Nan giải kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm
Người viết: admin - Ngày viết: Thứ Ba, Tháng Mười 16, 2018 | 10:29 - Lượt xem: 1522
Theo Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội, trong 9 tháng năm 2018, Chi cục đã thanh tra, kiểm tra tại 121/175 cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản. Theo đó, các đoàn thanh tra đã phát hiện và xử lý 11.456kg sản phẩm vi phạm về hàng hóa theo quy định bao gồm: 3.822kg sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ như: thịt đông lạnh, mộc nhĩ, chân gà; 271kg sản phẩm nông sản hết hạn sử dụng; 4.790kg sản phẩm không ghi đầy đủ nội dung bắt buộc… Đoàn kiểm tra đã tiêu hủy gần 256kg sản phẩm hàng hóa hết hạn sử dụng và không rõ nguồn gốc xuất xứ. Bên cạnh đó, các đoàn kiểm tra liên ngành của Sở NN&PTNT Hà Nội cũng kiểm tra đột xuất, lấy 192/231 mẫu để kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm. Hiện đã có 167 mẫu, trong đó 11 mẫu vi phạm chỉ tiêu an toàn thực phẩm (chiếm 6,59%).
Bên cạnh đó, giá nông sản bấp bênh, chưa liên kết được với doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm, nên đầu ra không ổn định, thiếu bền vững khiến cho người dân chưa quan tâm tới xây dựng thương hiệu truy xuất nguồn gốc xuất xứ. Hiện tại, chưa có quy định mức giới hạn an toàn thực phẩm trong một số sản phẩm nông sản, thực phẩm, đặc biệt là các quy định về mức giới hạn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên sản phẩm có nguồn gốc thực vật, nên khi kiểm tra vẫn phát hiện một số dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép.
Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai Đỗ Thị Kim Dung cho biết, dù thành phố đã phân cấp trong quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, các địa phương đã bắt đầu đi vào nền nếp nhưng việc thanh, kiểm tra về an toàn thực phẩm ở các địa phương còn thụ động, chưa kiên quyết trong xử lý vi phạm, chủ yếu chỉ nhắc nhở, cảnh cáo đối với các vi phạm dẫn đến số cơ sở vi phạm còn ở mức cao, không bảo đảm tính răn đe và thực thi nghiêm pháp luật. Hơn nữa, các địa phương cũng chưa kiểm soát được an toàn thực phẩm trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm sản xuất từ khu vực kinh doanh nhỏ lẻ, thủ công.
Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương nghiên cứu trình Chính phủ ban hành đầy đủ cơ chế chính sách để hỗ trợ xây dựng chuỗi, các chính sách hỗ trợ vùng sản xuất, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chuỗi nông sản, tạo ra sự liên kết giữa các địa phương với nhau nhằm tạo ra các sản phẩm hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, đặc sản vùng, miền, đủ sức cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, các chính sách cần được tập trung đều ở các khâu sản xuất, sơ chế, chế biến và thương mại, tiêu thụ sản phẩm để động viên khuyến khích kịp thời cho các tác nhân tham gia phát triển chuỗi nhằm hạn chế vi phạm trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm, thủy sản.
Nguồn hanoimoi.com.vn