Ngành giấy tăng tốc nhờ tích hợp công nghệ và công cụ cải tiến
Ngày viết: Thứ Tư, Tháng Năm 28, 2025 | 20:22 - Lượt xem: 113
Nhiều doanh nghiệp ngành giấy đã không chỉ dừng ở đầu tư thiết bị, công nghệ tiên tiến mà còn tích hợp hệ thống các công cụ cải tiến nhằm tạo nên nền tảng vận hành linh hoạt, đồng bộ và hiệu quả.
Ngành giấy hiện đóng góp khoảng 1,5% GDP quốc gia. Các phân khúc chủ lực như giấy bao bì, giấy in và giấy vệ sinh đang tăng trưởng nhanh, trong đó giấy bao bì chiếm ưu thế nhờ sự bùng nổ của thương mại điện tử và nhu cầu từ xuất khẩu. Dự báo đến năm 2025, toàn ngành sẽ tiếp tục tăng tốc nhờ phục hồi kinh tế, chính sách sản xuất xanh và tận dụng các hiệp định thương mại tự do như EVFTA. Kim ngạch xuất khẩu giấy và sản phẩm giấy được kỳ vọng tăng 10% so với năm 2024, đặc biệt tại các thị trường Nhật Bản, Trung Quốc và châu Âu.
Ngành giấy đầu tư công nghệ, tích hợp công cụ cải tiến để nâng cao năng suất chất lượng. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, đi kèm với cơ hội là hàng loạt thách thức: biến động giá nguyên liệu, cạnh tranh gay gắt và các tiêu chuẩn môi trường ngày càng khắt khe. Để thích ứng, doanh nghiệp trong ngành đang đẩy mạnh áp dụng các công cụ cải tiến như TPM, TWI, ISO, kết hợp với chuyển đổi số.
Đơn cử tại, Công ty Giấy Hòa Bình (Bình Dương), từng đối mặt với chi phí bảo trì cao và hiệu suất thiết bị thấp. Nhờ triển khai TPM với sự hỗ trợ từ Trung tâm SIDEC, công ty đã xây dựng nhóm bảo trì tự quản, đào tạo công nhân theo nguyên tắc 5S. Sau 6 tháng, chi phí bảo trì giảm 20%, năng suất tăng 15%, hiệu suất vận hành cải thiện rõ rệt, và hình thành văn hóa sản xuất chủ động.
Tại Công ty CP Giấy Hoàng Hà (Hưng Yên) đã kết hợp TWI với ISO 9001 để chuẩn hóa thao tác sản xuất. Các bước then chốt như xeo giấy, kiểm tra chất lượng được cụ thể hóa thành phiếu hướng dẫn, giúp rút ngắn thời gian đào tạo công nhân còn 1 – 2 tháng, giảm lỗi thao tác và xây dựng được đội ngũ đào tạo nội bộ ổn định.
Không dừng lại ở các công cụ truyền thống, một số doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ số để tăng tốc cải tiến. Nhà máy giấy Vĩnh Phát (Long An) đã triển khai hệ thống giám sát buồng sấy bằng cảm biến IoT, giúp giảm lỗi bong giấy gần 5%, tăng sản lượng 8% và giảm 12% điện năng tiêu thụ chỉ sau nửa năm.
Việc tích hợp các công cụ cải tiến với công nghệ hiện đại không chỉ mang lại hiệu quả tức thì mà còn đặt nền móng cho sự phát triển bền vững của ngành giấy Việt Nam. Trong bối cảnh hội nhập và yêu cầu chất lượng ngày càng cao từ thị trường quốc tế, đây chính là hướng đi tất yếu để ngành giấy nâng tầm và cạnh tranh toàn cầu.
Duy Trinh