Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng các chính sách thông qua rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thường xuyên và kịp thời
Người viết: Nguyen Nam - Ngày viết: Thứ Năm, Tháng Hai 8, 2024 | 10:15 - Lượt xem: 610
Rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật được xem là công cụ hữu hiệu, góp phần quan trọng bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Rà soát văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi là rà soát văn bản) là việc xem xét, đối chiếu, đánh giá các quy định của văn bản được rà soát với văn bản là căn cứ để rà soát, tình hình phát triển kinh tế – xã hội nhằm phát hiện, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các quy định trái pháp luật, mâu thuẫn, chồng chéo, hết hiệu lực hoặc không còn phù hợp (khoản 5 Điều 2 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP) và hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật là việc tập hợp, sắp xếp các văn bản quy phạm pháp luật đã được rà soát theo các tiêu chí quy định tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP (khoản 6 Điều 2 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP). Do đó, tổng rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật là việc xem xét, đánh giá toàn bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do tất cả các cơ quan, người có thẩm quyền ban hành trong một khoảng thời gian cụ thể (khoản 7 Điều 2 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP).
Quy định về nguồn văn bản để rà soát, hệ thống hóa tại Khoản 2 Điều 141 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP được sửa đổi bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP đã bỏ quy định liên quan đến việc sử dụng văn bản hợp nhất để rà soát, hệ thống hóa để phù hợp với ý nghĩa của quy định “nguồn văn bản rà soát, hệ thống hóa” là bảo đảm tính chính xác của kết quả rà soát, hệ thống hóa. Hơn nữa, theo quy định tại Pháp lệnh Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hợp nhất được sử dụng trong áp dụng và thi hành pháp luật; trường hợp do sai sót về kỹ thuật dẫn đến nội dung của văn bản hợp nhất khác với nội dung của văn bản được hợp nhất thì áp dụng các quy định của văn bản được hợp nhất. Do đó, việc sử dụng văn bản hợp nhất để rà soát, hệ thống hóa văn bản (nếu có) sẽ được thực hiện theo quy định nêu trên của Pháp lệnh Hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật. Vì vậy, để bảo đảm kết quả rà soát, hệ thống hóa phản ánh đúng tình trạng pháp lý của văn bản được rà soát, việc xác định nguồn văn bản để rà soát, hệ thống hóa văn bản phải được thực hiện theo thứ tự ưu tiên như sau: Bản gốc, bản chính; Văn bản đăng trên công báo in, công báo điện tử; Bản sao y bản chính, bản sao lục của cơ quan, người có thẩm quyền; Văn bản trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật; và Văn bản trong Tập hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố.
- Trách nhiệm thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản[1]
Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 139 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ- CP thì trách nhiệm rà soát, hệ thống hóa văn bản của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đã được quy định theo hướng xác định rõ và cụ thể hơn. Theo đó, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có trách nhiệm rà soát, hệ thống hóa văn bản[2] như sau: Văn bản do mình ban hành, liên tịch ban hành hoặc chủ trì soạn thảo; và Văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội do cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội trình có nội dung điều chỉnh những vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ.
Để triển khai việc rà soát, hệ thống hóa văn bản tại bộ, cơ quan ngang bộ, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định: Thủ trưởng các đơn vị chuyên môn thuộc bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản điều chỉnh những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của đơn vị mình. Người đứng đầu tổ chức pháp chế hoặc người đứng đầu đơn vị được giao thực hiện công tác pháp chế ở Tổng cục và tương đương, Cục thuộc bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan giúp Tổng cục trưởng, Cục trưởng thực hiện rà soát, hệ thống hóa văn bản liên quan đến ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước của cơ quan, đơn vị mình; và Người đứng đầu tổ chức pháp chế thuộc bộ, cơ quan ngang bộ có trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn, tổng hợp kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản chung của bộ, cơ quan ngang bộ.
- Căn cứ rà soát văn bản
Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định căn cứ rà soát văn bản bao gồm: Văn bản là căn cứ để rà soát và tình hình phát triển kinh tế xã hội.
Việc xác định tình hình phát triển kinh tế – xã hội là căn cứ rà soát văn bản được quy định tại Điều 146 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP. Theo đó, tình hình phát triển kinh tế – xã hội là căn cứ rà soát văn bản được xác định trên cơ sở các tài liệu, thông tin sau: (1) Điều lệ, cương lĩnh, nghị quyết, chỉ thị, tài liệu chính thức khác của Đảng; văn bản, tài liệu chính thức của cơ quan nhà nước có thẩm quyền liên quan đến văn bản được rà soát; (2) Kết quả điều tra, khảo sát; thông tin kinh tế – xã hội; số liệu và báo cáo thống kê; thông tin, số liệu thực tiễn, tài liệu khác liên quan đến văn bản được rà soát do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố. Tuy vậy, trong thực tiễn cũng có những sự thay đổi của tình hình kinh tế – xã hội có phạm vi tác động hẹp hơn, không nhất thiết phải có đầy đủ các nội dung rà soát đối với văn bản được rà soát chịu tác động của căn cứ rà soát này.
Việc xác định văn bản là căn cứ để rà soát và văn bản cần rà soát được quy định tại Điều 145 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP, cụ thể:
a) Văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, đình chỉ việc thi hành, ngưng hiệu lực một hoặc nhiều văn bản là căn cứ để rà soát; văn bản được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, bị ngưng hiệu lực, bị đình chỉ việc thi hành là văn bản cần rà soát.
Ví dụ: Thông tư A sửa đổi, bổ sung Thông tư B thì Thông tư A là căn cứ pháp lý để rà soát, Thông tư B là văn bản được rà soát.
b) Văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ngưng hiệu lực, đình chỉ việc thi hành văn bản được sử dụng làm căn cứ ban hành một hoặc nhiều văn bản là căn cứ để rà soát; văn bản có văn bản là căn cứ ban hành được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, bị ngưng hiệu lực, bị đình chỉ việc thi hành là văn bản cần rà soát.
Ví dụ: Thông tư C có một trong những căn cứ ban hành là Nghị định D. Nghị định D được thay thế bởi Nghị định E. Khi đó, Nghị định E là căn cứ pháp lý để rà soát, Thông tư C và Nghị định D là văn bản được rà soát.
c) Văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, ngưng hiệu lực, đình chỉ văn bản được dẫn chiếu trong nội dung của một hoặc nhiều văn bản là căn cứ để rà soát; văn bản có chứa nội dung được dẫn chiếu đến văn bản được sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, bị ngưng hiệu lực, bị đình chỉ việc thi hành là văn bản cần rà soát.
Ví dụ: Trong nội dung của Thông tư G có dẫn chiếu đến quy định của Thông tư F. Thông tư F được thay thế bởi Thông tư K. Khi đó, Thông tư K là căn cứ pháp lý để rà soát, Thông tư G và Thông tư F là văn bản được rà soát.
d) Trường hợp khác mà văn bản được ban hành có quy định liên quan đến quy định của một hay nhiều văn bản được ban hành trước đó, thì văn bản được ban hành sau là căn cứ pháp lý để rà soát; các văn bản được ban hành trước đó có quy định liên quan là văn bản được rà soát.
Ngoài ra, Điều 12 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) chỉ quy định các hình thức sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc đình chỉ việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật. Như vậy, pháp luật không còn hình thức “hủy bỏ” văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, đối với văn bản được ban hành để “hủy bỏ” một hay nhiều văn bản khác được ban hành trước ngày Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có hiệu lực thì vẫn được coi là căn cứ để rà soát văn bản trước đó.
Tóm lại, việc rà soát văn bản phải được tiến hành thường xuyên, ngay khi có căn cứ rà soát; không bỏ sót văn bản thuộc trách nhiệm rà soát; kịp thời xử lý kết quả rà soát; tuân thủ trình tự rà soát. Có thể nói, thường xuyên, kịp thời xử lý là nguyên tắc đặc trưng của hoạt động rà soát văn bản, bảo đảm mọi khiếm khuyết của hệ thống pháp luật đều được phát hiện và được xử lý. Nếu việc rà soát không được thực hiện theo đúng nguyên tắc này, mục đích rà soát sẽ không đạt được và việc rà soát văn bản không có ý nghĩa. Bên cạnh đó, việc hệ thống hóa văn bản phải được tiến hành định kỳ, đồng bộ; kịp thời công bố tập hệ thống hóa văn bản còn hiệu lực và các Danh mục văn bản; tuân thủ trình tự hệ thống hóa. Hệ thống hóa văn bản nếu không được tiến hành đồng bộ, kịp thời công bố tập hệ thống hóa văn bản thì kết quả hệ thống hóa sẽ thiếu chính xác, giá trị sử dụng của tập hệ thống hóa sẽ bị giảm vì thiếu tính cập nhật.
[1] Nội dung bài này tập trung giới thiệu các thông tin, quy định liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ.
Hằng năm, Bộ KH&CN ban hành Kế hoạch rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất VBQPPL, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật. Ví dụ như Quyết định số 211/QĐ-BKHCN ngày 24/02/2023; Quyết định số 191/QĐ-BKHCN ngày 26/02/2024.