Năng suất xanh – chiến lược nâng cao năng suất gắn liền với bảo vệ môi trường

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Năm, Tháng Chín 8, 2022 | 15:00 - Lượt xem: 367

Năng suất xanh được phát triển như một chiến lược nhằm nâng cao năng suất gắn liền với bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Nâng cao năng suất gắn với bảo vệ môi trường

Hiện nay, biến đổi khí hậu không chỉ là thách thức riêng của một quốc gia mà đã và đang trở thành vấn đề cấp bách trên phạm vi toàn cầu, gây ảnh hưởng đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Mỗi quốc gia, mỗi tổ chức, cá nhân cần có những hành động thiết thực nhằm ngăn chặn những hệ quả từ biến đổi khí hậu. Theo đó, năng suất xanh (Green Productivity – GP) được phát triển như một chiến lược nhằm nâng cao năng suất gắn liền với bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Theo Tổ chức Năng suất Châu Á (Asian Productivity Organization, APO), GP kết hợp các giải pháp, công cụ, kỹ thuật, công nghệ quản lý năng suất và môi trường nhằm giảm tác động đến môi trường của các hoạt động, sản phẩm và dịch vụ của một công ty hoặc tổ chức, đồng thời nâng cao lợi nhuận và lợi thế cạnh tranh. GP công nhận tầm quan trọng của cả môi trường và sự phát triển, đối với bất kỳ chiến lược phát triển nào muốn được bền vững đều cần tập trung vào chất lượng, lợi nhuận và môi trường.

Ngay từ những năm 1988, Trung tâm Năng suất Việt Nam (nay gọi là Viện Năng suất Việt Nam) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã bắt đầu thực hiện Chương trình điểm về năng suất xanh thông qua các dự án do APO tài trợ. Trong đó, nổi bật nhất là việc triển khai các mô hình về năng suất xanh tại cộng đồng ở 20 tỉnh, thành phố trên cả nước (chủ yếu là trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ) đã giúp người dân, doanh nghiệp hiểu về khái niệm, cách tiếp cận và biết cách dùng các công cụ phân tích đánh giá vấn đề, đưa ra lựa chọn ưu tiên…

Giới chuyên gia đánh giá đây là cách làm sáng tạo của Việt Nam trong việc triển khai với các nhóm giải pháp, công cụ vốn dĩ mọi người nghĩ rằng chỉ triển khai được trong khu vực doanh nghiệp sản xuất, nhưng lần đầu tiên được triển khai và áp dụng thành công tại các cộng đồng với kết quả được APO và các thành viên đánh giá cao.

Chất lượng cuộc sống và điều kiện môi trường của người dân đã được cải thiện rõ rệt thông qua việc thực hiện một loạt các giải pháp năng suất xanh như: áp dụng kỹ thuật biogas để giải quyết vấn đề phân người và động vật; xây dựng trạm cấp nước tập trung để đảm bảo cung cấp nước sạch cho người dân; áp dụng kỹ thuật phòng trừ dịch hại tổng hợp để giảm lượng thuốc trừ sâu và phân bón hoá học. Những kết quả và kinh nghiệm thu được từ các dự án rất hữu ích không chỉ đối với việc thúc đẩy phong trào năng suất xanh tại các vùng khác của Việt Nam mà còn trở thành một mô hình sinh động về việc áp dụng năng suất xanh tại cộng đồng cho các quốc gia khác trong khu vực.

Nhiều doanh nghiệp hưởng “trái ngọt”

Trải qua thời gian, nhiều doanh nghiệp tham gia chiến lược CP đã đạt được những hiệu quả nhất định. Điển hình như Công ty Cổ phần Giấy Hiệp Thành. Cụ thể, trong năm 2020, ngành sản xuất bao bì giấy phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, nhu cầu giấy bao bì tại Trung Quốc giảm mạnh bởi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung và sự cạnh tranh gay gắt từ các nước trong khu vực như: Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Malaysia. Điều này dẫn đến giá giấy bao bì trên thị trường trong nước giảm một cách đáng kể. Sản lượng sản xuất và bán ra tuy ổn định, nhưng giá bán ra giảm mạnh, trong khi giá giấy nguyên liệu và các chi phí đầu vào tăng khiến doanh thu sụt giảm nhanh một cách chóng mặt.

Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Giấy Hiệp Thành tin tưởng rằng việc áp dụng các công cụ năng suất chất lượng, với giải pháp cải tiến thân thiện với môi trường như Năng suất xanh sẽ giải quyết được những vấn đề liên quan đến lãng phí. Qua quá trình triển khai, Công ty đã thiết kế và xây dựng kế hoạch tổng thể để triển khai tại công ty. Thực hiện có hiệu quả với các giải pháp khác nhau nhằm tiết kiệm chi phí điện năng như lắp đặt biến tần, bọc bảo ôn cho đường ống, van… của hệ thống phân phối lò hơi; tận dụng triệt để nhiệt khí thải ra từ lò hơi, thu hồi nước ngưng và dùng lại cho nồi hơi; kiểm soát theo dõi định mức chạy, đối chiếu thực tế lượng nguyên liệu chạy và tách các sổ sách ghi chép để định mức giấy tại công đoạn tạo sóng điều chỉnh sản xuất tránh giờ cao điểm cho các thiết bị công suất lớn; đào tạo chuẩn hóa tay nghề cho người lao động giúp giảm tỷ lệ phế phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Với những kết quả ban đầu khả quan, các giải pháp cải tiến thân thiện với môi trường áp dụng tại Công ty Cổ phần Giấy Hiệp Thành đã tiết giảm 4% lượng phế phẩm giấy nguyên liệu đầu vào trung bình sản xuất hàng tháng, giảm chi phí điện năng tiêu thụ, vỏ điều sử dụng tại khu vực lò hơi gần 140 triệu đồng/ năm.

Hay như Công ty TNHH Rau Quả Hùng Hậu, nhờ triển khai GP, trong đó áp dụng cải tiến kỹ thuật vào sản xuất, Công ty đã tiết kiệm thời gian chế biến sản phẩm, tiết giảm chi phí nguyên nhiên vật liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, đem lại lợi ích về kinh tế và môi trường, xã hội. Kết quả ban đầu cho thấy, lượng nước và điện tiêu thụ giảm đến 15%, tiết kiệm từ 33 – 46% lượng phế phẩm, lượng chất thải và chi phí xử lý chất thải giảm đến 10%, năng suất của công nhân tăng lên nhờ vậy mà thời gian làm việc của công nhân tại công đoạn giảm 16,67%.

Có thể nói, những thành công ban đầu trong việc triển khai GP đã giúp nhiều doanh nghiệp được “hưởng trái ngọt”, cũng chính là minh chứng giúp các doanh nghiệp khác nhận thức được rõ hơn vai trò, ý nghĩa của GP trong phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung.

Theo VietQ