danh những nỗ lực của hàng ngàn chuyên gia trên khắp thế giới chia sẻ bí quyết và chuyên môn của họ để phát triển các tiêu chuẩn quốc tế nhằm thúc đẩy thương mại, phổ biến các kiến thức và tiến bộ khoa học công nghệ. Ngày Tiêu chuẩn thế giới được coi là ngày hội truyền thống của những người làm công tác tiêu chuẩn hoá trên toàn cầu.

Lễ kỷ niệm Ngày Tiêu chuẩn Thế giới năm 2019 và vinh danh các thành viên Ban kỹ thuật TCQG, các doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho hoạt động tiêu chuẩn hoá.

Tiêu chuẩn quốc tế đại diện cho quan điểm chung của các chuyên gia hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực công nghiệp khác nhau, như các lĩnh vực năng lượng và năng lượng cho giao thông vận tải, hệ thống quản lý, biến đổi khí hậu, y tế, an toàn, công nghệ thông tin và truyền thông… Họ tình nguyện đóng góp tri thức của mình để phục vụ cho lợi ích chung, họ đến với nhau để tạo ra các tiêu chuẩn từ đó cung cấp cho doanh nghiệp, chính phủ và xã hội một nền tảng vững chắc cho sự thay đổi tích cực.

Tiêu chuẩn quốc tế dành cho các sản phẩm và dịch vụ được xây dựng từ nền tảng chất lượng, sinh thái, an toàn, tin cậy, hiệu suất và hiệu quả. Các tiêu chuẩn này mang đến cho các nhà sản xuất niềm tin vào khả năng vươn tầm tới thị trường toàn cầu với đầy đủ kiến thức thiết yếu giúp sản phẩm có thể cạnh tranh trên trường quốc tế.

Có được điều này bởi vì các tiêu chuẩn quốc tế mang đến sự tương hỗ, chính sự tương hỗ đã tạo ra lợi thế kinh tế nhờ quy mô và đảm bảo rằng người sử dụng có thể có được các dịch vụ như nhau ở bất kỳ nơi nào họ đến. Chính vì vậy, các tiêu chuẩn quốc tế mang lại lợi ích như nhau cho khách hàng, nhà sản xuất và nhà phân phối. Quan trọng hơn, ở các quốc gia đang phát triển, điều này thúc đẩy việc triển khai những sản phẩm và dịch vụ mới và khuyến khích phát triển kinh tế.

Các quốc gia lồng ghép tiêu chuẩn quốc tế trong các chính sách và các quy định của quốc gia để có thể bảo vệ tốt hơn người dân của mình và cung cấp một sự lựa chọn lớn các sản phẩm chất lượng từ khắp nơi trên thế giới. Họ cũng cung cấp cho ngành công nghiệp cơ hội để thâm nhập thị trường mới, thúc đẩy nền kinh tế.

Theo thông lệ, mỗi năm, ba tổ chức tiêu chuẩn hoá hàng đầu thế giới ISO, IEC và ITU đều thống nhất đưa ra một chủ đề với các mục tiêu khác nhau. Chủ đề ngày 14/10/2020 là “Tiêu chuẩn giúp bảo vệ hành tinh”, nhấn mạnh công việc mà ba tổ chức đã thực hiện để bảo vệ hành tinh. Hàng nghìn tiêu chuẩn được công bố mỗi năm giúp tiết kiệm năng lượng, chuẩn bị cơ sở cho việc sử dụng và tích hợp năng lượng tái tạo vào lưới điện và mở đường cho các quá trình kinh tế tuần hoàn, bao gồm tái chế và tái sử dụng vật liệu. Tiêu chuẩn cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng các hình thức giao thông ít ô nhiễm hơn, chẳng hạn như xe điện hoặc xe lửa và xe điện chạy bằng hydro. Các thành phố thông minh dựa trên các tiêu chuẩn để chiếu sáng sử dụng năng lượng hiệu quả, hệ thống di chuyển mới và quản lý chất thải,… Khi tất cả chúng ta đều nỗ lực giảm lượng khí thải cacbon nhằm ngăn chặn biến đổi khí hậu, một trong những Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc, các tiêu chuẩn sẽ luôn có mặt để giúp chúng ta thành công.

Hưởng ứng Thông điệp năm nay và kỷ niệm tròn 50 Ngày Tiêu chuẩn thế giới, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng – Bộ KK&CN sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm kết hợp với Hội thảo Tiêu chuẩn thúc đẩy tăng trưởng xanh nhằm nâng cao nhận thức, lan tỏa tinh thần tham gia, đóng góp của các bên trong công cuộc bảo vệ môi trường, thúc đẩy việc xây dựng, áp dụng và phát triển các sản phẩm thân thiện môi trường hướng tới phát triển bền vững.

Ngọc Bích