Nâng cao năng suất lao động không thể thiếu công nghệ
Ngày viết: Thứ Tư, Tháng Năm 21, 2025 | 8:45 - Lượt xem: 118
Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt, làm chủ công nghệ hiện đại được xem là giải pháp trọng tâm giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng suất lao động (NSLĐ), từ đó đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Năng suất luôn được xem là “động cơ” thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và năng lực cạnh tranh của một quốc gia. Theo các chuyên gia kinh tế, khả năng cải thiện mức sống, tăng thu nhập của người dân phần lớn phụ thuộc vào NSLĐ. Một quốc gia chỉ có thể phát triển bền vững nếu sản xuất được nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn với cùng một lượng lao động.
Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để nâng cao NSLĐ.
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm – Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam (Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Quốc gia), Giải pháp cốt lõi để nâng cao NSLĐ là ứng dụng công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, công nghệ vào rất nhanh, nhưng năng lực để làm chủ công nghệ của doanh nghiệp còn rất thấp.
Thực tiễn sản xuất cho thấy, việc gia tăng năng suất không chỉ mang lại lợi ích về chi phí, chất lượng sản phẩm mà còn nâng cao sức cạnh tranh cho doanh nghiệp cả ở thị trường trong nước và quốc tế. Đơn cử như trong nông nghiệp, việc thay thế các công đoạn thủ công bằng máy cấy, máy gặt, máy phun thuốc… đã giúp nông dân tiết kiệm sức lao động, đồng thời gia tăng sản lượng và chất lượng nông sản.
Tương tự, trong công nghiệp, robot, trí tuệ nhân tạo (AI) và hệ thống điều khiển tự động đã làm thay đổi hoàn toàn cách doanh nghiệp sản xuất. Những công việc đơn điệu, lặp lại đã dần được thay thế, đòi hỏi người lao động phải cập nhật kỹ năng, chủ động thích ứng với môi trường làm việc mới.
Dù vậy, một bộ phận lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn chiếm trên 90% tổng số doanh nghiệp cả nước vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, thiếu vốn đầu tư, thiếu nhân lực kỹ thuật. Không ít doanh nghiệp chỉ tiếp cận công nghệ dưới dạng “mua về rồi để đó”, thiếu năng lực vận hành, cải tiến hoặc tích hợp công nghệ mới vào chuỗi sản xuất.
“Cốt lõi vẫn là con người. Một doanh nghiệp có năng lực công nghệ cao cần có đội ngũ cán bộ kỹ thuật giỏi, biết tiếp nhận, làm chủ và cải tiến công nghệ. Chỉ khi doanh nghiệp nâng cao được năng lực làm chủ công nghệ thì công nghệ mới thật sự phát huy hiệu quả trong gia tăng năng suất”, TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.
Để hiện thực hóa mục tiêu nâng cao NSLĐ, Việt Nam cần chiến lược tổng thể hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận công nghệ tiên tiến, đồng thời nâng cao năng lực quản trị, trình độ kỹ thuật cho đội ngũ nhân sự. Bên cạnh đó là các chính sách hỗ trợ đổi mới sáng tạo, khuyến khích nghiên cứu ứng dụng và xây dựng hệ sinh thái công nghệ bền vững.
Duy Trinh