Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhờ phương pháp cải tiến liên tục Kaizen

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Tư, Tháng TưTháng Tư 27, 2022 | 14:10 - Lượt xem: 983

 Một trong những chiến lược được nhiều doanh nghiệp thực hiện nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh là thực hành phương pháp cải tiến liên tục Kaizen. Triết lý Kaizen dựa trên quan điểm là cách sống của chúng ta luôn đòi hỏi một số cải tiến nhất định. Do đó, cách tốt nhất để ứng phó với sự gia tăng cạnh tranh toàn cầu là doanh nghiệp tiến hành hoạt động cải tiến liên tục với mục tiêu giảm thiểu lãng phí.

Nhu cầu cải tiến

Khi nền kinh tế thế giới đang hướng tới thị trường toàn cầu, doanh nghiệp không thể tránh khỏi tác động. Toàn cầu hóa khiến các quyết định hoặc hành động kinh doanh tại một khu vực có tác động đáng kể ở các khu vực khác trên thế giới.

Khi thế giới ngày càng kết nối chặt chẽ với nhau hơn, đặc biệt với sự tiến bộ của công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), đã tạo ra mức độ cạnh tranh mới giữa doanh nghiệp trong cùng ngành. Vì vậy, các doanh nghiệp ngành công nghiệp không thể bỏ qua nhu cầu cải tiến hiệu quả hoạt động về chất lượng, chi phí và giao hàng (QCD).

Để doanh nghiệp có thể cạnh tranh thành công, họ cần giảm chi phí, đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu suất giao hàng. Dựa trên nhiều nghiên cứu đã thực hiện, một trong những thách thức lớn nhất mà doanh nghiệp ngành công nghiệp phải đối mặt là mức năng suất thấp.

Một trong những chiến lược được nhiều doanh nghiệp thực hiện nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh là thực hành phương pháp cải tiến liên tục Kaizen 

Do đó, doanh nghiệp có thể thực hành cải tiến liên tục Kaizen giúp giảm chi phí, tăng chất lượng và hiệu suất giao hàng. Mục đích của việc thực hiện Kaizen là cải tiến chi phí, chất lượng, tính linh hoạt. Thông qua đó, doanh nghiệp tập trung vào ba lĩnh vực cải tiến là Muda (lãng phí), Mura (bất hợp lý) và Muri (quá tải) (Imai, 1986).

Các công cụ sử dụng để thực hiện Kaizen, còn được gọi là chiếc ô Kaizen, Kiểm soát chất lượng toàn diện (TQC), Bảo trì năng suất tổng thể (TPM), Cải tiến chất lượng, Tự động hóa, Không sai lỗi (ZD), Kanban, Vừa đúng lúc (JIT)), Nhóm Kiểm soát Chất lượng (QCC) và Hệ thống khuyến nghị (Imai, 1986).

Một trong những chiến lược được nhiều doanh nghiệp thực hiện nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh là thực hành phương pháp cải tiến liên tục Kaizen. Triết lý Kaizen dựa trên quan điểm là cách sống của chúng ta luôn đòi hỏi một số cải tiến nhất định. Do đó, cách tốt nhất để ứng phó với sự gia tăng cạnh tranh toàn cầu này là doanh nghiệp tiến hành các hoạt động cải tiến liên tục với mục tiêu giảm thiểu lãng phí.

Các doanh nghiệp công nghiệp những năm qua đã đóng góp rất lớn vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, doanh nghiệp ngành công nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu… Đây là lúc doanh nghiệp càng cần phải tập trung giảm lãng phí, nâng cao hiệu quả hoạt động, đảm bảo đời sống cho người lao động.

Hiệu quả thực tế

Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã có những thay đổi tích cực sau khi áp dụng Kaizen. Điển hình, Công ty xi măng Nghi Sơn sản xuất và cung cấp dịch vụ theo định hướng thị trường, lấy tiêu chí đáp ứng nhu cầu khách hàng làm nguyên tắc hàng đầu trong quản trị doanh nghiệp, tối đa hóa sự hài lòng của khách hàng. Thấm nhuần tinh thần Kaizen, Xi măng Nghi Sơn không chỉ liên tục nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến điều kiện làm việc mà còn phát huy hoạt động của từng bộ phận, thu thập và truyền tải thông tin hai chiều từ lãnh đạo đến nhân viên.

Một dẫn chứng khác là Công ty Cổ phần may Nam Hà, sau 6 tháng triển khai dự án Kaizen, tỉ lệ hàng sai lỗi đã giảm từ 8,8% xuống 8,1%; hàng tồn trên chuyền giảm 25%; hàng tồn so với năng lực sản xuất giảm trung bình từ 2,37 ngày xuống còn 1,34 ngày; sản lượng bình quân tăng từ 415 sản phẩm lên 899 sản phẩm.

Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã có những thay đổi tích cực sau khi áp dụng Kaizen 

Trong lĩnh vực sản xuất máy móc thiết bị, Công ty TNHH MTV Động cơ & Máy nông nghiệp Miền Nam (SVEAM) cũng đạt nhiều kết quả tích cực nhờ áp dụng triết lý Kaizen. Từ 900 bộ sản phẩm thân máy khâu Juki/ tháng, sau khi liên tục thay đổi quy trình công nghệ gia công mẫu, công ty đã đạt sản lượng 1.700 bộ/tháng.

Cũng áp dụng Kaizen, Nhà máy Đúc VEAM đã cải tiến nhiều khâu như xử lý chất thải, tái sử dụng chất thải, cải tiến phần xuất nhập hàng… Nhờ đó, dây chuyền đúc tự động có thể đi vào hoạt động hết công suất 3 ca/ngày, đáp ứng sản xuất hàng cho xuất khẩu. Ước tính mỗi năm, công ty đã được lợi hàng tỷ đồng nhờ có Kaizen. Với những lợi ích mà Kaizen mang lại, việc áp dụng triết lý này sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng môi trường làm việc thoải mái, thúc đẩy người lao động không ngừng đưa ra sáng kiến cải tiến, từ đó mang đến lợi ích cho doanh nghiệp.

An Hạ