Năng suất chất lượng: Bước chuyển quan trọng để doanh nghiệp tồn tại và phát triển

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Năm, Tháng Mười Một 26, 2020 | 16:42 - Lượt xem: 940

Sau 10 năm triển khai, Chương 712 đã tác động tích cực đến khoa học và công nghệ nói riêng và kinh tế – xã hội nói chung, qua đó nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về năng suất chất lượng, tạo lập cơ sở hạ tầng cho hoạt động năng suất chất lượng, thúc đẩy phong trào năng suất chất lượng và gia tăng giá trị, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Chia sẻ tại Hội nghị Tổng kết chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020″, Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Trần Văn Vinh nhận định, có thể thấy Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm đến doanh nghiệp, coi việc nâng cao năng suất chất lượng, sản phẩm hàng hóa trong doanh nghiệp là bước chuyển hóa quan trọng để doanh nghiệp tồn tại, phát triển và cạnh tranh với thị trường trong nước và quốc tế.

Thông qua chương trình, hàng chục nghìn doanh nghiệp đã được tiếp cận các công cụ quản lý, tiêu chuẩn hiện đại nhất quốc tế hiện nay để tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế, qua đó có thể làm quen và làm việc với đối tác liên quan theo chuẩn mực quốc tế được ban hành tại Việt Nam.

Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Trần Văn Vinh chia sẻ tại Hội nghị.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến để đưa chương trình này sâu rộng hơn nữa vào các doanh nghiệp, hiệp hội, liên minh hợp tác xã… để các đối tượng doanh nghiệp tiếp cận với công cụ quản lý nhiều hơn nữa. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ đào tạo đội ngũ chuyên gia đủ về số lượng và có trình độ chuyên môn ngang tầm khu vực và quốc tế về vấn đề năng suất để triển khai nâng cao năng suất của doanh nghiệp và nền kinh tế”, Tổng cục trưởng Trần Văn Vinh nhấn mạnh.

Chương trình 1322/QĐ-TTG chính là chương trình kế tiếp của Chương trình 712, đây là một trong những cơ hội để doanh  nghiệp Việt Nam tiếp tục nâng cao năng suất chất lượng, sản phẩm hàng hóa và tiếp tục tiếp cận đến các công cụ quản lý tiên tiến nhất trên thế giới.

Từ những lợi thế có sẵn của Chương trình 712, có thể mở rộng tuyên truyền, quảng bá để doanh nghiệp ngày càng tham gia nhiều hơn, cùng với đó, các tổ chức xã hội cũng tham gia để tất cả doanh nghiệp đều có thể tiếp cận đến các công cụ quản lý trong thời gian tới.

Với mục tiêu xây dựng và áp dụng hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng, phát triển nguồn lực để nâng cao năng suất và chất lượng, bên cạnh đó tạo bước chuyển biến rõ rệt về năng suất và chất lượng của các sản phẩm, hàng hóa, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp đóng góp vào sự phát triển kinh tế – xã hội.

 Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định và Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Trần Văn Vinh chuyển giao Bộ sách NSCL cho các Viện, trường, Hiệp hội, doanh nghiệp.

Sau 10 năm triển khai đồng hành cùng doanh nghiệp, bằng sự quyết tâm và nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị, Chương trình 712 đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, tạo tiền đề cho sự vươn lên, khẳng định vị thế của doanh nghiệp Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Các mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình đã hoàn thành về cơ bản. Một số chỉ tiêu đã vượt yêu cầu đặt ra.

Trình bày bài tổng kết thực hiện Chương trình 712 tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Hà Minh Hiệp nhấn mạnh về kết quả mà Chương trình đã đạt được. Theo đó, Chương trình đã tạo dựng được phong trào năng suất chất lượng trong phạm vi cả nước với 07 dự án năng suất chất lượng ngành và 57 dự án năng suất chất lượng địa phương được xây dựng và đồng thời triển khai thực hiện. Hệ thống tiêu chuẩn quốc gia với khoảng 13.000 TCVN (đạt tỷ lệ 60% hài hoà tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực), cùng với 800 QCVN do các Bộ quản lý ngành/lĩnh vực ban hành, bao trùm hầu hết các lĩnh vực kinh tế kỹ thuật là cơ sở để triển khai các hoạt động quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh, thương mại của doanh nghiệp.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Hà Minh Hiệp kỳ vọng Chương trình 1322 sắp tới sẽ góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể, về phát triển hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã xây dựng 8.344 TCVN, 800 QCVN Bộ/ngành và 58 QCĐP, cùng với đó phổ biến cho hơn 5000 doanh nghiệp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Tổ chức 48 khóa đào tạo tiêu chuẩn cơ sở cho hơn 3700 tổ chức.

Về xây dựng mạng lưới tổ chức đánh giá sản phẩm hàng hóa, có 1178 tổ chức được chứng nhận hoạt động, đào tạo khoảng 500 chuyên gia và 09 MRA ký kết về thừa nhận kết quả đánh giá sản phẩm hàng hóa. Về đào tạo năng suất chất lượng, có hơn 1100 khóa đào tạo với gần 40.000 học viên, cùng với đó là hơn 100 chương trình đào tạo, gần 50 đầu sách, hơn 120 tài liệu, sổ tay…

Bên cạnh kết quả đạt được, Phó Tổng cục trưởng Hà Minh Hiệp cũng đề cập một số hạn chế trong quá trình thực hiện chương trình gây ảnh hưởng đến việc đạt mục tiêu đã đề ra như: doanh nghiệp chưa thực sự tích cực, chủ động tham gia vào chương trình, năng lực đội ngũ cán bộ, chuyên gia còn hạn chế; các Bộ/ngành, địa phương chưa quan tâm đúng mực, bên cạnh đó, kinh phí ngân sách nhà nước còn hạn hẹp và định mức chưa phù hợp…

Cũng trong thời gian tới, Phó Tổng cục trưởng Hà Minh Hiệp kỳ vọng Chương trình 1322 kế tiếp Chương trình 712 sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, QCKT, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Hà My