Nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ pháp điển

Người viết: Nguyen Nam - Ngày viết: Chủ Nhật, Tháng TưTháng Tư 21, 2024 | 11:05 - Lượt xem: 657

Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật được ban hành nhằm tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan nhà nước ở trung ương, trong một thời gian nhất định và theo một trình tự, thủ tục thống nhất, tiến hành rà soát, tập hợp các quy phạm pháp luật hiện hành ở cấp trung ương, sắp xếp các quy phạm đó theo một trật tự với bố cục logic, hợp lý và dễ dàng tra cứu thành Bộ pháp điển.

Bộ pháp điển được xây dựng bao gồm tất cả các quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tập hợp đầy đủ, sắp xếp trong Bộ pháp điển và được sử dụng chính thức theo quy định về pháp điển hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi cần tìm hiểu các quy định của pháp luật hiện hành về một lĩnh vực nào đó có thể sử dụng Bộ pháp điển để tra cứu. Tất cả các quy định pháp luật đang có hiệu lực thi hành ở một lĩnh vực bất kỳ vào một thời điểm cụ thể sẽ được sắp xếp một cách có hệ thống trong Bộ pháp điển.

Bộ pháp điển được cấu trúc theo các chủ đề. Mỗi chủ đề có một hoặc nhiều đề mục. Trong mỗi đề mục, tùy theo nội dung có thể có phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm. Trong Bộ pháp điển, đề mục, phần, chương, mục, tiểu mục, điều được đánh số thứ tự, trường hợp có liên quan đến nội dung khác của Bộ pháp điển thì phải được chỉ dẫn. Với cách sắp xếp quy định pháp luật theo từng chủ đề và theo trật tự văn bản có thứ bậc pháp lý từ cao xuống thấp, Bộ pháp điển sẽ cho phép người sử dụng có cái nhìn tổng thể về hệ thống quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành và áp dụng trong từng lĩnh vực nhất định, có thể nhanh chóng tìm thấy quy định trong các văn bản luật và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật liên quan đến từng vấn đề trong từng lĩnh vực cụ thể được áp dụng. Mặt khác, cơ quan xây dựng văn bản pháp luật dựa trên Bộ pháp điển có thể nhận biết tình trạng pháp lý toàn bộ quy định pháp luật thuộc phạm vi trách nhiệm thi hành của mình và kịp thời có đề xuất sửa đổi, bổ sung phù hợp.

  1. Căn cứ pháp điển trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng

Căn cứ vào Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề và phân công cơ quan thực hiện pháp điển theo các đề mục, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành 03 Quyết định liên quan đến lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng, cụ thể gồm: Quyết định số 393/QĐ-BKHCN ngày 28/02/2019 về việc ban hành Kế hoạch rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật năm 2019 của Bộ Khoa học và Công nghệ, trong đó tại khoản 4 mục II của Kế hoạch kèm theo Quyết định số 393/QĐ-BKHCN có nội dung “Thực hiện pháp điển Đề mục 4 – Đo lường thuộc Chủ đề Khoa học, công nghệ”; Quyết định số 3948/QĐ-BKHCN ngày 31/12/2020 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật đối với Đề mục Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật thuộc Chủ đề Khoa học, công nghệ; Quyết định số 3949/QĐ-BKHCN ngày 31/12/2020 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật đối với Đề mục Chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc Chủ đề Khoa học, công nghệ.

  1. Kỹ thuật pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng

Theo Điều 9 Pháp lệnh pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật: Việc xây dựng Đề mục 1 – Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Đề mục 4 – Đo lường và Đề mục 8 – Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật tập trung thực hiện đúng quy định về Điều, Ghi chú, Chỉ dẫn trong Bộ pháp điển.

Điều của Đề mục Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Đo lường; Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật thực hiện theo Điều 4 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP.

Đề mục Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Đo lường; Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật thực hiện ghi chú theo Điều 5 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP.

Đề mục Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Đo lường; Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật thực hiện chỉ dẫn theo Điều 6 Nghị định số 63/2013/NĐ-CP.

Thực hiện các quy định trên, các 03 Đề mục được xây dựng để đưa vào pháp điển như sau:

– Đề mục 01 – Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được xây dựng với 07 Chương (Những quy định chung; Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đối với chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường và trong quá trình sử dụng; Kiểm tra, thanh tra về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Giải quyết tranh chấp, bồi thường thiệt hại, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Trách nhiệm quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Điều khoản thi hành) và 515 điều.

– Đề mục 04 – Đo lường được xây dựng với 09 Chương (Những quy định chung; Đơn vị đo, chuẩn đo lường; Phương tiện đo; Phê duyệt mẫu, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường; Phép đo, lượng của hàng đóng gói sẵn; Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động đo lường; Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về đo lường; Trách nhiệm quản lý nhà nước về đo lường; Điều khoản thi hành)  400 điều.

– Đề mục 08 – Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật được xây dựng với 07 Chương (Những quy định chung; Xây dựng, công bố và áp dụng tiêu chuẩn; Xây dựng, ban hành và áp dụng quy chuẩn; Đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp về hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; Điều khoản thi hành) và 403 điều.

  1. Kết quả pháp điển lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng

Kết quả pháp điển đã được nghiên cứu, hoàn thiện và trình Lãnh đạo Bộ ký gửi Bộ Tư pháp thẩm định (Công văn số 3428/BKHCN-TĐC ngày 30/11/2021 về việc đề nghị thẩm định dự thảo Kết quả pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật Đề mục Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Công văn số 3807/BKHCN-TĐC ngày 24/12/2021 về việc đề nghị thẩm định dự thảo Kết quả pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật Đề mục Đo lường; và Công văn số 166/BKHCN-TĐC ngày 24/01/2022 về việc đề nghị thẩm định dự thảo Kết quả pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật Đề mục Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật).

Hiện nay, 03 Đề mục đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử về Bộ pháp điển của Chính phủ giao Bộ Tư pháp quản lý (https://phapdien.moj.gov.vn/Pages/chi-tiet-bo-phap-dien.aspx).

  1. Yêu cầu mới đối với pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật

Ngày 02/02/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 143/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “ Nâng cao chất lượng và hiệu quả khai thác, sử dụng Bộ pháp điển” với những mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể, trong đó yêu cầu các Bộ, ngành và Địa phương triển khai các nhiệm vụ như sau:

a) Cần khắc phục hạn chế, bất cập của Bộ pháp điển hiện nay như: còn văn bản đang có hiệu lực thuộc 271 đề mục đã được Chính phủ thông qua nhưng chưa được sắp xếp vào Bộ pháp điển; hoặc cơ quan thực hiện pháp điển đã sắp xếp vào Bộ pháp điển nhưng chưa phù hợp, khoa học, các chỉ dẫn chưa đầy đủ, chính xác.

b) Tiếp tục nghiên cứu và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm hoàn thiện các kỹ thuật pháp điển hợp lý, khoa học hơn, góp phần thuận tiện trong khai thác, sử dụng Bộ pháp điển.

c) Đẩy mạnh phổ biến, giới thiệu và hướng dẫn khai thác, sử dụng bằng nhiều phương thức, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả thông qua việc tham khảo tài liệu phục vụ công tác phổ biến, giới thiệu Bộ pháp điển tại mục Hướng dẫn sử dụng Bộ pháp điển trên Cổng thông tin điện tử pháp điển theo đường link truy cập https://phapdien.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/huong-dan-su-dung-bo-phap-dien.aspx?ItemID=4

d) Bộ pháp điển cùng với các cơ sở dữ liệu về pháp luật được quản lý, vận hành thống nhất, đồng bộ, kết nối dữ liệu thông tin pháp luật nhằm đáp ứng nhu cầu tiếp cận, tra cứu pháp luật của người dân và doanh nghiệp cần tiếp tục triển khai một số nội dung như:

– Tiếp tục hoàn thành pháp điển các đề mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 891/QĐ-TTg ngày 17/7/2019 phê duyệt Danh mục các đề mục trong mỗi chủ đề;

– Thực hiện pháp điển lại các đề mục hoặc pháp điển đề mục mới (do văn bản có giá trị pháp lý cao nhất của đề mục được thay thế hoặc ban hành mới);

– Cập nhật các quy phạm pháp luật mới ban hành theo thẩm quyền vào đề mục đúng thời hạn, bảo đảm kết quả pháp điển đầy đủ, chính xác, kịp thời.

Hệ thống pháp luật Việt Nam với nhiều tầng nấc, nhiều chủ thể ban hành nhiều loại văn bản quy phạm pháp luật, số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành rất lớn và ngày càng nhiều. Do vậy, việc các cơ quan thực hiện pháp điển thường xuyên rà soát, xử lý và hoàn thiện các quy phạm pháp luật trong Bộ pháp điển thuộc thẩm quyền pháp điển của bộ, ngành mình sẽ giúp việc tiếp cận, tra cứu để áp dụng pháp luật ngày càng trở nên thuận lợi, giảm các chi phí về thời gian, nguồn lực cho việc áp dụng pháp luật; tăng cường tính minh bạch, thống nhất, đơn giản, khả thi của hệ thống pháp luật, góp phần tạo dựng niềm tin của người dân, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vào hệ thống pháp luật trong quá trình thực hiện các quyền dân sinh, đầu tư kinh doanh./.