Nâng cao nhận thức cho sinh viên về năng suất chất lượng

Người viết: Yến Hoa Ngô Kiều - Ngày viết: Thứ Năm, Tháng Năm 23, 2024 | 20:46 - Lượt xem: 241

Trong khuôn khổ Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030, ngày 23/5, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phối hợp trường Đại học Hà Nội tổ chức Tọa đàm Tổng quan về năng suất chất lượng và áp dụng năng suất chất lượng trong các trường Đại học, Cao đẳng.

Tham dự buổi tọa đàm có ông Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, ông Phạm Lê Cường – Phó Chánh Văn phòng Tổng cục, ông Trần Quốc Dũng – Giám đốc Trung tâm Chứng nhận phù hợp và đại diện các Vụ, Viện thuộc Tổng cục.

Ông Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Về phía trường Đại học Hà Nội có bà Nguyễn Thị Cúc Phương – Phó Hiệu trưởng nhà trường, cùng các cán bộ, giảng viên và hơn 200 sinh viên tham dự.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Cúc Phương cho biết, trường Đại học Hà Nội đã thực hiện đảm bảo chất lượng từ nhiều năm nay. Cụ thể năm 2017, thực hiện quy trình ISO 9001:2015, đây là hệ thống quản lý chất lượng với dự án do Viện Năng suất Việt Nam hỗ trợ giúp trường Đại học Hà Nội chuẩn hóa quy trình quản lý trong nhà trường – phần mềm một cửa được xử lý rất nhanh chóng và gọn gàng. Bên cạnh đó, dự án đã giúp mô tả cụ thể, chi tiết vị trí việc làm, mang lại giá trị rất lớn cho nhà trường.

Theo bà Phương, việc thành lập Câu lạc bộ Năng suất chất lượng cũng rất cần thiết trong trường Đại học Hà Nội, hỗ trợ các bạn sinh viên kỹ năng, kiến thức liên quan đến năng suất chất lượng thời gian tới.

Bà Nguyễn Thị Cúc Phương – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Hà Nội.

Chia sẻ về năng suất tại buổi tọa đàm, ông Hà Minh Hiệp – Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho biết, năng suất và chất lượng không phải lúc nào cũng cùng với nhau.

Năng suất thấp sẽ dẫn đến chi phí tăng, hiệu quả mang lại thấp, không khai thác hết năng lực, tái đầu tư thấp – đây chính là vòng tròn năng suất mà bất kì ai cũng mắc phải, chính vì vậy, cần có tư duy, cái nhìn và phương pháp để thoát khỏi vòng tròn năng suất.

Trong ví dụ về tư duy năng suất, ông Hiệp đã dẫn chứng về bàn ăn của Bác Hồ trong nhà sàn Bác Hồ, trên bàn ăn chỉ trải tấm khăn trải bàn ở chỗ Bác dùng bữa để giảm chi phí giặt là. Hay tại nhà sàn Bác Hồ lắp các thanh gỗ xung quanh ở 4 góc để sử dụng làm ghế ngồi khi đông người đến họp. Đây đều là những tư duy về năng suất của Bác từ xa xưa.

Có thể thấy, nếu có tư duy về năng suất sẽ giải quyết tận gốc mọi vấn đề và câu chuyện năng suất là của mỗi con người chúng ta.

Cũng theo ông Hiệp, năng suất là yếu tố sống còn, cần thường xuyên liên tục và không có vạch đích. Ông mong muốn các bạn sinh viên có nhận thức về vấn đề năng suất chất lượng, giúp các bạn có thêm năng lực giúp công việc tốt hơn, nhiều kỹ năng hơn, thậm chí có thể trở thành những người định hướng cho lãnh đạo doanh nghiệp, tổ chức về vấn đề năng suất.

Trong khuôn khổ buổi tọa đàm, ông Phạm Lê Cường – Phó Chánh Văn phòng Tổng cục đã có phần chia sẻ chương trình cho sinh viên về Năng suất chất lượng trong năm 2024.

 Sinh viên đặt câu hỏi tại tọa đàm.

Thời gian qua, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã phối hợp nhiều trường đại học, cao đẳng tại 3 miền Bắc, Trung, Nam tổ chức chương trình tọa đàm về năng suất chất lượng và áp dụng năng suất chất lượng trong các trường đại học nhằm nâng cao nhận thức cho học sinh, sinh viên về năng suất chất lượng và triển khai hiệu quả hơn nữa trong thực tế.

Tại buổi tọa đàm, các bạn sinh viên hưởng ứng rất nhiệt tình và sôi nổi với nhiều câu hỏi đặt ra cho các chuyên gia Tổng cục TCĐLCL.