Nâng cao nhận thức về công tác kê khai tài sản, thu nhập góp phần hiệu quả phòng chống tham nhũng

Người viết: Nguyen Nam - Ngày viết: Thứ Năm, Tháng Một 11, 2024 | 10:01 - Lượt xem: 672

Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 3/1/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản được xem là vấn đề quan trọng trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Bộ Chính trị yêu cầu tăng cường lãnh đạo để thống nhất nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị về việc kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản theo quy định của Đảng, Nhà nước. Qua đó, phát huy tính tự giác, trung thực và ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong việc kê khai tài sản; phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện các quy định của Đảng, Nhà nước về kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản. Xác định việc kê khai, kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập là tiêu chí để đánh giá cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và người đứng đầu.

Ngày 30/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 130/2020/NĐ-CP về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị (Nghị định số 130/2020/NĐ-CP). Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 20/12/2020 và là cơ sở pháp lý quan trọng bảo đảm cho việc triển khai thực hiện công tác kiểm soát tài sản, thu nhập (TSTN) theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018.

Điều 33 Luật PCTN năm 2018 quy định người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai TSTN và biến động về TSTN của mình, của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên. Đồng thời, người có nghĩa vụ kê khai phải kê khai trung thực về TSTN, giải trình trung thực về nguồn gốc của TSTN tăng thêm theo trình tự, thủ tục quy định của Luật PCTN và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc kê khai TSTN. Giải trình nguồn gốc TSTN tăng thêm được hiểu là việc người có nghĩa vụ kê khai tự giải thích, chứng minh về việc hình thành TSTN tăng thêm so với lần kê khai liền trước đó.

Luật PCTN năm 2018 và Nghị định 130/2020/NĐ-CP quy định phương thức và thời kiểm kê khai TSTN phụ thuộc vào địa vị pháp lý và vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn trên với nguyên tắc những người cần phải được kiểm soát TSTN phải có Bản kê khai. Sau đó, tùy thuộc vào vị trí công tác hoặc sự biến động về tài sản mà người đó có trách nhiệm phải kê khai hằng năm hoặc kê khai bổ sung. Cụ thể:

  1. a) Kê khai lần đầu:

Thứ nhất, những người đang giữ vị trí công tác quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 34 của Luật PCTN 2018 (bao gồm: Cán bộ, công chức; sĩ quan Công an nhân dân; sĩ quan Quân đội nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp; Người giữ chức vụ từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước, người được cử làm đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp).

Thứ hai, người lần đầu giữ vị trí công tác quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 34 của Luật PCTN năm 2018.

  1. b) Kê khai bổ sung:

Việc kê khai bổ sung được thực hiện khi người có nghĩa vụ kê khai có biến động về tài sản, thu nhập trong năm có giá trị từ 300.000.000 đồng trở lên. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 của năm có biến động về tài sản, thu nhập, trừ trường hợp đã kê khai hằng năm.

  1. c) Kê khai hằng năm:

Thứ nhất, người giữ chức vụ từ Giám đốc sở và tương đương trở lên. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31 tháng 12.

Thứ hai, người không người giữ chức vụ từ Giám đốc Sở và tương đương trở lên nhưng làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác theo quy định của Chính phủ. Việc kê khai phải hoàn thành trước ngày 31 tháng 12.

Nghị định 130/2020/NĐ-CP quy định chi tiết các vị trí làm công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính công, tài sản công, đầu tư công hoặc trực tiếp tiếp xúc và giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân khác thuộc diện phải kê khai hàng năm bao gồm:

– 13 ngạch công chức và chức danh: Chấp hành viên; Điều tra viên; Kế toán viên; Kiểm lâm viên; Kiểm sát viên; Kiểm soát viên ngân hàng; Kiểm soát viên thị trường; Kiểm toán viên; Kiểm tra viên của Đảng; Kiểm tra viên hải quan; Kiểm tra viên thuế; Thanh tra viên; Thẩm phán.

– Những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số lĩnh vực được xác định trong danh mục tại Phụ lục III được ban hành kèm theo Nghị định 130/2020/NĐ-CP.

– Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

  1. d) Kê khai phục vụ công tác cán bộ:

Thứ nhất, người có nghĩa vụ kê khai quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 34 của Luật PCTN 2018 khi dự kiến bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ khác. Việc kê khai phải hoàn thành chậm nhất là 10 ngày trước ngày dự kiến bầu, phê chuẩn, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, cử giữ chức vụ khác.

Thứ hai, người có nghĩa vụ kê khai quy định tại khoản 4 Điều 34 của Luật PCTN 2018 (Người ứng cử đại biểu Quốc hội, người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân). Thời điểm kê khai thực hiện theo quy định của pháp luật về bầu cử.

(còn tiếp)

Lê Bích Ngọc – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế – Thanh tra