Nâng cao năng lực đo lường để triển khai Đề án 996

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Sáu, Tháng Ba 25, 2022 | 16:58 - Lượt xem: 2304

Theo ông Trần Quý Giầu – Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Đo lường, chúng ta đã đạt được công nhận 32 chuẩn đo lường, 31 phép đo hiệu chuẩn được thừa nhận quốc tế. Tại địa phương, đã có 49 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch và đề xuất nhu cầu thực hiện Đề án 996…

Năm 2018, Chính phủ đã phê duyệt Đề án 996/QĐ-TTg về nâng cao năng lực đối với hoạt động đo lường, nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập đo lường trong giai đoạn năm 2025 định hướng năm 2030. Chia sẻ về thực hiện một số mục tiêu của Đề án 996, ông Trần Quý Giầu – Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Đo lường (Tổng cục TCĐLCL) cho biết, trong 3 năm, chúng ta đã thực hiện được một số nội dung. Trong đó, thứ nhất, về chuẩn đo lường, hiện đã đạt được công nhận 32 chuẩn đo lường, phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt công nhận 41 chuẩn đo lường.

Tại địa phương đã có 49 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch và đề xuất nhu cầu thực hiện Đề án 996 

Thứ hai, về phép đo hiệu chuẩn, đã đạt 31 phép đo hiệu chuẩn được thừa nhận quốc tế, phấn đấu đến năm 2030 có 300 phép đo hiệu chuẩn được thừa nhận quốc tế;

Thứ ba, cần thống nhất được định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật đo lường từ cấp quốc gia đến các ngành địa phương;

Thứ tư, về chuẩn đo lường và chất chuẩn đo lường, chúng ta cần xây dựng 100 chất chuẩn đo lường, phương tiện đến năm 2025 và phấn đấu đến năm 2030 là 250 chất chuẩn đo lường.

Thứ năm, về chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm về công tác đo lường, đến năm 2025 là 10.000 người và đến năm 2030 là 20.000 người. Đặc biệt, áp dụng chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp trong cả nước đến năm 2025 sẽ là 50.000 và đến năm 2030 là 100.000.

Thứ sáu, về áp dụng bộ tiêu chí quốc gia đến năm 2025 là 1000 và năm 2030 là 2000.

Cũng theo ông Trần Quý Giầu, hiện trạng triển khai thực hiện Đề án 996 hiện nay, Bộ Khoa học và Công nghệ đã phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án 996 về đo lường tại Quyết định số 82/QĐ-BKHCN ngày 16/01/201; phê duyệt danh mục ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trọng tâm cần tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường đến 2025, định hướng đến 2030 tại QĐ số 3807/QĐ-BKHCN 18/12/2019; công bố TCVN 13187:2020 về tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường tại QĐ số 2783/QĐ-BKHCN 13/10/2020; Ban hành Quyết định 510/QĐ-BKHCN ngày 17/3/2021 “Hướng dẫn xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp”.

“Đối với các Bộ, ngành, đã triển khai được một số công việc cụ thể, có 3 bộ là Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương xây dựng và phê duyệt kế hoạch triển khai Đề án 996 về đo lường. Đặc biệt, chúng ta đã đề xuất dự kiến cuối tháng 3/2022, Tổng cục sẽ ký MoU với Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Đến đầu tháng 4, Tổng cục cũng sẽ có kế hoạch ký MoU đối với Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam”, ông Giầu nhấn mạnh.

Tại địa phương, đã có 49 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng kế hoạch và đề xuất nhu cầu thực hiện Đề án 996. Đặc biệt, tại tỉnh Thái Nguyên đang triển khai hỗ trợ xây dựng, tư vấn xây dựng Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp tại 03 doanh nghiệp: Công ty CP Gang thép Thái Nguyên, Công ty xăng dầu Bắc Thái, Hợp tác xã chè Hảo Đạt.

Đây là những mô hình điểm mà Sở KH&CN tỉnh Thái Nguyên mạnh dạn triển khai từ đầu năm 2021. Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký Chương trình hợp tác, hỗ trợ các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên Huế (trong đó có nội dung triển khai Chương trình đảm bảo đo lường tại doanh nghiệp thuộc tỉnh).

 Hà My