Nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu
Thứ Hai, Tháng Mười Hai 24, 2018 | 14:51
Nông sản Việt muốn vào thị trường châu Âu phải tuân thủ các tiêu chuẩn quy định nghiêm ngặt. |
Tại hội thảo nâng cao năng lực xuất khẩu và an toàn thực phẩm nông sản Việt Nam do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, Trưởng phòng An toàn thực phẩm và Môi trường, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) Vương Trường Giang cho biết: Hằng năm, Cục Bảo vệ thực vật nhận nhiều cảnh báo của các nước nhập khẩu, trong đó, chủ yếu là tình trạng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức giới hạn cho phép. Chỉ tính riêng thị trường châu Âu, trong năm 2017, có 90 trường hợp hàng hóa nông sản, thực phẩm Việt Nam xuất khẩu vào đây bị cảnh báo hoặc trả hàng về do các vi phạm liên quan đến an toàn thực phẩm. Từ đầu năm đến nay, tuy có nhiều cải thiện song vẫn có hơn 40 trường hợp bị cảnh báo và từ chối cho phép nhập khẩu từ thị trường này.
Chất lượng sản phẩm đang là rào cản trong việc ổn định và mở rộng thị trường xuất khẩu của nông sản Việt. Cụ thể, theo phân tích của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), những năm gần đây, xuất khẩu nông sản Việt Nam tới thị trường EU có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều mặt hàng có khối lượng và giá trị xuất khẩu tăng mạnh như: Rau quả, thủy sản… Đặc biệt, thời gian tới, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam – EU được ký kết sẽ mở ra nhiều cơ hội cho nông sản Việt Nam. Tuy nhiên, EU cũng là thị trường rất đề cao giá trị ẩm thực, chất lượng sản phẩm và vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện, rau quả Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU đang bị rà soát, điều chỉnh chặt chẽ quy định về an toàn thực phẩm và gia tăng tần suất kiểm tra. Đáng chú ý, EU đang dự thảo các quy định mới chặt chẽ hơn về tiêu chuẩn chất lượng đối với một số sản phẩm trồng trọt như: Hồ tiêu, gia vị…
Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp, ngoài các thị trường nêu trên, một số thị trường như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia… đã có những cảnh báo về chất lượng các lô hàng thủy sản của Việt Nam. Từ đầu năm đến nay, riêng thủy sản, có khoảng 80 lô hàng bị các nước cảnh báo về chất lượng. Trước đó, nhiều mặt hàng trái cây, rau, hồ tiêu… cũng nhận cảnh báo từ một số nước.
Không chỉ khó khăn về thị trường, “xuất thô” hoặc chất lượng nông sản không cao đồng nghĩa với giá trị gia tăng thấp. Theo thống kê của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, 11 tháng năm 2018, xuất khẩu tiêu cả nước đạt hơn 220 nghìn tấn, tăng 8,9% về khối lượng nhưng giảm 32,5% về giá trị. Tương tự, với mặt hàng điều, giá trị xuất khẩu giảm 3,1% về giá trị do giá bán giảm. Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Trần Văn Công cho rằng, nguyên nhân chính khiến giá trị xuất khẩu một số nông sản giảm do chất lượng sản phẩm thấp, không cạnh tranh được với một số nước cùng xuất khẩu.
Công nghệ là giải pháp đột phá
Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn, để nâng cao năng lực xuất khẩu, người sản xuất, chế biến nông sản Việt Nam cần chú trọng nâng cao chất lượng. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực của các bên liên quan: Nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học và cơ quan quản lý nhà nước.
Đối với sản xuất, thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ phối hợp với các viện nghiên cứu, nhà khoa học… lựa chọn giống cây trồng tốt, ứng dụng khoa học kỹ thuật để phục tráng, lai tạo các giống cây, còn chất lượng bảo đảm đưa vào sản xuất; đầu tư phát triển công nghệ thu hoạch, bảo quản, chế biến nông sản nhằm nâng cao giá trị cho nông sản xuất khẩu. Ngoài ra, cần tăng cường liên kết, thúc đẩy hợp tác giữa nông dân với nông dân, nông dân với nhà khoa học, doanh nghiệp, nhà quản lý để phát triển sản xuất quy mô lớn, bảo đảm chất lượng nông sản ổn định…
“Khoa học công nghệ là giải pháp đột phá để phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp có giá trị gia tăng cao. Tỷ trọng hàm lượng giá trị khoa học công nghệ đã đóng góp hơn 30% tổng giá trị gia tăng trong nông nghiệp. Bằng việc ứng dụng khoa học, năng suất, chất lượng nông sản sẽ được nâng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường quốc tế”, ông Hà Công Tuấn nhấn mạnh.
Ngoài những giải pháp trong sản xuất, sơ chế, chế biến, nhiều doanh nghiệp cho rằng, các cơ quan chức năng cần nhanh chóng xây dựng và hoàn thiện bộ tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật và tăng cường khả năng đàm phán, thương thảo với các thị trường xuất khẩu để có những tiêu chuẩn kỹ thuật phù hợp. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường từng chia sẻ, Bộ NN& PTNT sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, các tham tán tại nước ngoài… xây dựng kế hoạch nhằm có bộ khung tiêu chuẩn cho các mặt hàng, các thị trường. Qua đó, người sản xuất, doanh nghiệp xuất khẩu có thể nắm rõ và triển khai thực hiện, tránh bị trả hàng hay nhận những cảnh báo về chất lượng như thời gian qua.