Nâng cao hiệu quả quản lý thông qua việc hoàn thiện công tác lập, quản lý hồ sơ thanh tra, hồ sơ giải quyết khiếu nại, hồ sơ giải quyết tố cáo
Người viết: Nguyen Nam - Ngày viết: Thứ Năm, Tháng Chín 19, 2024 | 17:05 - Lượt xem: 170
Việc lập, quản lý hồ sơ thanh tra, hồ sơ giải quyết khiếu nại, hồ sơ giải quyết tố cáo là yêu cầu bắt buộc đối với các cơ quan, đơn vị thanh tra. Lập, quản lý hồ sơ là hoạt động gắn liền với quản lý, phục vụ cho hoạt động quản lý. Việc lập, quản lý hồ sơ là một chuỗi các hoạt động, thực hiện theo những trình tự, thủ tục do pháp luật quy định và được các chủ thể khác nhau thực hiện.
Việc lập, quản lý hồ sơ thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo có vai trò vô cùng quan trọng và cần thiết bởi ngoài giá trị tra cứu, đối chiếu nó còn là bằng chứng lưu lại kết quả quá trình thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân nhằm bảo đảm toàn vẹn giá trị các hồ sơ, tài liệu từ thời điểm hình thành cho đến khi bị tiêu hủy hoặc bảo quản lưu trữ vĩnh viễn.
Các văn bản, tài liệu trong một hồ sơ phải có sự liên quan chặt chẽ với nhau và phản ánh đúng trình tự, diễn biến của sự việc đã diễn ra. Vì vậy, ngày 01 tháng 7 năm 2024, Tổng Thanh tra Chính phủ ban hành Thông tư số 06/2024/TT-TTCP quy định việc lập, quản lý hồ sơ thanh tra, hồ sơ giải quyết khiếu nại, hồ sơ giải quyết tố cáo. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 8 năm 2024.
Thông tư gồm 4 Chương và 21 Điều, gồm các chương: Chương I là những quy định chung; Chương II quy định cụ thể về lập hồ sơ thanh tra, hồ sơ giải quyết khiếu nại, hồ sơ giải quyết tố cáo; Chương III quy định về việc nộp lưu, bảo quản, quản lý, khai thác, sử dụng hồ sơ thanh tra, hồ sơ giải quyết khiếu nại, hồ sơ giải quyết tố cáo; Chương IV quy định về xử lý vi phạm và điều khoản thi hành.
Phạm vi điều chỉnh của Thông tư này quy định việc lập, nộp lưu, bảo quản, quản lý, khai thác hồ sơ thanh tra, hồ sơ giải quyết khiếu nại, hồ sơ giải quyết tố cáo. Đối tượng áp dụng đối với Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, Thủ trưởng cơ quan thanh tra, Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành; người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo; người được giao nhiệm vụ xác minh nội dung khiếu nại, tố cáo; lưu trữ cơ quan thực hiện lưu trữ hồ sơ thanh tra, hồ sơ giải quyết khiếu nại, hồ sơ giải quyết tố cáo.
Thông tư này yêu cầu của việc lập, quản lý hồ sơ phải theo đúng chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân và phù hợp với quy định của pháp luật về lưu trữ, thanh tra, khiếu nại, tố cáo; các văn bản, tài liệu trong hồ sơ phải đầy đủ, hoàn chỉnh, có giá trị pháp lý, có mối liên hệ chặt chẽ với nhau và phản ánh đúng trình tự, diễn biến của sự việc, trình tự thanh tra, giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo; văn bản, tài liệu trong hồ sơ phải là bản chính hoặc bản sao theo quy định của pháp luật; việc lập, quản lý, khai thác hồ sơ thanh tra, hồ sơ giải quyết khiếu nại, hồ sơ giải quyết tố cáo có chứa nội dung bí mật nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
Người ra quyết định thanh tra, người giải quyết khiếu nại, người giải quyết tố cáo, Trưởng đoàn thanh tra, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân chủ trì xác minh nội dung khiếu nại, tố cáo, người được giao lập hồ sơ và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm thì bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật khi có một trong các hành vi sau: Chiếm đoạt, làm hỏng, làm mất hồ sơ, tài liệu; làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung hồ sơ, tài liệu; mua bán, chuyển giao, hủy trái phép hồ sơ, tài liệu; sử dụng hồ sơ, tài liệu lưu trữ vào mục đích xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; mang hồ sơ, tài liệu lưu trữ ra nước ngoài trái phép.
Hiện nay, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, là yêu cầu khách quan chung của sự phát triển. Trong bối cảnh chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ ở các lĩnh vực, tài liệu điện tử và tài liệu lưu trữ điện tử đã phát huy ưu điểm vượt trội so với tài liệu giấy. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận được thông tin trong văn bản và ít phụ thuộc vào thời gian, không gian; thuận tiện khai thác, tra cứu, nghiên cứu, liên kết thông tin; chuyển phát thông tin nhanh chóng; tiết kiệm giấy, mực, kho tàng bảo quản, công sức của con người … Đối với lưu trữ điện tử hồ sơ thanh tra, hồ sơ giải quyết khiếu nại, hồ sơ giải quyết tố cáo, Thông tư quy định người ra quyết định thanh tra, người giải quyết khiếu nại, người giải quyết tố cáo và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện việc thu thập, quản lý tài liệu, hồ sơ điện tử theo quy định của Luật Lưu trữ và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Đây chính là điểm mới của Thông tư này.
Ngoài ra, hồ sơ thanh tra, hồ sơ giải quyết khiếu nại, hồ sơ giải quyết tố cáo phải được lập đúng trách nhiệm, đúng trình tự và được lưu trữ thành các nhóm văn bản theo quy định. Việc thực hiện đầy đủ, thống nhất và đồng bộ các quy định sẽ tác động trực tiếp vào chất lượng lập, quản lý hồ sơ thanh tra, hồ sơ giải quyết khiếu nại, hồ sơ giải quyết tố cáo, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nói chung và công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo nói riêng./.
Trần Văn Tuyển – Phó Trưởng ban, Ban Pháp chế – Thanh tra