Nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo tại tỉnh An Giang

Thứ Tư, Tháng Ba 22, 2023 | 11:53

Thực hiện Quyết định số 36/QĐ-TTg ngày 11/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang đã phối hợp với Viện Năng suất xây dựng Kế hoạch Nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh An Giang giai đoạn 2022 – 2025 và định hướng đến năm 2030.

An Giang là một trong bốn tỉnh trọng điểm kinh tế vùng ĐBSCL, với vị trí đầu nguồn lưu vực sông Cửu Long có thuận lợi về nguồn nước, khí hậu và quy mô đất sản xuất nông nghiệp lớn (khoảng 298,8 ngàn ha, chiếm tỷ lệ 84,42%) nên có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, trong đó lúa và cá tra là hai sản phẩm chủ lực, nhưng tỉnh An Giang hằng năm cũng chịu ảnh hưởng thiên tai, lũ lụt gây thiệt hại lớn đến sản xuất và đời sống nhân dân.

Giai đoạn 2016-2020, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã đóng góp tích cực trong việc tăng cường hàm lượng KH&CN đối với các sản phẩm chủ lực của tỉnh, góp phần nâng cao giá trị của sản phẩm hàng hóa, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại địa phương. Hoạt động KH&CN trong thời gian qua, đã đóng góp tích cực trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử; góp phần xây dựng và định hướng phát triển đời sống tinh thần của nhân dân, ổn định và phát triển kinh tế – xã hội tỉnh An Giang.

TS. Hà Minh Hiệp - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phát biểu tại Hội thảo

 TS. Hà Minh Hiệp – Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phát biểu tại Hội thảo

Thông qua các đề tài, dự án KH&CN, ngành KH&CN cũng đã hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu ứng dụng, hóa sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm; Hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ KH&CN, đồng thời, cũng đã hỗ trợ tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực ứng dụng các tiến bộ KH&CN mới, tiếp nhận những qui trình, kỹ thuật mới, mô hình mới có thể áp dụng vào thực tiễn sản xuất.

Kế hoạch nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh An Giang đã dần thu hút sự quan tâm đặc biệt của các doanh nghiệp; phong trào năng suất chất lượng ở tỉnh An Giang đã được thúc đẩy hình thành và phát triển.

Thông qua các hoạt động tuyên truyền, tập huấn, nhiều doanh nghiệp đã có sự nhận thức cơ bản về hoạt động nâng cao năng suất chất lượng của đơn vị mình. Một số doanh nghiệp được hưởng lợi trực tiếp từ Chương trình như được hỗ trợ kinh phí tham gia xây dựng áp dụng HTQLCL và công cụ cải tiến năng suất, điều này đã  khích lệ động viên doanh nghiệp mạnh dạn áp dung các giải pháp để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm dịch vụ của mình.

Quan điểm xây dựng Kế hoạch

– Mô hình tăng trưởng mới theo hướng kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu, trong đó tăng trưởng kinh tế dựa nhiều hơn vào tăng năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP), ứng dụng khoa học – công nghệ, đổi mới tổ chức, đổi mới quản lý sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

– Phát triển, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là động lực chính nâng cao năng suất. Thúc đẩy tăng cường nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ mới nhất để tạo ra thay đổi đột phá về năng suất, tiến tới làm chủ công nghệ, tích lũy kiến thức, tự sáng tạo công nghệ. Tăng cường khả năng hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp được xem là nhân tố chính của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia để nền kinh tế thực sự có thể được hưởng lợi từ tiếp cận liên tục kiến thức quốc tế và tiếp nhận được dòng chảy công nghệ thông qua hoạt động thương mại, đầu tư.

– Đồng bộ các chính sách khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo với các chính sách nâng cao năng suất, phù hợp với chính sách phát triển ngành, lĩnh vực và chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, phát triển bền vững, trên cơ sở tuân thủ pháp luật trong nước, bảo đảm lợi ích an ninh quốc gia.

– Thúc đẩy nâng cao năng suất quốc gia cần sự tham gia của tất cả các cấp, các ngành, doanh nghiệp và cộng đồng; Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất định hướng các hoạt động thúc đẩy nâng cao năng suất, trên cơ sở đó các ngành, địa phương và doanh nghiệp phát triển các kế hoạch năng suất phù hợp.

– Năng suất lao động có tương quan chặt chẽ với trình độ giáo dục, năng lực, kỹ năng chuyên môn của người lao động. Phát triển nguồn nhân lực thúc đẩy các hoạt động nâng cao năng suất là yếu tố then chốt trong các kế hoạch và chương trình nâng cao năng suất ở các cấp.

– Phát triển các tổ chức, doanh nghiệp dẫn đầu về năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở các lĩnh vực khác nhau để thúc đẩy, dẫn dắt các tổ chức và doanh nghiệp khác.

Kế hoạch Nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh An Giang giai đoạn 2022 – 2025 và định hướng đến năm 2030 đã đề ra mục tiêu, đến năm 2025 Phấn đấu đạt năng suất lao động bình quân khoảng 7%/năm; Góp phần đạt mục tiêu năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp 45% vào tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh; Xây dựng ít nhất 05 mô hình điểm về cải tiến năng suất, ứng dụng các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất, trong đó ưu tiên đối với các lĩnh vực: sản xuất lúa gạo, chế biến nông sản, thủy sản, cơ khí, dệt may; Hỗ trợ ít nhất 05 doanh nghiệp áp dụng các mô hình cải tiến năng suất, ưu tiên tập trung vào các lĩnh vực: sản xuất lúa gạo, chế biến nông sản, thủy sản, cơ khí, dệt may; Có ít nhất 01 trường đại học/cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đào tạo, bồi dưỡng về năng suất; Có ít nhất 05 chuyên gia năng suất chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế;

Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về năng suất chất lượng cho 50 lượt cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc hệ thống hành chính nhà nước; 100 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý và người lao động của các doanh nghiệp. Mục tiêu định hướng đến năm 2030: Phấn đấu đạt năng suất lao động bình quân trên 7,5%/năm; Góp phần đạt mục tiêu năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp 50% vào tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh; Xây dựng ít nhất 10 mô hình điểm về cải tiến năng suất, ứng dụng các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất; Hỗ trợ ít nhất 10 doanh nghiệp áp dụng các mô hình cải tiến năng suất;

Xây dựng và triển khai chương trình đào tạo năng suất tại 01 trường đại học/cơ sở giáo dục nghề nghiệp năng suất; Có ít nhất 10 chuyên gia năng suất chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc gia hoặc quốc tế; Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về năng suất chất lượng cho cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc hệ thống hành chính nhà nước; cho cán bộ lãnh đạo, quản lý và người lao động của các doanh nghiệp.

Quảng cảnh Hội thảo “Nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh An Giang đến năm 2030”

 Quảng cảnh Hội thảo “Nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh An Giang đến năm 2030”

Nhằm thực hiện các mục tiêu trên, một số giải pháp chủ yếu được đặt ra như sau:

+ Nghiên cứu, tính toán các chỉ tiêu năng suất, xây dựng cơ sở dữ liệu về năng suất, các hoạt động cải tiến năng suất, chia sẻ thông tin, dữ liệu về năng suất phục vụ doanh nghiệp; Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng ban hành cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, mô hình, công cụ cải tiến năng suất mới, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh.

+ Nghiên cứu các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất chất lượng mới, tiên tiến để áp dụng phù hợp cho các doanh nghiệp, các tổ chức trên địa bàn tỉnh; Lựa chọn doanh nghiệp, tổ chức triển khai điểm và nhân rộng mô hình về áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ nâng cao năng suất tiên tiến (ISO 56000, năng suất xanh, cải tiến năng suất tổng thể, thực hành nông nghiệp tốt GAP, thực hành nông nghiệp hữu cơ, công nghệ thông tin, công nghệ số, các mô hình, công cụ cải tiến năng suất …), ưu tiên tập trung vào các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực: sản xuất lúa gạo, chế biến nông sản, thủy sản, cơ khí, dệt may; Hỗ trợ phương pháp đo năng suất, giải pháp nâng cao năng suất cho các doanh nghiệp tham gia các chương trình khoa học, công nghệ.

+ Xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về năng suất, chương trình hướng nghiệp tại trường đại học/cơ sở giáo dục nghề; Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về năng suất chất lượng cho cán bộ, công chức và viên chức của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc hệ thống hành chính nhà nước, các giảng viên năng suất chất lượng, các cán bộ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp và người lao động; Tham gia các khóa đào tạo chuyên gia năng suất chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế.

+ Gắn kết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng trong và ngoài tỉnh, tạo thành kênh trao đổi thông tin về các mô hình cải tiến năng suất, các giải pháp công nghệ, công nghệ thông tin hỗ trợ nâng cao năng suất doanh nghiệp.

Theo Lê Xuân Biên – Viện Năng suất Việt Nam/VietQ.vn