Mục tiêu tổng thể của việc sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Hai, Tháng Chín 12, 2022 | 16:15 - Lượt xem: 541

 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật trải qua thực tiễn hơn 15 năm thi hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng thực tiễn khách quan, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm thi hành các cam kết về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết.

Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật được xây dựng và ban hành trong bối cảnh Việt Nam đàm phán, gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), yêu cầu Việt Nam phải hoàn thiện khung pháp lý về tiêu chuẩn chất lượng, tăng cường tính minh bạch trong xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, loại bỏ rào cản kỹ thuật thương mại không cần thiết, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại toàn cầu.

Qua 15 năm thực hiện Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuât đã được nâng lên cả chất và lượng, công tác kế hoạch, xây dựng, thẩm định và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đã chặt chẽ hơn; phân công thẩm quyền, trách nhiệm và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức minh bạch hơn, phù hợp với quy định WTO và thông lệ quốc tế, góp phần thúc đẩy nâng cao năng suất chất lượng, năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa chủ lực của Việt Nam.

Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam đã ký kết các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) như CPTPP, EVFTA, RCEP… dẫn đến hoạt động kinh tế quốc tế đi vào chiều sâu, thực chất hơn, doanh nghiệp xuất khẩu ngày càng đối mặt với nhiều quy định, yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật tại các thị trường nước ngoài.

Bên cạnh đó, với chủ chương của Đảng, Chính phủ khuyến khích doanh nghiệp tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu đối với sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; nhu cầu đổi mới sáng tạo và tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; yêu cầu đổi mới mô hình quản lý khoa học công nghệ, phát triển hạ tầng chất lượng quốc gia; vai trò, tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của các hiệp hội, doanh nghiệp trong xây dựng, phát triển hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho thấy Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật trải qua thực tiễn hơn 15 năm thi hành đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng thực tiễn khách quan, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm thi hành các cam kết về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong các FTA thế hệ mới mà Việt Nam đã ký kết.

Mục tiêu tổng thể của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật là nhằm thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Quyết định số 2114/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo, Nghị quyết số 54/NQ-CP ngày 12/4/2022 của Chính phủ Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025, trong đó Chính phủ giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ “Chủ trì nghiên cứu đề xuất sửa đổi các luật quản lý chuyên ngành đối với sản phẩm, hàng hóa để đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính và cam kết tại các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới” (tại Phụ lục của Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP đã quy định rõ trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật) và giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng Đề án sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật trình Chính phủ và Quốc hội ban hành (Phụ lục 2 Nghị quyết số 54/NQ-CP).

Xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật nhằm thể chế hóa các cam kết của Việt Nam trong thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại quốc tế, loại bỏ rào cản kỹ thuật đối với thương mại trong các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, tham gia như Hiệp định WTO/TBT, CPTPP, EVFTA, RCEP, ASEAN…. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật thông qua việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định chưa hoàn chỉnh, chồng chéo, các khoảng trống pháp lý đang tồn tại trong thực tiễn triển khai 15 năm thi hành Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam, qua đó, hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển hệ thống tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam tiếp cận trình độ quốc tế, khu vực; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Theo VietQ