Nâng cao ý thức người tiêu dùng về mũ bảo hiểm đạt chuẩn

Người viết: Nguyen Nam - Ngày viết: Thứ Tư, Tháng Ba 8, 2023 | 15:18 - Lượt xem: 688

Người dân cần chủ động tìm hiểu thêm thông tin về mũ bảo hiểm đạt chuẩn và các quy chuẩn về mũ bảo hiểm đang áp dụng như QCVN 2: 2008 và QCVN 2:2021.

Mũ bảo hiểm kém chất lượng, không đạt chuẩn đặc biệt nguy hiểm đối với người sử dụng. Theo kết quả nghiên cứu của Quỹ phòng chống thương vong châu Á (AIP), tại Việt Nam, ở 2 tỉnh TP.HCM và Thái Nguyên cuối năm 2019, có tới 9/10 mũ bảo hiểm được kiểm tra không đáp ứng các yêu cầu tối thiểu về an toàn khi thực hiện kiểm tra về độ va đập (kiểm tra theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm QCVN2:2008).

Còn theo một nghiên cứu về việc đội mũ không đạt chuẩn ở các nước có thu nhập thấp và trung bình thực hiện năm 2012, có tới 54% mũ bảo hiểm không dán nhãn, tem đạt chuẩn. Trung Quốc là quốc gia có tỷ lệ đội mũ bảo hiểm không đạt chuẩn cao nhất 79,4%, tiếp đến Mexico 71,4%, Pakistan 62,5%, Ấn Độ 61% và Việt Nam 22%.

Theo ông Greig Craft, Chủ tịch Quỹ phòng chống thương vong châu Á, không ít người dân sử dụng mũ bảo hiểm giả vì có chi phí thấp, màu sắc bắt mắt hoặc để đối phó sự kiểm tra của lực lượng chức năng. Nhiều người dùng thậm chí chưa hiểu được tác dụng khác biệt của 2 loại mũ này trong bảo vệ vùng đầu khi xảy ra va chạm.

Ông Greig Craft cho biết, mũ bảo hiểm đạt chuẩn sẽ có một lớp nhựa và lớp xốp EPS giúp làm giảm xung lực đối với vùng đầu nếu chẳng may xảy ra va chạm. Tuy nhiên, đối với mũ bảo hiểm giả hoặc kém chất lượng, chỉ có duy nhất lớp nhựa cứng, khi xảy ra va chạm, lớp nhựa cứng bị vỡ thành những mảnh nhỏ có thể gây tổn thương cho vùng đầu, rất nguy hiểm.

Ảnh minh hoạ

TS Trần Hữu Minh, Chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, kết quả một số cuộc khảo sát cho thấy, tỷ lệ mũ bảo hiểm không đạt chuẩn tại nhiều nơi là 25%, một số đô thị là 40%. Sở dĩ, tình trạng đội mũ bảo hiểm kém chất lượng diễn ra phổ biến, một phần là do những bất cập trong công tác xử lý vi phạm. Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến lỗi vi phạm liên quan đến đội mũ bảo hiểm, trong khi đó, nhân lực của lực lượng chức năng còn hạn chế.

Trên thị trường, xuất hiện nhiều chiếc mũ nhìn bề ngoài có hình thức, màu sắc giống hệt mũ bảo hiểm đạt chuẩn nhưng chỉ có qua thử nghiệm mới phát hiện ra mũ không đạt chuẩn. Điều này rất phức tạp, gây khó khăn và tốn kém chi phí, thời gian cho việc xác định lỗi và xử phạt.

Theo Nghị định 119 năm 2017 của Chính phủ, hành vi bán hàng hóa không có dấu hợp quy hoặc dấu hợp quy không đúng quy định sẽ bị phạt tiền từ 2 đến 5 triệu đồng. Trong khi đó, Nghị định 126 quy định, hành vi bán mũ bảo hiểm chưa được chứng nhận hợp quy chỉ bị phạt tiền từ 2 đến 3 lần giá trị mũ bảo hiểm.

Mặc dù pháp luật đã có quy định cụ thể, tuy nhiên, theo chuyên gia, chế tài xử phạt đối với hành vi buôn bán kinh doanh mũ bảo hiểm không có chứng nhận hợp quy hiện còn quá nhẹ và chưa đảm bảo tính răn đe dẫn đến một số người kinh doanh vẫn có thể bất chấp lợi nhuận để kinh doanh các sản phẩm không đạt chuẩn.

Do đó, để hạn chế tình trạng buôn bán mũ bảo hiểm giả, nhái cần kết hợp nhiều biện pháp, tăng cường hoạt động kiểm tra kiểm soát kinh doanh mũ bảo hiểm. Người dân cũng cần chủ động tìm hiểu thêm thông tin về mũ bảo hiểm đạt chuẩn và các quy chuẩn về mũ bảo hiểm đang áp dụng như QCVN 2: 2008 và QCVN 2:2021. Khi tham gia giao thông phải thực hiện đúng luật lệ giao thông, đội mũ bảo hiểm đúng cách và đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn.

Bên cạnh đó, cần tăng cường và kiên trì thực hiện các hoạt động truyền thông, giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về lợi ích và tác dụng của mũ bảo hiểm đạt chuẩn và đưa ra những hướng dẫn chi tiết về MBH đạt chuẩn. Công tác tuyên truyền hợp lý, hiệu quả chắc chắn tỷ lệ người dân dùng MBH đạt chuẩn cao hơn và từ bỏ MBH không đạt chất lượng. Ông Minh cho rằng, các cơ quan chức năng cũng cần rà soát và nghiêm túc xử lý trường hợp các đơn vị, công ty sản xuất mũ bảo hiểm chất lượng thấp, hạ giá bán để cạnh tranh với những đơn vị sản xuất mũ bảo hiểm chân chính.

Theo VietQ