Lộc Trời triển khai áp dụng cải tiến tại Chi nhánh Nhà máy thuốc BVTV Lê Minh Xuân

Người viết: Trương Vân - Ngày viết: Thứ Ba, Tháng Mười Hai 8, 2020 | 9:12 - Lượt xem: 1471

Sau cải tiến tại Chi nhánh Nhà máy Thuốc Bảo vệ Thực vật Châu Thành thành công, đem lại hiệu quả trong sản xuất, Công ty Cổ phần Tập Đoàn Lộc Trời đã quyết định tiếp tục tham gia vào Chương trình “Nâng cao năng suất chất lượng” của Quốc gia và triển khai cải tiến tại Chi nhánh Nhà máy Thuốc BVTV Lê Minh Xuân.

Cải thiện không gian làm việc

Nhà máy Lê Minh Xuân thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, chuyên sản xuất Thuốc Bảo vệ Thực vật để cung cấp cho thị trường nội địa. Lần đầu tiên Chi nhánh này được Ban lãnh đạo Lộc TRời cho triển khai chương trình áp dụng các công cụ năng suất (LEAN). Với xuất phát điểm thấp, nhân viên chưa được đào tạo về cải tiến, phương pháp sản xuất chưa thật sự chuyên nghiệp, thiết bị chưa được hiện đại, vì vậy, mục tiêu cơ bản giai đoạn đầu của Xí nghiệp Lê Minh Xuân được lãnh đạo công ty Lộc Trời đưa ra là giúp nhân viên làm quen và hình thành nhận thức về năng suất, làm nền tảng quản lý cho thời gian tới. Trong giai đoạn này, lãnh đạo công ty ưu tiên chọn lựa áp dụng 2 công cụ cơ bản trong mô hình Lean đó là 5S và Kaizen

Các vướng mắc của Nhà máy Lê Minh Xuân cũng giống như những công ty nhỏ khác đó là: không gian làm việc bừa bộn, vật dụng không cần thiết để chiếm diện tích, cách bố trí không gian làm việc tại nhà máy không được khoa học. Đặc biệt, tại những khu vực chứa thuốc, phụ tùng, bao bì và cả khu vực công cộng. Vật dụng để rất lộn xộn, chưa có sự phân chia rõ ràng cho các khu vực hoặc chưa hiển thị rõ ràng được tên và số lượng vật tư. Tại một số vị trí, máy móc dơ chưa được vệ sinh định kỳ.

Để giải quyết những vấn đề trên, công ty đã phối hợp cùng các chuyên gia tư vấn đến từ QUATEST 3 để triển khai áp dụng 5S & quản lý trực quan tại khu vực sản xuất, kho thuốc, bảo trì và khu công cộng.

Kết quả sau 5 tháng triển khai áp dụng các công cụ LEAN, không gian làm việc tại những khu vực được chọn lựa nói trên đã có sự thay đổi rõ rệt. Số lượng vật dụng dư thừa không cần thiết giảm đáng kể. Bao bì trong kho không những được sắp xếp phân loại gọn gàng mà còn được nhận diện đầy đủ về chủng loại và số lượng. Máy móc thiết bị sạch hơn vì đã được vệ sinh lại và quan trọng hơn là đã thiết lập được quy định và phương pháp vệ sinh định kỳ.

Một số  hình ảnh thể hiện kết quả áp dụng công cụ LEAN tại Nhà máy Thuốc BVTV Lê Minh Xuân:

TRƯỚC

SAU

 

 

 

 

  
 

 

Áp dụng Kaizen Isacop và Kaizen chuyền Insuran
Kaizen chuyền Isacop

Đối với chuyền Isacop, vấn đề gặp phải là hao hụt nguyên liệu thuốc đầu vào làm tăng chi phí sản xuất đồng thời tạo môi trường làm việc nguy hại cho người lao động.

Nguyên nhân của hao hụt nguyên liệu là do việc bố trí công đoạn đóng gói chưa phù hợp. Giải pháp của nhóm cải tiến là thay đổi phương thức đổ nguyên liệu vào bồn (trước đây đặt bồn trên cao, sau này đặt bồn sát mặt đất rồi mới tải nguyên liệu lên trên để cấp vào bồn) để tạo thành 1 qui trình vận hành khép kín như hình bên dưới.

Sau khi thực hiện hai nhóm giải pháp trên cho kết quả như sau: Năng suất đóng gói tăng từ 90 lên 120 gói/h; Giảm hao hụt nguyên liệu xuống dưới 0.1%. Giảm nhân công lao động từ 6 xuống còn 4 người. Ngoài ra, phương pháp cải tiến này còn giúp giảm đáng kể bụi phát tán ra môi trường làm việc.

TRƯỚC

SAU

 

Kaizen chuyền Insuran

Đối với chuyền Insuran, vấn đề nổi cộm trước khi triển khai dự án là: hao hụt nguyên liệu nhiều làm phát sinh chi phí sản xuất; môi trường làm việc nhiều bụi thuốc làm ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người lao động; năng suất đóng gói không cao.

Nguyên nhân của hao hụt nguyên liệu thuốc bột là do hệ thống khí nén các line bị xì, cộng với thiếu các vật dụng che chắn. Giải pháp cải tiến mà nhóm đưa ra là thiết kế khung tủ khí nén tổng mới để ngăn chặn phát tán bụi.

Kết quả đạt được: Giảm hao hụt nguyên liệu dưới 0.15% từ đó tăng khả năng thu hồi, tái chế bụi nguyên liệu; Thời gian vệ sinh sau sản xuất giảm khoảng 50%. Ngoài ra còn đảm bảo chất lượng ép nhiệt túi do giảm được bụi bám và tăng giảm thời gian dừng máy. Kết quả là năng suất tăng 80% so với ban đầu; giảm một công lao động (tiết kiệm 100 triệu/ người/ năm); và loại bỏ hoàn toàn thời gian chờ đợi giữa công đoạn.

Một nguyên nhân khác của năng suất thấp tại Nhà máy Lê Minh Xuân đó là, do việc chuẩn bị và phân công nhân sự chưa phù hợp. Nhóm cải tiến đã đưa ra giải pháp sắp xếp lại trình tự công đoạn đóng gói bằng cách bố trí 2 cái cân song song, trong đó hai nhân viên ngồi hai bên thực hiện các việc (Kiểm tra trọng lượng gói, Xếp gói vào hộp, Kiểm tra trọng lượng hộp) và một người đóng thùng carton như hình bên dưới.

TRƯỚC

SAU

 

 

Với cách sắp xếp lại như trên cho kết quả thấy giảm được số nhân công thấy rõ từ 4 người xuống còn 2 nhân công.