Nâng cao hơn nữa về chất của Giải thưởng Chất lượng Quốc gia
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Ba, Tháng Năm 4, 2021 | 16:12 - Lượt xem: 1017
Sau 25 năm triển khai Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG), có thể thấy Giải thưởng đã tạo nên một phong trào năng suất chất lượng đem lại nhiều giá trị lớn. Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Lê Xuân Định, Chủ tịch Hội đồng GTCLQG đã chia sẻ về những định hướng để lan tỏa giá trị của Giải thưởng trong thời gian tới.
PV: Với vai trò là Chủ tịch Hội đồng GTCLQG, Thứ trưởng có những nhận xét, đánh giá như thế nào về các doanh nghiệp tham dự Giải thưởng?
Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định: GTCLQG là Giải thưởng về Chất lượng của Thủ tướng Chính phủ trao tặng cho các doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động, đồng thời đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội. Qua 25 năm hình thành và phát triển, Giải thưởng đã thu hút sự quan tâm đặc biệt và tạo được uy tín đối với các doanh nghiệp, cơ quan quản lý cũng như người tiêu dùng trong xã hội.
Năm 2020, các doanh nghiệp của Việt Nam đứng trước những thử thách khó khăn chưa từng có trong nhiều lĩnh vực do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của chính mình, với sự đồng hành của Chính phủ, nhiều doanh nghiệp đứng vững và phát triển. Nhiều doanh nghiệp tiếp tục có những thành công về kết quả sản xuất kinh doanh nói chung và năng suất, chất lượng nói riêng. Trong đó, có các doanh nghiệp tiêu biểu được Thủ tướng Chính phủ tặng GTCLQG năm 2019 và 2020. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp thành công về năng suất và chất lượng được tôn vinh, ghi nhận một cách xứng đáng.
Năm 2019-2020, Hội đồng Giải thưởng đã xem xét đề xuất 116 doanh nghiệp đạt Giải, trong đó có 40 doanh nghiệp đoạt Giải Vàng chất lượng. Ngoài ra, còn có 4 doanh nghiệp đạt giải Châu Á – Thái Bình Dương.
Thực tế triển khai GTCLQG những năm qua cho thấy các doanh nghiệp đạt giải hằng năm thực sự là những doanh nghiệp có thành tích nổi bật trong hoạt động sản xuất kinh doanh, có đóng góp tích cực cho cộng đồng và xã hội. Các doanh nghiệp đạt giải đều áp dụng hiệu lực và hiệu quả các hệ thống, công cụ quản lý như ISO 9001, ISO 14001, TQM, GMP, HACCP, 5S, Kaizen… Đây là những đơn vị điển hình, được các tỉnh, thành phố cũng như Bộ KH&CN lựa chọn triển khai áp dụng các hệ thống quản lý tiên tiến và công cụ cải tiến theo Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2010 đến năm 2030.
Tôi hy vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp đủ năng lực, có kết quả hoạt động tiêu biểu đáp ứng các tiêu chí của GTCLQG giúp cộng đồng doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh. Sự gia tăng số lượng doanh nghiệp đáp ứng tiêu chí của GTCLQG sẽ giúp chất lượng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế và cũng là niềm tự hào của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
PV: Trong bối cảnh đại dịch Covid – 19, việc đạt GTCLQG sẽ giúp ích gì cho doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định: GTCLQG đưa vào áp dụng hệ thống tiêu chí có tính chuẩn mực quốc tế về quản lý chất lượng, sản phẩm hàng hóa và năng suất chất lượng. Có 7 hệ tiêu chí chính đánh giá từ đầu vào đến đầu ra từ nguồn nhân lực, tầm nhìn của lãnh đạo, đến cách mở rộng, phát triển thị trường. Nếu áp dụng đồng bộ 7 tiêu chí này, doanh nghiệp sẽ tự soi lại mình, hoàn thiện mình và tìm ra những điểm mạnh cần phát huy.
Vì vậy, cho dù doanh nghiệp có đạt giải hay không đạt giải, nếu áp dụng hệ thống các tiêu chí của GTCLQG chắc chắn sẽ có bước cải thiện rất đáng kể, về mặt quản trị, phát triển lực lượng, tầm nhìn. Đây là những yếu tố đặc biệt quan trọng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 với nhiều khó khăn, thách thức doanh nghiệp phải đặt ra. Vì vậy, chúng tôi cho rằng, khi doanh nghiệp có ý thức tham gia GTCLQG, tự doanh nghiệp đã đặt mình vào trong lộ trình để hoàn thiện tốt hơn, để thích nghi với thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
PV: Thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ có những định hướng thế nào để nâng cao giá trị Giải thưởng và thu hút ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia?
Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định: Thời gian tới Bộ KH&CN sẽ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ đưa các tiêu chí của GTCLQG vào áp dụng rộng rãi tại tất cả các doanh nghiệp thông qua Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030. Mục tiêu giúp ngày càng nhiều doanh nghiệp áp dụng hệ thống này, không chỉ đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp đạt giải mà còn là động lực để các doanh nghiệp chưa đạt giải phấn đấu, tự hoàn thiện mình. Qua đó, nâng cao hơn nữa năng lực của hệ thống doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh mới.
Cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động truyền thông, chia sẻ kinh nghiệm, giá trị từ doanh nghiệp đã đạt giải cho cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng, người dân biết được các sản phẩm chất lượng do các doanh nghiệp điển hình của Việt Nam sản xuất, góp phần thúc đẩy hơn nữa phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Chúng tôi mong muốn, các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan cùng lan tỏa ý nghĩa, giá trị của Giải thưởng để Giải thưởng sẽ phát triển trên bình diện rộng lớn, ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia hơn.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ nâng cao hơn về chất của GTCLQG. Thực sự đây là giải thưởng có uy tín, chất lượng, là giải thưởng cấp cao nhất do Thủ tướng Chính phủ quyết định trao cho doanh nghiệp có thành tích xuất sắc, nổi bật trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa. Đối với các doanh nghiệp đạt GTCLQG, không chỉ được tôn vinh ở lễ trao giải mà còn có các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, với việc tiếp cận và mở rộng thị trường, nâng cao năng suất, chất lượng, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.
Tôi muốn nhấn mạnh, trong bối cảnh mới có 2 điểm Hội đồng GTCLQG cần quan tâm để cải tiến trong thời gian tới, đó là chúng ta đang trong bối cảnh vừa phòng chống dịch Covid -19 vừa phát triển kinh tế – xã hội, bối cảnh thứ hai là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và năng lực đổi mới sáng tạo của chính bản thân doanh nghiệp và nội lực của quốc gia. Hai yếu tố đó cũng cần tích hợp vào hệ thống tiêu chí để xem xét, đánh giá đối với các doanh nghiệp đạt giải.
PV: Có ý kiến cho rằng, GTCLQG là thang đo sức khỏe của doanh nghiệp. Ý kiến của Thứ trưởng về nhận định này?
Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Xuân Định: Có thể nói đây là thang đo rất hoàn chỉnh đối với một doanh nghiệp. 7 tiêu chí để đánh giá doanh nghiệp khá đầy đủ từ đầu vào, đầu ra, từ năng lực quản lý lãnh đạo, tầm nhìn của lãnh đạo đến phát triển thị trường và ngay cả vấn đề gắn kết người lao động với doanh nghiệp để trở thành một phần tài sản hữu hình của doanh nghiệp trong cạnh tranh toàn cầu. Đặc biệt, hiện nay đã có ISO về quản lý đổi mới sáng tạo, tất cả những thành tố về đổi mới sáng tạo chúng ta đều nhìn thấy các tiêu chí đánh giá này trong 7 tiêu chí đánh giá của GTCLQG. Vì vậy, theo cá nhân tôi, các hệ tiêu chí hiện nay là khá toàn diện và tiên tiến.
GTCLQG chính là giải thưởng dành cho các doanh nghiệp phát triển toàn diện và bền vững. Sự bền vững ở đây nói lên “sức khỏe” của doanh nghiệp không phải là “sức khỏe” tức thời mà là “sức khỏe” lâu dài, đặc biệt khả năng chống chịu đối với các cú sốc bên ngoài.
Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!
Theo most.gov.vn