Nâng cao chất lượng, độ tin cậy kết quả thử nghiệm với ISO/IEC 17025
Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Hai, Tháng Tám 23, 2021 | 15:08 - Lượt xem: 1385
Hiện nay, rất nhiều nước trên thế giới sử dụng tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 “Yêu cầu chung về năng lực của các phòng thử nghiệm và hiệu chuẩn (PTN)” làm chuẩn mực đánh giá và công nhận chất lượng PTN của quốc gia mình. Việc sử dụng ISO/IEC 17025 giúp các nước có cùng cách tiếp cận để xác định chất lượng PTN cũng như độ tin cậy về kết quả thử nghiệm/hiệu chuẩn của PTN đó. Cách tiếp cận đồng nhất này cho phép thiết lập thỏa ước dựa trên việc đánh giá lẫn nhau và chấp nhận hệ thống công nhận chất lượng PTN của các quốc gia khác nhằm thực hiện mục tiêu của tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế là “Một tiêu chuẩn – Một lần thử nghiệm – Được chấp nhận ở mọi nơi.
ISO/IEC 17025 là tiêu chuẩn quốc tế về hệ thống quản lý chất lượng áp dụng cho phòng thử nghiệm/ hiệu chuẩn. Tiêu chuẩn này đưa ra các yêu cầu về hệ thống chất lượng, quản lý kỹ thuật đối với phòng thử nghiệm/hiệu chuẩn nhằm nâng cao năng lực quản lý chất lượng các phép thử nghiệm/hiệu chuẩn.
Các thử nghiệm/hiệu chuẩn được thực hiện bằng phương pháp tiêu chuẩn, phương pháp không tiêu chuẩn và các phương pháp do phòng thử nghiệm/hiệu chuẩn phát triển. Đây cũng là chuẩn cứ để các tổ chức công nhận thực hiện đánh giá, công nhận năng lực phòng thử nghiệm/ hiệu chuẩn.
Phòng thử nghiệm/hiệu chuẩn được công nhận chính là tiền đề cho việc thừa nhẫn lẫn nhau, song phương hoặc đa phương về kết quả thử nghiệm và hiệu chuẩn để tránh kiểm tra nhiều lần tiến đến chỉ cần kiểm tra một lần, cấp một giấy chứng nhận và được chấp nhận ở mọi nơi.
Từ khi được đưa vào áp dụng tại Việt Nam, ISO/IEC 17025 (trước đây là Guide 25) luôn được các PTN nghiên cứu, áp dụng ngày càng nhiều về số lượng, mở rộng nhiều về lĩnh vực, khu vực. Đã có nhiều PTN được công nhận ở khắp các tỉnh thành trên cả nước, bao gồm cả các PTN thuộc các cơ quan nhà nước, quân đội, doanh nghiệp. Nhiều nhất vẫn tập trung tại các tỉnh thành lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng.
Với xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, nhu cầu áp dụng ISO/IEC 17025 trong hoạt động quản lý chất lượng các phép thử nghiệm/hiệu chuẩn ngày càng phát triển, đòi hỏi các PTN luôn cải tiến và nâng cao năng lực về quản lý và kỹ thuật nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội.
Hiện nay, liên quan đến hoạt động thử nghiệm/hiệu chuẩn, nhiều văn bản của Chính phủ đã đưa ra yêu cầu các PTN phải áp dụng quản lý theo ISO/IEC 17025, như Nghị định 105/2016/NĐ-CP về lĩnh vực đo lường, Nghị định 107/2016/NĐ-CP về lĩnh vực đánh giá sự phù hợp, Nghị định 62/2016/NĐ-CP, về lĩnh vực thử nghiệm chuyên ngành VLXD.
Những năm gần đây, việc ý thức và đưa vào áp dụng quản lý PTN theo chuẩn mực ISO/IEC 17025 cũng bắt đầu diễn ra. Đa số các PTN đã và đang áp dụng ISO/IEC 17025 đều thuộc cơ quan nhà nước, sử dụng nguồn ngân sách và chủ yếu phục vụ quản lý nhà nước trong phạm vi chuyên ngành.
Các PTN được công nhận cũng hạn chế về số lượng chỉ tiêu do năng lực kỹ thuật cũng như trình độ tay nghề của các thử nghiêm/ hiệu chuẩn viên, đặc biệt là các PTN tại các tỉnh thuộc Tây Nguyên, miền trung và các tỉnh lân cận khác. việc áp dụng HTQL ISO/IEC 17025 tại các PTN chưa đạt được hiệu quả, chưa mang tính đồng bộ.
Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 4 (Trung ThS. Nguyễn Phú Quốc tâm) đã chủ trì thực hiện nhiệm vụ Nhân rộng áp dụng hệ thống quản lý ISO/IEC 17025 cho các phòng thử nghiệm/hiệu chuẩn khu vực Tây Nguyên, miền Trung và miền Nam nhằm thúc đẩy nhận thức, nâng cao năng lực quản lý phép thử nghiệm/ hiệu chuẩn tại các PTN phù hợp chuẩn mực quốc tế ISO/IEC 17025.
Đây là nhiệm vụ thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”. Cụ thể, Trung tâm đã thực hiện việc phổ biến kiến thức cơ bản về ISO/IEC 17025, lựa chọn các PTN để đào tạo, hướng dẫn xây dựng, áp dụng thành công ISO/IEC 17025 và được đánh giá công nhận đạt chuẩn.
Kết quả mà nhiệm vụ đem lại là điều tra, khảo sát ban đầu về thực trạng hoạt động của 40 PTN thuộc các lĩnh vực như nông sản, thực phẩm, vật liệu xây dựng, điện,… tại các tỉnh Tây Nguyên; Tổ chức thành công 04 Hội thảo phổ biến, hướng dẫn áp dụng ISO/IEC 17025 tại 4 tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông, Lâm Đồng, với sự tham dự của 250 người đến từ các PTN, cán bộ các cơ quan quản lý liên quan;
Xây dựng được Bộ tài liệu đào tạo về hệ thống quản lý năng lực phòng thử nghiệm/hiệu chuẩn theo ISO/IEC 17025; Thực hiện đào tạo, hướng dẫn xây dựng, áp dụng HTQL ISO/IEC 17025 cho 31 PTN và có 28 PTN đã được đánh giá công nhận bởi các tổ chức công nhận; Tổ chức thành công 01 Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm áp dụng thành công hệ thống quản lý ISO/ IEC 17025 với hơn 50 lượt đại biểu tham dự.
Với những kết quả đạt được như trên, nhiệm vụ đã giúp doanh nghiệp trong hoạt động thử nghiệm/ hiệu chuẩn thúc đẩy nhận thức, kiến thức về quản lý của các cấp quản lý và nhân viên đang làm việc tại PTN. Giúp các phòng thử nhiệm/hiệu chuẩn tham gia vào nhiệm vụ nâng cao năng lực về kỹ thuật và quản lý, đủ độ tin cậy, cung cấp các kết quả thử nghiệm/hiệu chuẩn được chính xác và kịp thời.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Trung tâm cũng gặp phải những khó khăn, vướng mắc như tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát, sự thay đổi phiên bản của tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005 sang phiên bản ISO/IEC 17025:2017 làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.
Tuy nhiên, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng đã trực tiếp chỉ đạo và tạo điều kiện cộng với sự tham gia, phối hợp thực hiện nhiệt tình từ các PTN đã giúp Trung tâm hoàn thành được nhiệm vụ đề ra và đạt được các kết quả đáng khích lệ.
Có thể nói, kết quả của nhiệm vụ đạt được là tiền đề cho việc áp dụng HTQL ISO/IEC 17025 vào hoạt động các PTN được nhân rộng ra đối với các tổ chức thử nghiệm/hiệu chuẩn khác trên cả nước. Để thực hiện được điều này, trong thời gian tới, cần có thêm các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp để các doanh nghiệp có thể tiếp tục duy trì áp dụng và cải tiến hệ thống quản lý.
ThS. Nguyễn Phú Quốc