Năng suất chất lượng – ‘đòn bẩy’ tăng trưởng cho tổ chức, doanh nghiệp

Thứ Năm, Tháng Mười Một 18, 2021 | 10:28

Để doanh nghiệp tiếp tục phát huy vai trò chủ lực của nền kinh tế và là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, thì doanh nghiệp cần lấy hoạt động quản lý năng suất là chìa khóa và đòn bẩy để tăng trưởng trong giai đoạn hiện nay.

Năng suất – yếu tố quyết định tăng trưởng bền vững

Doanh nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế, là bộ phận chủ yếu tạo ra GDP, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong quá trình hội nhập. Những năm gần đây, hoạt động của doanh nghiệp đã có bước phát triển đột phá, góp phần phát triển sức sản xuất, huy động và phát huy nội lực vào phát triển kinh tế xã hội, góp phần quyết định vào phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Đồng thời, năng suất lao động doanh nghiệp là yếu tố có ý nghĩa quyết định tới tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. Để doanh nghiệp tiếp tục phát huy vai trò chủ lực của nền kinh tế và là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, thì doanh nghiệp cần lấy hoạt động quản lý năng suất là chìa khóa và đòn bẩy để tăng trưởng trong giai đoạn hiện nay.

Bốn trụ cột trong hoạt động quản lý năng suất doanh nghiệp cần tập trung phát triển đó là: Cải tiến năng suất trở thành mục tiêu dài hạn, người lao động là động lực để cải tiến, ghi nhận nỗ lực và chia sẻ thành quả, thiết lập chương trình cải tiến năng suất tại doanh nghiệp.

Thúc đẩy đối mới sáng tạo tạo đột phá về năng suất

Cho đến nay, hầu hết các doanh nghiệp đã nhận thức được tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo để tồn tại và phát triển, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hóa, cạnh tranh quốc tế và cuộc CMCN 4.0. Trong bối cảnh này, doanh nghiệp buộc phải thay đổi không chỉ nhằm thúc đẩy năng suất mà còn là yêu cầu bắt buộc của nhiều doanh nghiệp nếu muốn tồn tại và phát triển trên thị trường. Tư duy về sáng tạo và đổi mới đã có, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng thành công.

Một doanh nghiệp có thể lựa chọn cách thức đổi mới: Tự mình nghiên cứu và phát triển sản phẩm, công nghệ mới, hoặc đưa vào ứng dụng có điều chỉnh một cách hiệu quả các phương pháp và công nghệ mới.

Để bắt nhịp xu hướng này một cách hiệu quả, doanh nghiệp cần chủ động và tích cực quan tâm, thực hiện một số giải pháp như: Đánh giá liên tục nhu cầu của khách hàng và thị trường; Luôn so sánh doanh nghiệp mình với các doanh nghiệp cạnh tranh và doanh nghiệp thành công khác; Đặt mục tiêu cho các đổi mới và cải tiến.

Để có thể đi đúng hướng, chính nó cần có một mục tiêu đổi mới rõ ràng trước khi bắt đầu cuộc hành trình. Đổi mới nên là một phần và phù hợp với các mục tiêu chiến lược tổng thể của tổ chức.

An Hạ