Nâng cao năng suất chất lượng: Yêu cầu sống còn trong bối cảnh mới

Người viết: Nguyen Nam - Ngày viết: Thứ Ba, Tháng Hai 8, 2022 | 9:12 - Lượt xem: 1028

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều biến động, các doanh nghiệp cần tận dụng tốt hơn nữa cơ hội để có thêm đột phá trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhờ nâng cao hiệu quả quản lý, nâng cao năng suất

Trong hơn 10 năm qua, chương trình quốc gia thúc đẩy các hoạt động nâng cao năng suất, chất lượng đã được triển khai và đạt nhiều thành tựu, xây dựng nền tảng về các hệ thống quản lý chất lượng, giải pháp đồng bộ cho việc nâng cao năng suất doanh nghiệp, cũng như xây dựng được văn hoá chất lượng cho các cơ quan dịch vụ hành chính công. Trong bối cảnh dịch Covid-19, mục tiêu nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, đảm bảo chất lượng, nâng cao năng suất càng trở nên cấp bách, là chìa khoá cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Tối ưu được nguồn lực, triển khai giải pháp quản lý hiệu quả, thực chất, sáng tạo là hướng đi cho doanh nghiệp trước thách thức khi đối mặt với dịch Covid-19. Củng cố các nền tảng quản lý chất lượng, tăng năng suất là sự đầu tư dài hạn cho doanh nghiệp, đảm bảo sự phát triển bền vững.

Theo ông Nguyễn Tùng Lâm – Phó Viện trưởng phụ trách Viện Năng suất Việt Nam (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng), Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình 1322) là sự tiếp nối các nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện giải pháp quản lý và nâng cao năng suất chất lượng đã được thực hiện trong hơn 10 năm qua. Các kết quả của giai đoạn trước là minh chứng cho sự hiệu quả của giải pháp quản lý, thực hành nâng cao năng suất cho doanh nghiệp, vì thế việc tiếp tục chia sẻ, phổ biến kinh nghiệm cho các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện các giải pháp này thực sự có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid.

 Viện Năng suất Việt Nam cùng Trường ĐH Ngoại Thương tổ chức Hội thảo giới thiệu “Báo cáo Năng suất Việt Nam năm 2020”

“Chương trình 1322 tạo cơ hội cho doanh nghiệp tự đánh giá lại hiệu quả quản lý, sử dụng nguồn lực trong bối cảnh thách thức về sự thu hẹp thị trường, giảm cầu từ khách hàng và sức ép đổi mới mô hình, phương thức sản xuất kinh doanh.Chương trình 1322 giúp doanh nghiệp củng cố lại lực lượng, dần đổi mới để thích nghi với các điều kiện thị trường ngày càng khó khăn và cạnh tranh”, ông Lâm nhấn mạnh. Ông Lâm cũng cho biết, Chương trình 1322 là cơ hội kết nối các đơn vị quản lý, khu vực nghiên cứu, các trường đại học cùng với doanh nghiệp trong sáng tạo, đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả, chất lượng và năng suất. Sản xuất thông minh – xu thế tất yếu Trong hai năm qua, các doanh nghiệp phải đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có, đặt ra yêu cầu thích nghi, áp lực phải tự thân đổi mới sáng tạo. Trong năm 2022, các xu hướng chuyển đổi này đã đến lúc cho kết quả, cùng với khả năng thích nghi với dịch Covid-19 cao hơn, sẽ tạo các bứt phá cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, thị trường mở rộng hơn cho các sáng kiến, đột phá sẽ có thành công. Quá trình nâng cao năng lực quản lý, đổi mới, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện để doanh nghiệp thu được kết quả tốt hơn về năng suất, chất lượng. Tuy nhiên, năm 2022 doanh nghiệp càng cần bứt tốc hơn nữa, khi các điều kiện thị trường, cơ chế, chính sách hỗ trợ càng rõ nét, chín muồi. Cần tận dụng tốt hơn nữa cơ hội để có thêm đột phá trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhờ nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý, và nâng cao năng suất.

Cùng với đó, đổi mới sáng tạo trong sản xuất là một trong những yêu cầu sống còn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh chịu tác động của đại dịch Covid. Các giải pháp sản xuất, kinh doanh cần linh hoạt, tinh gọn và thực chất hơn. Sản xuất thông minh là hướng tiếp cận quan trọng, là xu thế để các doanh nghiệp thích nghi với điều kiện khó khăn hiện nay. Về dài hạn là hướng đi quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. CMCN 4.0 với những đột phá về công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh. Không chỉ giúp thích nghi với các điều kiện hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn, mà sản xuất thông minh còn là hướng để doanh nghiệp tạo đột phá về quản lý chất lượng, tăng năng suất. Kết hợp hiện đại hoá, tự động hoá, số hoá trên nền tảng phát triển nhanh chóng hạ tầng công nghệ thông tin, là các điều kiện thuận lợi và cơ hội cho doanh nghiệp hiện nay.

Theo VietQ