Nâng cao nhận thức quản lý, sử dụng và xử lý rác thải từ sản phẩm là phương tiện bảo vệ cá nhân PPE
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Sáu, Tháng Mười 28, 2022 | 14:56 - Lượt xem: 592
Ngày 27/10/2022, tại Hà Nội, ASTM International Mỹ, Tổng cục TCĐLCL và Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC đã phối hợp tổ chức hội thảo nhằm mục đích nâng cao nhận thức và chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm quản lý và các đề xuất, nghiên cứu khoa học đối với việc quản lý, sử dụng và xử lý rác thải từ các sản phẩm là phương tiện bảo vệ cá nhân PPE.
Chất thải PPE bao gồm các loại PPE đã qua sử dụng, được thải ra môi trường với số lượng lớn, không kiểm soát. Đặc biệt, sau đại dịch COVID-19, do việc sử dụng PPE cho việc phòng chống lây nhiễm bệnh trong cộng đồng, các loại khẩu trang, găng tay, quần áo phòng dịch, tấm chắn… được thải ra với số lượng lớn. Theo ông Lê Đức Thiện, Phó Giám đốc Trung tâm An toàn lao động – Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các loại khẩu trang sử dụng ồ ạt và được thải bỏ bừa bãi ra môi trường. Tính riêng ở Việt Nam, trung bình khoảng 50 triệu người sử dụng/chiếc/ngày thì lượng thải bỏ khẩu trang là 200.000 kg/ngày, chưa tính đến các loại găng tay y tế, quần áo…
Như vậy, thời gian tới nếu các quốc gia chưa đưa ra được giải pháp đối với vấn đề này khi PPE và chất thải nhựa hiện đang được thải vô tội vạ ra môi trường thì rác thải PPE sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hiện tại chưa có giải pháp nào có hiệu quả trong việc kiểm soát và hạn chế tác hại của các loại chất thải này được áp dụng ở Việt Nam. Việc tuyên truyền, vận động, giáo dục liên quan đến vấn đề chất thải PPE và các chất thải nhựa vẫn còn ít và hiệu quả thấp. Hoạt động tái chế PPE và chất thải nhựa có diễn ra ở một số làng nghề nhưng quy mô nhỏ và ô nhiễm. Hiện cũng chưa có nguồn kinh phí tài trợ cho việc nghiên cứu giải pháp xử lý chất thải PPE và các chất thải nhựa.
Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Thời gian vừa qua, các nước có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Canada… đã đưa ra nhiều đề xuất, giải pháp như sử dụng các vật liệu thay thế từ thực vật, tái sử dụng… tuy nhiên, chưa có giải pháp nào thực sự hiệu quả, chưa đưa vào triển khai thực tế do chi phí còn cao.
Từ thực tế đó, Hội thảo đã kết nối các nhà nghiên cứu, cơ quan quản lý, đơn vị sản xuất các sản phẩm PPE trên thế giới nhằm tăng cường hiểu biết, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm liên quan đến sản phẩm PPE, cũng như vòng đời sản phẩm, tác động tới môi trường, tính tuần hoàn, bền vững của sản phẩm nhằm đưa ra bức tranh toàn cảnh trong việc nghiên cứu, sản xuất và xử lý rác thải PPE cho Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Các tổ chức xây dựng tiêu chuẩn tại Việt Nam và Mỹ tiếp tục nghiên cứu để tìm ra giải pháp cho vấn đề này.
Trong khuôn khổ MoU hợp tác giữa Tổng cục TCĐLCL và ASTM International Mỹ, thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục trao đổi, thảo luận để thực hiện nhiều hoạt động góp phần giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường từ không chỉ sản phẩm PPE mà cả sản phẩm pin năng lượng mặt trời – những vấn đề chưa có biện pháp xử lý hiệu quả hiện nay.
Anh Vũ